Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 22/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 490.529 ca mắc COVID-19 mới và 8.671 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 222.511.406 ca, trong đó có khoảng 4.496.091 người thiệt mạng.

COVID-19
Ảnh minh họa: (Par Akella Srinivas Ramalingaswami/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 22/9, thế giới có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 43.387.366 ca mắc và 699.568 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 446.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 592.000 ca tử vong.

Mỹ sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho thế giới

Ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vắc-xin nước này viện trợ cho nước ngoài lên 1,1 tỷ liều. Tuyên bố này được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về COVID-19 diễn ra bên lề khóa họp 76 Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), diễn ra tại Mỹ. Ngoài ra, ông cũng cam kết hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.

Tổng thống Biden cho biết đã đàm phán mua thêm 500 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) để tài trợ cho các nước khác. Số vắc-xin trên sẽ được sản xuất tại Mỹ và chuyển tới các nước thu nhập thấp và trung bình từ  tháng 1/2022 theo cơ chế COVAX – chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối cùng Liên minh vắc-xin GAVI nhằm đảm bảo vắc-xin ngừa COVID-19 được phân phối công bằng trên toàn cầu. Theo ước tính của giới chuyên gia, thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vắc-xin phòng COVID-19 để đạt độ bao phủ vắc-xin.

Ở một diễn biến khác, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ron Johnson cho biết rằng các quan chức y tế cấp cao của Mỹ đã phớt lờ việc bảo vệ người dân sau khi hồi phục sau COVID-19. Thượng nghị sĩ đã trích dẫn một số bằng chứng khoa học. Ví dụ, một phân tích dữ liệu thực tế từ Israel cho thấy khả năng miễn dịch tự nhiên thậm chí còn tốt hơn việc tiêm chủng. Tuy nhiên, các cơ quan y tế Mỹ tiếp tục khuyến cáo tất cả mọi người rằng hãy tiêm vắc-xin dù cho đã nhiễm bệnh trước đó.

Hàn Quốc: Số ca mắc mới tiếp tục tăng mạnh

Tại Hàn Quốc, số trường hợp nhiễm mới mới COVID-19 ghi nhận theo ngày ở nước này tiếp tục vượt mốc 1.700 ca trong ngày thứ 2 liên tiếp, mặc dù nước này giảm thiểu tiến hành xét nghiệm trong kỳ nghỉ lễ Trung thu (Chuseok) kéo dài 5 ngày vừa qua.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã có thêm 1.720 ca mới, nâng tổng số lên 290.983 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 2.419 người, sau khi có thêm 6 ca mới. Đây cũng là ngày thứ 78 liên tiếp vượt mốc 1.000 ca/ngày. Trước đó, trong ngày 21/9, con số này là 1.729 ca.

Khu vực đô thị Seoul – nơi 50% trong tổng dân số 52 triệu người của Hàn Quốc sinh sống –  hiện là tâm dịch của cả nước, khi ghi nhận tới 77% tổng số ca bệnh. Theo KDCA, có tới 40% trong số này là không thể xác định nguồn lây. Do đó, giới chức y tế đã kêu gọi người dân chủ động xét nghiệm COVID-19 trước và sau kỳ nghỉ lễ Trung thu kéo dài từ ngày 18/9 đến 22/9, để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bỉ chấp thuận tiêm liều vắc-xin COVID-19 bổ sung cho một số nhóm đối tượng

Liên quan đến chiến lược tiêm vắc-xin, Hội đồng y tế cấp cao của Bỉ đã cho phép tiêm liều vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 3 cho tất cả những người lưu trú trong các viện dưỡng lão và tất cả những người trên 85 tuổi.

Ngoài ra, chính phủ Bỉ cũng đã quyết định cấp chứng nhận kỹ thuật số về an toàn COVID-19 cho những người có giấy chứng nhận tiêm chủng hợp lệ. Tuy nhiên, trong trường hợp những người này có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm sàng lọc kháng nguyên COVID-19 dương tính, thì chứng nhận kỹ thuật số của họ sẽ hiển thị màu đỏ trong khoảng 11 ngày. Trong thời gian đó, họ không được phép tham gia các sự kiện cũng như tới các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn.

Ấn Độ dự định cho phép rút ngắn thời gian giữa 2 liều vắc-xin AstraZeneca

Cùng ngày, Ấn Độ dự kiến cho phép rút ngắn khoảng cách giữa 2 liều vắc-xin của hãng AstraZeneca đối với các trường hợp tiêm tự nguyện ở các cơ sở y tế tư nhân. Cụ thể, các bệnh viện tư sẽ có thể cho phép khách hàng tự nguyện của mình tiêm mũi thứ 2 vào 4 tuần sau khi tiêm mũi đầu, giảm so với 12-16 tuần hiện nay. Tuy nhiên, đối với những người tiêm theo chương trình của chính phủ, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vẫn là 12 tuần.

Ấn Độ đã tăng khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vắc-xin của AstraZeneca từ tháng 5 nhằm đảm bảo rằng có nhiều người được tiêm ít nhất 1 mũi trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm do dịch bùng phát mạnh trong năm nay.

Hãng AstraZeneca khuyến cáo mũi tiêm thứ 2 nên cách mũi đầu tối thiểu 4 tuần. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 2 mũi vắc-xin này nên cách nhau 8-12 tuần.

Indonesia chưa cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ 5-11 tuổi

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) khẳng định chưa cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. BPOM cho biết rằng đến nay EUA cho loại vắc-xin này tại Indonesia chỉ dành cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: