Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 23/2, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,7 triệu ca mắc COVID-19 mới và 9.300 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 382.187.934 ca, trong đó có khoảng 5.462.721 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Khukeng/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (219.859 ca), Hàn Quốc (171.452 ca) và Nga (137.642 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.594 ca), Brazil (885 ca) và Nga (785 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 80 triệu ca mắc COVID-19 và trên 964.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,8 triệu ca mắc và trên 512.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 28,4 triệu ca mắc và trên 646.000 ca tử vong.

Úc: Bang New South Wales bỏ quy định đeo khẩu trang tại trường học  

Chính quyền bang New South Wales (NSW) đã quyết định kể từ ngày 28/2, bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc đối với học sinh và nhân viên các trường trung học phổ thông, cho dù số ca mắc mới COVID-19 tại bang này vẫn tiếp tục tăng.

Theo chính quyền bang, kể từ ngày 28/2, các trường học có thể cho nhiều khách vào thăm hơn, trong đó có cả phụ huynh và sẽ tiếp tục các hoạt động tập thể, trong đó có cắm trại. Bên cạnh đó, giáo viên và nhân viên các trường tiểu học và trung tâm chăm sóc trẻ em cũng không cần đeo khẩu trang bắt buộc từ ngày 7/3 tới.

Người đứng đầu lĩnh vực giáo dục bang NSW Sarah Mitchell cho biết các trường học sẽ trở lại “bình thường” vào tuần tới, vì sự lây nhiễm trong trường học là “cực kỳ thấp”. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn lo ngại rằng sẽ còn quá sớm để giảm bớt các hạn chế. Ông Gaetan Burgio, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học Y và Dược – Đại học Quốc gia Úc khẳng định: “Đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron vẫn chưa kết thúc. Việc dỡ bỏ các hạn chế, trong đó có việc đeo khẩu trang trong nhà, sẽ dẫn tới số ca mắc mới tăng vọt, kéo theo áp lực đối với hệ thống y tế”. Theo ông, với số ca mắc mới trên phạm vi cả nước vẫn dao động khoảng 10.000 hoặc 20.000 ca mỗi ngày, số ca mắc mới chủ yếu tập trung tại các trường học – nơi tỷ lệ bao phủ vắc-xin tương đối thấp.

Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi người dân tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 3

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23/2 kêu gọi người dân tiêm vắc-xin liều thứ 3 trong bối cảnh nước này đang vật lộn với làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất do biến thể Omicron. Ông Moon khẳng định 3 liểu vắc-xin giảm đáng kể nguy cơ tử vong do biến thể Omicron.

Số ca mới tăng lên mức cao mới 170.000 ngày 23/2, gần gấp đôi so với 1 tuần trước đó, trong bối cảnh biến thể này đang hoành hành trên cả nước. Cụ thể, Hàn Quốc ngày 23/2 ghi nhận 171.452 ca mới trong đó 171.271 ca là lây nhiễm cộng đồng, đưa tổng số ca mắc lên 2.329.182 ca. Mức này đánh dấu một sự gia tăng mạnh so với 99.573 ca của ngày trước đó và cao hơn nhiều mức kỷ lục 104.814 ca ngày 20/2. Giới chức y tế cho biết làn sóng Omicron có thể đạt đỉnh vào đầu tháng 3 với số ca mắc mỗi ngày lên tới 270.000 ca.

Trong bối cảnh làn sóng Omicron bùng phát mạnh, Hàn Quốc chấp thuận hệ thống điều trị tại nhà tăng cường để tập trung hơn vào các ca bệnh nặng và những người dễ bị tổn thương. Cơ quan an toàn dược phẩm Hàn Quốc ngày 23/2 cũng phê chuẩn cho phép sử dụng vắc-xin Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau nhiều tháng cân nhắc. Hàn Quốc đang chứng kiến số ca lây nhiễm gia tăng trong giới trẻ với tì lệ bệnh nhân từ 18 tuổi trở xuống tăng lên 27,6% tuần trước.

Tính đến ngày 23/2, khoảng 30,74 triệu người, tức 59,9% trong tổng số 52 triệu dân Hàn Quốc đã tiêm liều tăng cường. Số người tiêm đủ liều vắc-xin là 44,32 triệu người, chiếm 86,4%.

Dịch COVID-19 ở Nhật Bản có dấu hiệu lắng dịu

Trong những ngày gần đây, dịch COVID-19 ở Nhật Bản có dấu hiệu lắng dịu sau khi ghi nhận con số kỷ lục 104.345 ca mắc mới hôm 3/2. Tuy nhiên, số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở nước này vẫn tăng cao kỷ lục.

