Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 10/4, thế giới ghi nhận thêm khoảng 615.000 ca mắc COVID-19 mới và 1.600 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 440.879.689 ca, trong đó có khoảng 5.650.536 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Exposure Visuals/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 164.481 ca; Pháp đứng thứ 2 với 107.654 ca; tiếp theo là Ý (53.253 ca). Hàn Quốc đứng đầu về số ca tử vong mới, với 329 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Nga 259 ca và Mexico với 125 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 82.060.148 người, trong đó có 1.012.145 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.036.070 ca nhiễm, bao gồm 521.722 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.152.402 ca bệnh và 661.270 ca tử vong.

Ấn Độ lo ngại làn sóng COVID-19 mới do biến thể XE 

Ngày 9/4, Ấn Độ thông báo trường hợp thứ 2 nhiễm biến thể XE, là biến thể kết hợp của hai dòng phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron. Ca nhiễm này được phát hiện ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.

Bệnh nhân được cho là có tiền sử đi lại từ thành phố Mumbai, nơi trường hợp nhiễm XE đầu tiên được ghi nhận tại Ấn Độ cách đây vài ngày.

Thời gian qua, giới khoa học đã theo dõi 3 biến thể mới gồm XD, XF và XE. Trong đó, 2 biến thể XD và XF là những dạng kết hợp của biến thể Delta và BA.1, hay gọi là Deltacron. Hai biến thể này đã đươc nhắc tới từ vài tháng nay nhưng chưa thực sự gây ra những thay đổi đáng kể trong diễn biến dịch bệnh thế giới. Còn lại, biến thể XE là một dạng biến thể tái tổ hợp, kết hợp của chính các dòng phụ BA.1 và BA.2 của Omicron. Biến thể tái tổ hợp xuất hiện khi một người nhiễm cùng lúc 2 hoặc 3 biến thể của virus, tạo điều kiện cho các vật chất di truyền của các biến thể pha trộn trong cơ thể người bệnh.

Với 2 ca mắc biến thể XE, nỗi sợ hãi mới về làn sóng thứ 4 đã khiến người Ấn Độ lo lắng. Mặc dù các chuyên gia đã chỉ ra rằng XE có vẻ nhẹ nhàng, nhưng họ đã cảnh báo không nên lơ là cảnh giác.

“Cho đến nay không có nhiều bằng chứng để nói rằng bệnh do biến thể XE gây ra là trầm trọng hơn và nó cũng không cho thấy tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong tăng lên. Sẽ cần nghiên cứu và quan sát thêm để chứng minh điều tương tự”, Tiến sĩ Chetan Rao Vaddepally, Chuyên gia tư vấn Pulmonologist, Bệnh viện Yashoda, Hyderabad, trấn an.

Trung Quốc: Thượng Hải vẫn bị phong toả; Bắc Kinh, Quảng Châu “báo động”

Ngày 10/4, thành phố Thượng Hải của Trung Quốc ghi nhận gần 25.000 ca lây nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng. Trong số ca mắc mới, 1.006 ca có triệu chứng và 23.937 ca không có triệu chứng. Thành phố 26 triệu dân này đang thực hiện lệnh phong tỏa trên diện rộng trong nhiều tuần qua nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, chỉ nhân viên y tế, tình nguyện viện, nhân viên giao hàng hoặc một số đối tượng có giấy phép đặc biệt mới được ra khỏi nhà. Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động cung ứng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Nhiều siêu thị phải đóng cửa.

Trước đó, Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết đã có cuộc gặp với các cơ quan chính phủ khác để bàn về tiêu chuẩn hóa các trạm giám sát đại dịch trên đường cao tốc bởi các biện pháp siết chặt tại các địa phương khiến chuỗi cung cứng bị tắc nghẽn.

Ngày 9/4, chính quyền thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với một khu vực có nguy cơ cao sau khi ghi nhận 8 ca mắc mới COVID-19 tại khu vực này trong 2 tuần qua. Cùng ngày, nhà chức trách thành phố Quảng Châu cho biết sẽ thực hiện xét nghiệm diện rộng tại 11 quận của thành phố này sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm mới trong ngày 8/4.

Trong khi đó, thành phố cảng Ninh Ba gần Thượng Hải ngày 10/4 thông báo dừng toàn bộ dịch vụ ăn uống trong khách sạn và nhà hàng, đồng thời những người sống trong khu phong tỏa phải thực hiện xét nghiệm hằng ngày trong 3 ngày.

Úc phê duyệt tạm thời mũi vắc-xin thứ 3 cho thanh thiếu niên

Cơ quan quản lý y tế của Úc đã tạm thời phê duyệt tiêm mũi vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 3 cho thanh thiếu niên 12 – 15 tuổi.

Theo đó, ngày 8/4, Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Úc (TGA) thông báo phê duyệt tạm thời việc sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer/BioNTech để tiêm mũi thứ 3 cho thanh thiếu niên 12-15 tuổi, khuyến cáo rằng những người trong độ tuổi trên nên tiêm mũi vắc-xin thứ 3 sau 6 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ 2. Theo TGA, quyết định này được đưa ra sau khi chấp thuận tạm thời sử dụng vắc-xin của Pfizer/BioNTech như mũi bổ sung cho những người từ 18 tuổi trở lên vào ngày 26/10/2021 và cho thanh niên 16 và 17 tuổi vào ngày 27/1/2022. Đây là loại vắc-xin đầu tiên được phê duyệt cho nhóm tuổi trên, nhưng quyết định trên vẫn cần có sự chấp thuận của Hội đồng Cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Úc mới có thể được triển khai.

Theo số liệu của Bộ Y tế Úc, tới nay đã có khoảng 68,6% dân số đủ điều kiện đã tiêm mũi 3. Việc triển khai mũi thứ 4 cho những người cao tuổi và dễ bị nhiễm bệnh ở Úc đã được khởi động vào ngày 4/4, trong bối cảnh nước này dự kiến sẽ đối mặt với sự tăng vọt số ca mắc COVID-19 khi mùa đông tới.

Phan Anh (tổng hợp)