Thông tin tình báo do các quan chức Mỹ xem xét cho thấy, một nhóm thân Ukraine đứng sau các cuộc tấn công tháng 9/2022 nhằm vào các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream, nhưng không có bằng chứng về sự tham gia của chính phủ Kiev, tờ New York Times đưa tin hôm 7/3.

“Các quan chức Mỹ từ chối tiết lộ thông tin tình báo này là gì, cũng như cách thức họ nắm thông tin hoặc bất kỳ chi tiết nào về mức độ tin cậy của bằng chứng mà họ thu được. Họ đã nói rằng chưa có kết luận nào về chuyện này,” theo New York Times.

Tuy nhiên, không ít người nhận định cuộc tấn công đã mang lại lợi ích cho Ukraine khi làm tổn hại nghiêm trọng đến việc Nga bán khí đốt tự nhiên cho Tây Âu, thương vụ có thể giúp Moscow kiếm được hàng triệu USD.

Đồng thời, điều đó gây thêm áp lực về giá năng lượng tăng cao khiến Nga mất nguồn thu cũng như tầm ảnh hưởng về mặt năng lượng lên châu Âu, đặc biệt là Đức. Về lý thuyết, việc Đức bớt lệ thuộc vào Nga cũng giúp ích cho cách Berlin phản đối “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.

Các vụ nổ xảy ra bảy tháng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, trên các đường ống giữa Nga và Đức xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch ở Biển Baltic. Cả hai quốc gia đều kết luận các vụ nổ là có chủ ý, nhưng không cho biết ai có thể chịu trách nhiệm.

Mykhailo Podolyak, cố vấn chính trị của Tổng thống Zelensky, cho biết trong một tuyên bố sau đó: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Ukraine hoàn toàn không liên quan đến việc vượt quá giới hạn của các đường ống.”

Hoa Kỳ và NATO đã gọi các cuộc tấn công ngày 26/9/2022 là “một hành động phá hoại,” trong khi Nga đổ lỗi cho phương Tây và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập.

Tháng trước, phóng viên từng đoạt giải Pulitzer Seymour Hersh, người từng đưa vụ thảm sát Mỹ Lai ra ánh sáng, đã châm ngòi lại vụ việc đường ống Nord Stream khi cho rằng theo nguồn tin của ông thì CIA đã theo lệnh của Tổng thống Joe Biden để làm việc này.

Hiện Đức, Đan Mạch và Thụy Điển cũng đang tiến hành các cuộc điều tra của riêng từng nước về vụ nổ đường ống Nord Stream.

Nhật Tân (T/h)