Các số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho thấy ngày 22/2 nước này ghi nhận 69.525 ca mắc mới COVID-19, giảm hơn 14.600 ca so với một tuần trước đó, trong đó riêng Tokyo có 11.443 ca và Osaka có 10.939 ca.

Tuy nhiên, số ca tử vong trong ngày tăng cao kỷ lục lên 319 ca. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong vì COVID-19 ở Nhật Bản vượt ngưỡng 300 ca/ngày kể từ khi đại dịch bùng phát. Bên cạnh đó, số bệnh nhân COVID-19 nặng cũng tăng thêm 9 người lên 1.504 ca trên toàn quốc, trong bối cảnh xuất hiện nhiều cụm lây nhiễm ở các cơ sở phúc lợi dành cho người cao tuổi.

Số ca mắc mới tại Singapore tăng mạnh

Số ca mắc mới COVID-19 tại Singapore tăng mạnh. Theo thông báo của Bộ Y tế Singapore, ngày 23/2 nước này ghi nhận 20.312 ca mắc mới và có thể vài tuần nữa làn sóng dịch hiện nay sẽ đạt đỉnh và sau đó thuyên giảm.

Số bệnh nhân cần thở máy và chăm sóc tích cực tại Singapore không tăng cao, song nhu cầu giường bệnh gia tăng, phần lớn là những bệnh nhân có bệnh lý nền cần điều trị. Bộ Y tế Singapore khuyến cáo những ca mắc không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên tự điều trị tại nhà nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế.

Thống kê cho thấy, trong số gần 294.000 ca mắc mới tại Singapore trong vòng 28 ngày qua, 99% là các ca không có triệu chứng hoặc ca nhẹ. Ước tính 91% trong tổng số 5,5 triệu dân Singapore đã tiêm đủ liều vắc-xin, 66% đã tiêm mũi tăng cường.

Indonesia cân nhắc khả năng tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 4

Ngày 23/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia Dante Saksono Harbuwono cho biết có khả năng sẽ triển khai tiêm vắc-xin liều thứ 4 ngừa COVID-19 nếu kết quả các nghiên cứu trong tương lai cho thấy hiệu quả.

Tuy nhiên, chính sách này sẽ không được thực hiện trong ngắn hạn do chính phủ vẫn đang tập trung thúc đẩy tiêm chủng liều thứ nhất và liều thứ hai, dự kiến hoàn tất vào tháng 6, cũng như chương trình tiêm tăng cường vắc-xin liều thứ ba. Theo ông Dante, hiện vẫn còn một số người dân chưa được tiêm vắc-xin mũi thứ 2, thậm chí mũi thứ nhất. Ông cho hay chương trình tiêm bổ sung vắc-xin ngừa COVID-19 được tiến hành với mục đích tăng cường bảo vệ cho người dân sau khi kết quả nghiên cứu cho thấy rằng hiệu lực của vắc-xin bị suy giảm trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng sau khi được tiêm đầy đủ hai mũi.

Tính đến 12 giờ ngày 23/2, Indonesia mới đạt 91,27% mục tiêu tiêm vắc-xin mũi một và 68,09% mục tiêu tiêm mũi hai. Bộ trưởng điều phối Kinh tế, Airtangga Hartarto cho biết Indonesia dự kiến chứng kiến đỉnh làn sóng lây nhễm của biến thể Omicron vào giữa tháng 3. Mặc dù số ca mắc COVID-19 đang tăng, tỉ lệ lấp đầy giường bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Indonesia cho đến nay ghi nhận hơn 5,2 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 146.000 ca tử vong.

Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ 3-5 tuổi

Ngày 23/2, Campuchia bắt đầu tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 3 tuổi và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện chiến dịch tiêm phòng cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

Chiến dịch tiêm phòng cho trẻ lứa tuổi này bắt đầu được thực hiện ở thủ đô Phnom Penh. Trong ngày đầu tiên, hàng trăm người xếp hàng bên ngoài các phòng khám để đưa con em đi tiêm phòng. Theo dữ liệu chính thức, quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm phòng vắc-xin cho hơn 90% tổng dân số 16 triệu người và là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ngừa COVID-19 cao nhất trong khu vực. Vào tháng 1, Campuchia bắt đầu thực hiện việc tiêm phòng mũi thứ 4 cho các nhóm có nguy cơ cao. Hiện Campuchia ghi nhận hơn 127.000 ca COVID-19, trong đó có 3.024 ca tử vong.

Hầu hết các nước hiện vẫn chưa tiêm phòng COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi. Trong tháng 2 này, Mỹ đã hoãn việc xem xét tiêm phòng cho trẻ ở độ tuổi trên trong ít nhất là 2 tháng. Trung Quốc và Bahrain đã triển khai chiến dịch tiêm cho nhóm trẻ từ 3-11 tuổi trên toàn quốc trong khi Cuba đã tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: