Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 9/2, thế giới ghi nhận thêm khoảng 2.524.740 ca mắc COVID-19 mới và 5.595 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 358.655.681 ca, trong đó có khoảng 5.352.069 người thiệt mạng. Tới hết 9/2, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 17.333.424 trường hợp và 316.358 ca tử vong. Trong ngày 9/2, Indonesia có số ca mắc mới (trên 64.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi Việt Nam ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (93 ca).

COVID-19
(Ảnh minh họa: Dong Nhat Huy/Shutterstock)

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới Omicron, như Mỹ, Đức Anh, Ấn Độ, Nga và Brazil và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 180.000 ca), trong khi Mỹ cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.500 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 9/2, thế giới có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 70 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Anh có thể sẽ bỏ quy định yêu cầu tự cách ly

Ngày 9/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ngay trong tháng 2, nước này có thể sẽ bỏ quy định luật pháp yêu cầu tự cách ly sau khi có kết quả dương tính với virus corona (gây bệnh COVID-19) nếu tỷ lệ lây nhiễm duy trì ở mức ổn định.

Trước đó, Thủ tướng Johnson từng đề ra mục tiêu sẽ chấm dứt luật định này vào ngày 24/3. Tuy nhiên, trong phát biểu mới trước khi Quốc hội Anh tạm nghỉ từ ngày 10-21/2, ông Johnson cho biết sẽ chấm dứt quy định luật pháp về tự cách ly do mắc COVID-19 khoảng 1 tháng so với dự định ban đầu.

Thủ tướng khẳng định nếu dịch bệnh tiếp diễn theo xu hướng ổn định (về mặt dữ liệu) như hiện nay thì chính phủ sẽ có thể quyết định chấm dứt những biện pháp hạn chế còn lại tại Anh, trong đó có quy định về việc tự cách ly nếu mắc bệnh, sớm hơn tròn một tháng so với dự định. Ông Johnson cũng nêu dự định sẽ trình lên quốc hội chiến lược sống chung với COVID-19 ngay trong ngày đầu tiên khi cơ quan lập pháp Anh làm việc trở lại sau kỳ nghỉ.

Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch từ cuối tháng 1/2022 sau khi phải áp dụng trở lại vào đầu tháng 12/2021 để ứng phó với làn sóng dịch do biến thể Omicron. Người dân không phải đeo khẩu trang khi ở những không gian kín và không phải trình chứng nhận tiêm phòng khi ra ngoài. Các biện pháp yêu cầu du khách đã tiêm phòng đủ vắc-xin vẫn phải xét nghiệm COVID-19 trước hoặc sau khi đến Anh cũng hết hiệu lực trong tuần này.

WHO: Nửa triệu người đã tử vong do COVID-19 sau khi xuất hiện Omicron

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8/2 lưu ý thế giới đã ghi nhận thêm nửa triệu ca tử vong vì COVID-19 kể từ khi xuất hiện biến thể Omicron. Ông Abdi Mahamud, chuyên gia thuộc Nhóm hỗ trợ quản lý tình hình COVID-19 của WHO, nêu rõ 130 triệu ca nhiễm mới và 500.000 ca tử vong đã được ghi nhận trên toàn cầu kể từ khi biến thể Omicron được tuyên bố là biến thể đáng lo ngại vào cuối tháng 11/2021.

Kể từ đó, Omicron đã vượt Delta trở thành biến thể chủ đạo trong đại dịch COVID-19 trên thế giới vì khả năng lây lan nhanh hơn, dù có vẻ gây bệnh ít nghiêm trọng hơn. Ông Mahamud cho rằng trong bối cảnh đã có các vắc-xin hiệu quả, vẫn có tới nửa triệu người tử vong, đó là điều đáng suy nghĩ.

Dù mọi người đều nói Omicron gây bệnh nhẹ hơn, nhưng họ đã không nhận thấy một thực tế là nửa triệu người đã tử vong kể từ khi biến thể này được phát hiện.

Thủ tướng Slovenia, Nữ hoàng Đan Mạch mắc COVID-19

Thủ tướng Slovenia Janez Jansa cho biết ông đã mắc COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh tại quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này đang trên đà giảm. Ông Jansa thông báo rằng hiện ông xuất hiện các triệu chứng nhẹ. Trong khi đó, tại Đan Mạch, Cung điện Hoàng gia thông báo Nữ hoàng Margrethe cũng đã mắc COVID-19 với các triệu chứng nhẹ. Hiện Nữ hoàng Margrethe, 81 tuổi, đang cách ly trong Cung điện Amalienborg tại Copenhagen.

Hàn Quốc giảm thời gian cách ly với bệnh nhân COVID-19

Hàn Quốc đã thay đổi tiêu chuẩn quản lý đối với bệnh nhân COVID-19 và những người tiếp xúc gần, để hợp lý, đơn giản và hiệu quả hóa các hướng dẫn và quản lý phòng dịch trong bối cảnh số lượng ca nhiễm tăng vọt do biến thể Omicron.

Theo đó, thời gian cách ly đối với bệnh nhân COVID-19 đã hoàn tất tiêm vắc-xin (người đã tiêm mũi 2 được từ 14-90 ngày và tiêm đủ 3 mũi) cũng như với người chưa tiêm chủng đều là 7 ngày (thay vì 10 ngày như trước đây).

Ngoài ra, thời gian cách ly sẽ được tính từ ngày lấy mẫu xét nghiệm, bất kể đối tượng có triệu chứng hay không, thay vì tính từ ngày xuất hiện triệu chứng đối với trường hợp bệnh nhân có triệu chứng và ngày có kết quả xét nghiệm dương tính đối với người không có triệu chứng như hiện nay.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: