Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 12/11, thế giới ghi nhận thêm khoảng 467.941 ca mắc COVID-19 mới và 6.316 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 240.623.958 ca, trong đó có khoảng 4.795.543 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par ginger_polina_bublik/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 12/11, thế giới có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong do dịch bệnh. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 782.000 ca tử vong trong tổng số trên 47.700.000 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 462.690 ca tử vong trong số 34.414.186 ca.

Cơ quan quản lý dịch bệnh châu Âu cho biết hôm 12/11 rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục xấu đi ở Liên minh châu Âu (EU), trong đó 10 quốc gia được coi là “rất đáng lo ngại”.

Trong tóm tắt đánh giá rủi ro về tình hình dịch bệnh ở châu Âu, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) nhấn mạnh tình hình dịch tễ học ở EU hiện nay nổi bật là sự gia tăng nhanh chóng và đáng kể các ca bệnh, tỷ lệ tử vong thấp. ECDC cho biết số lượng các ca bệnh, người nhập viện và số người tử vong dự kiến sẽ tăng trong hai tuần tới.

Trong số 27 quốc gia thành viên EU, Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách “rất đáng lo ngại”. Bỉ, Phần Lan, Liechtenstein và Ba Lan đều có số lượng ca nhiễm cao trong tuần này.

Nằm trong danh sách “đáng lo ngại” hiện có 13 quốc gia: Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Iceland, Liechtenstein, Luxembourg, Na Uy, Romania, Slovakia, Litva, Ireland và Latvia. Síp, Pháp và Bồ Đào Nha nằm trong nhóm 3, “tình hình đáng lo ngại vừa phải” và Malta, Tây Ban Nha, Italy và Thụy Điển nằm trong nhóm cuối cùng.

Hà Lan tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa do bùng dịch

Từ ngày 13/11, các quán rượu, nhà hàng và cửa hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu tại Hà Lan sẽ phải đóng cửa vào lúc 19h hằng ngày. Quy định trên sẽ có hiệu lực trong ít nhất 3 tuần.

Chính phủ Hà Lan cho biết đây là một phần biện pháp phong tỏa dự kiến được công bố vào ngày 12/11 để khống chế dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng hiện nay. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên kể từ mùa hè năm nay, Hà Lan áp đặt lệnh phong tỏa một phần để ứng phó với dịch COVID-19 trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 vào mùa đông. Cũng theo quy định mới, người dân sẽ được khuyến nghị làm việc tại nhà trong thời gian nhiều nhất có thể, trong khi các sự kiện thể thao sẽ không được đón  khán giả trong những tuần tới.

Theo báo cáo của cơ quan y tế Hà Lan, số ca nhiễm mới tại nước này đã tăng nhanh sau khi Hà Lan dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội vào cuối tháng 9/2021. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 16.300 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 17,5 triệu ca.

Đức: Người nhập cảnh không phải bắt buộc cách ly nếu đã tiêm đủ hoặc đã khỏi bệnh

Đức ghi nhận tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 có kết quả dương tính ở mức cao nhất kể từ đầu dịch tới nay, trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 4.

Số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết trong tuần từ ngày 1-7/11, tỷ lệ xét nghiệm PCR dương tính ở Đức là 16,03% – cao chưa từng thấy kể từ đầu dịch tới nay, và tăng mạnh so với tỷ lệ 12,2% ghi nhận tuần trước đó. Trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận 49.162 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại nước này từ đầu dịch lên 4,911 triệu ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 212 ca, lên tổng cộng 97.244 ca. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, RKI khuyến cáo khẩn cấp hủy hoặc tránh các sự kiện lớn có đông người tham gia, cũng như hạn chế tối đa các tiếp xúc không cần thiết.

Chính phủ Đức cũng đã đưa Áo, CH Séc và Hungary vào danh sách các nước nguy cơ cao. Theo đó, từ ngày 14/11, người từ những nước này đến Đức sẽ phải thực hiện cách ly, trừ những người đã tiêm đầy đủ hoặc người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19. Người chưa tiêm chủng phải cách ly 10 ngày, nhưng có thể không cần thực hiện hết thời gian cách ly này nếu có kết quả xét nghiệm âm tính khi tiến hành xét nghiệm sau 5 ngày cách ly đầu tiên.

Hàn Quốc: Số ca mắc mới tăng trên 2.000 trong 3 ngày liên tiếp

Cũng trong ngày 12/11, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) Hàn Quốc cho biết nước này có thêm 2.368 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 390.719 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc tăng ở mức trên 2.300 ca.

Theo KDCA, Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 18 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 3.051 ca. Tỷ lệ tử vong hiện ở mức 0,78%. Bên cạnh việc số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tiếp tục gia tăng, giới chức y tế nước này còn quan ngại về số ca nguy kịch cũng tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.

KDCA cho biết số bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch ghi nhận ngày 12/11 đã tăng lên 475 ca. Tính đến ngày 12/11, Hàn Quốc đã tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc-xin ngừa COVID-19 cho 41,82 triệu người, tương đương 81,4 % dân số nước này, trong đó 39,84 triệu người (77,6%) đã tiêm đủ 2 liều. Hàn Quốc dự kiến sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số vào giữa tháng 12 tới.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: