Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 5/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 415.383 ca mắc COVID-19 mới và 6.391 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 214.881.988 ca, trong đó có khoảng 4.368.573 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par S. Pech/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 5/9, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 40.800.541 ca mắc và 666.219 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và 440.785 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 20 triệu ca bệnh, trong đó có 583.628 ca tử vong.

Pháp: Hơn 140.000 người biểu tình phản đối “Thẻ Thông hành COVID-19” tuần thứ 8 liên tiếp

“Thẻ Thông hành COVID-19” là điều kiện để người dân có thể vào hầu hết các địa điểm công cộng, trong đó có nhà hàng, quán cafe, sân vận động, phòng tập gym. Quy định này có hiệu lực từ tháng trước và tất cả nhân viên y tế tại Pháp sẽ phải tiêm chủng trước ngày 15/9 tới đây.

Hà Lan: Hàng nghìn người ở thủ đô Amsterdam biểu tình chống lại các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19

Phương châm của cuộc biểu tình là “Cùng nhau chiến đấu vì Hà Lan”. Được biết, có khoảng 60 tổ chức tham gia vào cuộc biểu tình. Họ gọi đây là “cuộc biểu tình lớn nhất” kể từ khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Theo các tổ chức này, hoạt động trên được thực hiện còn nhằm phản đối việc “trợ cấp trẻ em và tình trạng thiếu nhà ở”.

Israel sẽ sớm mở lại du lịch nước ngoài

Bộ Du lịch Israel tuyên bố sẽ cho phép các đoàn du lịch có tổ chức vào nước này từ ngày 19/9. Du khách phải tiêm vắc-xin, nộp giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính trước khi lên máy bay, đồng thời trải qua xét nghiệm PCR và xét nghiệm huyết thanh khi đến nơi. Sau đó, du khách phải được cách ly trong khách sạn cho đến khi kết quả kiểm tra được công bố – quá trình này dự kiến ​​sẽ không quá 24 giờ. Tuy nhiên, nếu khách du lịch đến từ một vài quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, họ sẽ không được phép nhập cảnh vào Israel trong thời điểm hiện tại.

Nhật Bản có thể kéo dài thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp

Theo đó, tình trạng khẩn cấp, vốn đang có hiệu lực ở 21 tỉnh, thành ở Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo, có thể sẽ được gia hạn, ngoại trừ ở một số khu vực có sự cải thiện về hệ thống y tế.

Ban chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đưa ra quyết định chính thức về vấn đề này sau khi lắng nghe ý kiến từ các chính quyền địa phương và các chuyên gia y tế. Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới ở Nhật Bản bắt đầu có xu hướng giảm. Ngày 4/9, Nhật Bản ghi nhận thêm 16.012 ca mới, giảm 6.724 ca so với một tuần trước đó.

Úc có thể tiêm vắc-xin cho 70% dân số vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11

Thủ tướng Scott Morrison khẳng định dịch bệnh COVID-19 hiện nay không thể bị triệt tiêu hoàn toàn và người dân có thể tự do đi lại sau khi nước này đạt được mục tiêu tiêm chủng.

Nhà lãnh đạo Úc cho rằng người dân có thể lên kế hoạch đón Giáng sinh năm 2021 với người thân bởi với tốc độ tiêm chủng hiện nay, nước này có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Do thiếu nguồn cung vắc-xin, đến nay, mới có 37% người dân Úc đã tiêm chủng.

Hiện Chính phủ liên bang đang tìm kiếm mua thêm vắc-xin đã đẩy nhanh công tác tiêm chủng trong thời gian tới. Quốc gia này vẫn đang áp đặt lệnh phong tỏa tại các bang và vùng lãnh thổ để khống chế dịch bệnh lây lan do biến thể Delta cho đến khi có ít nhất 70% người từ 16 tuổi trở lên được tiêm chủng.

Theo kế hoạch này, Úc sẽ dần mở cửa biên giới quốc tế, vốn đóng từ tháng 3/2020, khi tỷ lệ người tiêm chủng đạt trên 80%. Ngày 5/9, nước này thông báo phát hiện 1.485 ca mới trong cộng đồng tại bang New South Wales, trong khi bang Victoria có 183 ca nmới trong cộng đồng.

New Zealand dự kiến xem xét áp đặt lệnh hạn chế toàn quốc vào ngày 6/9

Giới chức New Zealand thông báo có 20 ca nhiễm trong cộng đồng tại tâm dịch Auckland – thành phố lớn nhất nước này. Mặc dù số ca nhiễm mới đã giảm trong tuần qua, song giới chức y tế New Zealand cảnh báo cần hết sức cảnh giác trước nguy cơ lây nhiễm của biến thể Delta. Chính phủ New Zealand dự kiến sẽ xem xét áp đặt lệnh hạn chế trên toàn quốc vào ngày 6/9 nhằm khống chế hoàn toàn dịch bệnh. Riêng Auckland vẫn đang áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn cho đến ngày 13/9.

Campuchia đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin cho khoảng 70% dân số

Quốc gia này thông báo đã thực hiện tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19 cho tổng cộng 11,2 triệu người dân, tương đương 70% dân số. Trong đó, 8,87 triệu người (55% dân số) đã tiêm đủ 2 liều và hơn 660.000 người đã tiêm liều thứ 3.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: