Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 11/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 439.000 ca mắc COVID-19 mới và 7.500 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 217.812.141 ca, trong đó có khoảng 4.416.527 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par S. Pech/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 69.000 ca), Ấn Độ (31.211 ca) và Anh (29.547 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (796 ca), Mỹ (713 ca) và Mexico (699 ca).

Tình từ đầu đại dịch, Mỹ có số ca mắc cao nhất với trên 41,8 triệu ca và gần 678.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33,2 triệu ca và gần 443.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 20,9 triệu ca và trên 586.000 ca tử vong.

Mỹ dự định tiêm vắc-xin cho trẻ em 5-11 tuổi 

Hãng tin Reuters cho biết giới chức y tế Mỹ cho rằng vắc-xin COVID-19 của Pfizer có thể được cho phép dùng cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào cuối tháng 10 tới.

Mốc thời gian này dựa trên kỳ vọng rằng Pfizer, hãng hợp tác phát triển vắc-xin COVID-19 với BioNTech của Đức, sẽ có đủ dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng để được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho nhóm tuổi này vào cuối tháng 9.

Các nguồn tin cho biết trong vòng 3 tuần sau khi nhận được hồ sơ xin cấp EUA, FDA có thể đưa ra quyết định về việc liệu loại vắc-xin này có an toàn và hiệu quả ở trẻ em hay không. Vấn đề tiêm phòng cho trẻ em đang là một chủ đề nóng ở Mỹ, đặc biệt vài tuần gần đây nhiều trường học mở cửa trở lại trong bối cảnh biến thể Delta vẫn lây lan mạnh.

Theo Reuters, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci đã đề cập đến thời gian biểu như trên trong môt cuộc họp trực tuyến ngày 10/9. Ông Fauci cũng cho biết thêm rằng hãng sản xuất vắc-xin khác là Moderna nhiều khả năng cần thêm 3 tuần so với Pfizer để thu thập và phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho độ tuổi 5-11. Quyết định về cho phép vắc-xin của Moderna với trẻ em sẽ có thể được đưa ra vào khoảng tháng 11.

Anh có thể sử dụng vắc-xin khác loại trong chương trình tiêm liều bổ sung

Anh đang lên kế hoạch kết hợp vắc-xin khác loại trong chương trình tiêm vắc-xin COVID-19 bổ sung, theo đó những người tiêm mũi thứ 3 sẽ tiêm loại vắc-xin khác với 2 liều đầu nhằm tạo nâng cao hiệu quả ngừa COVID-19.

Chính phủ Anh đang muốn thúc đẩy chương trình tiêm mũi vắc-xin bổ sung vào mùa Thu sau khi các nghiên cứu từ Đại học Oxford và nhóm nghiên cứu điều hành ứng dụng Zoe Covid cho thấy hiệu quả bảo vệ từ vắc-xin của Pfizer và AstraZeneca giảm sau 4 đến 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2.

Tuy nhiên, chính phủ Anh sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên khuyến nghị của Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) – cơ quan tư vấn về vắc-xin của chính phủ. Cơ quan này hiện đang phân tích dữ liệu từ thử nghiệm Cov-Boost của Đại học Southampton. Thử nghiệm này xem xét các phản ứng kháng thể của những người ban đầu được tiêm 2 liều của AstraZeneca hoặc Pfizer, nhưng tiêm liều thứ 3 bằng 1 loại vắc-xin khác.

Các ca mắc COVID-19 tại Anh hiện vẫn tăng cao. Ngày 11/9 vừa qua, Anh ghi nhận 29.547 ca mới và 156 ca tử vong. Trong 7 ngày qua, số ca mới đã tăng 11,5% lên 267.880 ca trong khi số ca tử vong tăng 18,7% lên 947 ca. Gần 48,4 triệu người Anh (89% tổng dân số) đã tiêm 1 liều vắc-xin COVID-19, và hơn 43,8 triệu người (80,6%) đã tiêm đủ 2 liều.

Pháp: Biểu tình phản đối “Thẻ Thông hành COVID-19” bước sang tuần thứ 9 liên tiếp

Khoảng hơn 120.000 người đã biểu tình ở nhiều vùng khác nhau của Pháp vào hôm 11/9 để tiếp tục phản đối “Thẻ Thông hành COVID-19”. Họ cho rằng quy định này mang tính phân biệt đối xử với những người chưa tiêm chủng. Theo đó, người dân phải xuất trình loại giấy tờ này hoặc giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 gần đây mới có thể được vào nhà hàng, quán cà phê cũng như nhiều địa điểm công cộng khác.

Philippines kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm do ca mắc mới cao kỷ lục

Ngày 11/9, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này có thêm 26.303 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này. Hiện tổng số ca bệnh tại Philippines tăng lên 2.206.021 ca.

Tổng số ca tử vong tại Philippines do đại dịch cũng đã tăng lên 34.978 ca sau khi có thêm 79 người không qua khỏi trong một ngày qua.

Trước đó, ngày 10/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm do đại dịch COVID-19.

Sắc lệnh của Tổng thống Duterte cũng lưu ý tất cả các cơ quan chính phủ và địa phương phải tiếp tục hỗ trợ và hợp tác đầy đủ, cũng như huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện các biện pháp khẩn cấp và mang tính quyết định nhằm loại bỏ mọi nguy cơ của đại dịch COVID-19. Tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép nhà chức trách trung ương và địa phương tiêm chủng cho người dân, kiểm soát giá cả các hàng hóa và thực phẩm thiết yếu cũng như nhiều biện pháp khác.

Philippines lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3/2020 và đã gia hạn nhiều lần. Tính đến ngày 10/9, Philippines đã ghi nhận 2.179.770 ca mắc COVID-19, trong đó có 34.899 ca tử vong.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: