Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 25/3, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,43 triệu ca mắc COVID-19 mới và 4.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 424.446.331 ca, trong đó có khoảng 5.607.614 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Yau Ming Low/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 339.396 ca; Đức đứng thứ 2 với 276.746 ca; tiếp theo là Pháp (143.571 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 398 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Hàn Quốc 392 ca và Mỹ với 374 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.579.680 người, trong đó có 1.002.719 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.016.372 ca nhiễm, bao gồm 516.785 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 29.802.257 ca bệnh và 658.566 ca tử vong.

Nguy cơ xuất hiện của biến thể nguy hiểm hơn Omicron

Giám đốc y tế của Anh, Giáo sư Chris Whitty cảnh báo thế giới có thể hứng chịu làn sóng dịch COVID-19 mới trong 2 năm tới do sự xuất hiện của một biến thể gây hậu quả khó lường hơn cả Omicron. Ông khẳng định còn cả chặng đường dài cho đến khi thế giới có thể thoát khỏi đại dịch COVID-19 và đây sẽ là dịch bệnh lưu hành và có mối đe dọa đối với sinh mạng tương tự dịch cúm.

Ông Whitty cho rằng còn quá sớm để nghĩ rằng đại dịch COVID-19 đã đạt đến trạng thái ổn định và ông kêu gọi thế giới cần phải thận trọng với đại dịch này. Ông cũng cho rằng những hậu quả liên quan đến Omicron không hề nhẹ, như nhiều chuyên gia đã nhận định trước đó. Ông nhấn mạnh thế giới có thể thấy được đại dịch kết thúc bởi một biến thể gây hậu họa nghiêm trọng hơn Omicron.

Trên thực tế, thế giới đã ghi nhận thêm nhiều biến thể của virus corona. Mới đây nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận sự tồn tại của biến thể lai giữa Omicron và Delta. Tuần trước, Israel cũng đã phát hiện biến thể mới lai giữa 2 biến thể phụ của Omicron BA.1 và BA.2. May mắn, một số nghiên cứu đang được tiến hành cho thấy không có sự lây lan nghiêm trọng nào được ghi nhận.

Kết quả giải trình tự gen trong tháng trước được đăng trên hệ thống dữ liệu GISAID cho thấy Omicron đang là biến thể trội nhất, chiếm 99,8% mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gen. Trong đó, dòng phụ của Omicron là BA.2 chiếm tỷ lệ nhiều nhất, với 85,96%.

Anh hối thúc người cao tuổi tiêm mũi vắc-xin COVID-19 thứ 4

Giới chức y tế Anh đang hối thúc những người trên 75 tuổi tiêm mũi vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 4 sau khi các số liệu mới nhất cho thấy số người nhập viện do COVID-19 tăng.

Theo Báo cáo Giám sát cúm và COVID hàng tuần của Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA), số người lớn tuổi nhập viện mắc COVID-19 hiện còn cao hơn giai đoạn đỉnh của làn sóng dịch bệnh liên quan đến biến thể Omicron. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm mũi vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 4 cho người trên 75 tuổi. Số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ nhập viện trong nhóm người trên 85 tuổi tại Anh trong tuần lễ kết thúc vào ngày 20/3 là 178,29 trên 100.000 người, cao hơn so với con số 158,43 vào đầu năm nay. Tỷ lệ những người nhập viện trong độ tuổi từ 75-84 là 74,34 trên 100.000 người, trong khi con số này vào đầu tháng 1 là 70,3. Mặc dù tỷ lệ nhập viện của những bệnh nhân trẻ hơn cũng đang tăng, song vẫn thấp hơn mức được ghi nhận trong làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết 60% bệnh nhân mắc COVID-19 trong bệnh viện đang nhập viện để điều trị các triệu chứng khác và vô tình nhiễm virus. Hiện có một số quan ngại về xu hướng tăng số bệnh nhân trên 75 tuổi mắc COVID-19 phải nhập viện để điều trị tích cực.

Đức khuyến cáo mở rộng diện có thể tiêm mũi vắc-xin COVID-19 thứ 4

Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach cho biết ông đã đề nghị Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) thuộc Viện Robert Koch (RKI) đưa ra các khuyến nghị mới đối với những người có thể tiêm mũi thứ 4, trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang ở mức cao kỷ lục tại Đức.

Bộ trưởng Lauterbach nhấn mạnh Đức phải chủ động phòng ngừa với mũi tiêm thứ 4 khi hiện có tới 90% số người được STIKO khuyến nghị tiêm mũi thứ 4 (là những người trên 70 tuổi, người có bệnh nền,…) vẫn chưa thực hiện việc này. Ông cho biết đã đề nghị STIKO sửa đổi và mở rộng khuyến nghị đối với việc tiêm liều thứ 4, trong đó nhận định rằng việc tiêm mũi thứ 4 sẽ tạo ra sự khác biệt chỉ sau 1 tuần. Ông cũng kêu gọi tất cả những người chưa tiêm nên tiến hành tiêm chủng để ngăn ngừa nguy cơ bệnh trở nặng.

Tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày tại Đức lên mức cao kỷ lục mới, với giá trị hiện ở mức 1756,4. Số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua là 296.498 ca và 288 ca tử vong. Hiện số ca mắc dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron chiếm tới 72% số ca mắc COVID-19 ở Đức.

Phan Anh (tổng hợp)