Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 9/12, thế giới ghi nhận thêm khoảng 579.000 ca mắc COVID-19 mới và 6.600 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 253.553.959 ca, trong đó có khoảng 4.949.356 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Khukeng/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 95.000 ca), Pháp (56.854 ca) và Anh (50.867 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.181 ca), Mỹ (859 ca) và Ba Lan (562 ca).

Xét về tổng ca mắc từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất, với trên 50,5 triệu ca mắc và trên 814.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 34,6 triệu ca mắc và Brazil với trên 22,1 triệu ca mắc.

Anh: Số ca mắc mới vẫn trên mức 50.000

Anh ghi nhận 50.867 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 9/12, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 10.660.981 ca. Ngoài ra, số ca tử vong mới là 148 ca. Ngày trước đó, ca mắc mới ở Anh cũng trên 50.000 ca.

Phần lớn số ca mắc mới là nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, số ca nhiễm Omicron cũng đang gia tăng, với 131 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên 568 ca.

Trong cuộc họp báo cùng ngày 8/12, Thủ tướng Boris Johnson thông báo kích hoạt Kế hoạch B ứng phó COVID-19 ở Anh. Ông khẳng định các biện pháp hạn chế trong Kế hoạch B là “phù hợp và có trách nhiệm”, nhấn mạnh sự xuất hiện của Omicron và cùng với số ca mắc mới biến thể này tăng khiến chính phủ phải phản ứng ngay.

Tại cuộc họp báo, Giáo sư Chris Whitty, Giám đốc y tế Anh, cho biết mặc dù Omicron hiện không chiếm tỷ lệ lớn trong các ca mắc COVID-19 theo ngày, nhưng các kết quả phân tích dữ liệu cho thấy biến thể này đang lây lan với tốc độ nhanh với tỷ lệ nhiễm mới tăng gấp đôi trong 2-3 ngày. Cố vấn khoa học hàng đầu của Chính phủ Anh, ông Patrick Vallance, cũng cho rằng tốc độ lây lan nhanh của Omicron sẽ làm gia tăng các ca mắc mới và các ca bệnh nặng phải nhập viện, có thể gây quá tải cho hệ thống y tế nói chung. Kết quả phân tích của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho thấy biến thể Omicron sẽ gây ra ít nhất 50% số ca mắc mới COVID-19 tại Anh trong 2-4 tuần tới.

Áo hủy sự kiện vũ hội Opera Ball  

Tại Áo, chính phủ đã quyết định hủy sự kiện vũ hội Vienna Opera Ball. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Áo phải hủy sự kiện nổi tiếng này do dịch COVID-19.

Trong thông báo ngày 8/12, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề văn hóa Áo Andrea Mayer nhấn mạnh việc giữ nguyên kế hoạch tổ chức Vienna Opera Ball vào ngày 24/2/2022 sẽ gửi đi một “tín hiệu sai” trong bối cảnh nước này mới chỉ bắt đầu thoát khỏi lệnh phong tỏa một phần. Bà Mayer nhấn mạnh “Opera Ball là sự kiện điển hình không thể thực hiện giãn cách xã hội”.

Trước đó, Vienna Opera Ball từng bị hủy vào năm 1991 do Chiến tranh vùng Vịnh. Sự kiện này thường có sự góp mặt của các giới tinh hoa chính trị, kinh tế, cùng nhiều nhân vật nổi tiếng.

Đan Mạch tái áp đặt biện pháp kiểm soát dịch

Số ca mắc mới COVID-19 gia tăng đã buộc Đan Mạch tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Cụ thể, nước này sẽ đóng cửa các trường học, giảm hoạt động kinh doanh ban đêm và khuyến khích người dân làm việc tại nhà. Trong một tuyên bố ngày 8/12, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết thêm chính phủ sẽ kéo dài đợt nghỉ Giáng sinh thêm 4 ngày cho học sinh, tức là từ ngày 15/12/2021 đến ngày 5/1/2022.

Từ ngày 10/12 tới, các quán bar, nhà hàng buộc phải đóng cửa vào lúc 24h hằng ngày và việc kinh doanh đồ uống có cồn sau thời gian này cũng bị nghiêm cấm.

Giới chức y tế Đan Mạch đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại nước này là rất nghiêm trọng với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Trong thông báo cập nhật ngày 8/12, Đan Mạch đã ghi nhận 6.629 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua. Điều đáng lo ngại là hiện quốc gia Bắc Âu này đã có 577 ca nhiễm biến thể Omicron sau khi xác nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể này vào ngày 22/11.

Sau khoảng 2 tháng nới lỏng các biện pháp kiểm dịch, tháng trước, giới chức Đan Mạch đã buộc tái áp đặt quy định đeo khẩu trang và thẻ thông hành COVID-19 do dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng trở lại.

Hàn Quốc: Số ca mắc mới vượt 7.000 ca ngày thứ 2 liên tiếp

Ngày 9/12, Hàn Quốc ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở mức trên 7.000 ca, trong khi số bệnh nhân nguy kịch tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh thời tiết lạnh hơn và hiệu quả của vắc-xin giảm dần.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này có 7.102 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 496.584 ca. Số ca mắc mới đã giảm nhẹ so với mức kỷ lục 7.175 ca ghi nhận ngày 8/12. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tăng 57 ca lên tổng cộng 4.077 ca. Đáng chú ý, số bệnh nhân nguy kịch tăng 857 ca, mức cao nhất từ trước đến nay, gây thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá tải của Hàn Quốc.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Hàn Quốc đã tái áp đặt các hạn chế và áp dụng “thẻ vắc-xin” nhằm hạn chế mọi hoạt động tụ tập và khuyến khích người dân tiêm chủng. Các biện pháp có hiệu lực từ ngày 6/12 đến ngày 2/1/2022.

Israel kéo dài thời gian cách ly đối với bệnh nhân nhiễm Omicron

Bộ Y tế Israel thông báo kéo dài thời gian điều trị cách ly đối với  những người nhiễm biến thể Omicron từ 10 ngày lên 14 ngày. Các trường hợp mắc biến thể khác chỉ cần cách ly 10 ngày. Biện pháp này được đưa ra do quan ngại thời gian mắc bệnh của bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron có thể kéo dài hơn so với bệnh nhân nhiễm các biến thể khác.

Trong trường hợp không xuất hiện các triệu chứng bệnh trong 3 ngày cuối cùng của thời gian cách ly, bệnh nhân mắc biến thể Omicron sẽ được cấp chứng nhận bình phục. Trước đó, bệnh nhân mắc Omicron được coi là đã khỏi bệnh nếu sau 10 ngày điều trị họ có kết quả phân tích gene không còn biến thể này.

Cho đến nay, Israel đã ghi nhận 21 ca mắc biến thể Omicron và 21 ca nghi nhiễm biến thể này.

Brazil cách ly du khách chưa tiêm vắc-xin

Kể từ ngày 11/12, tất cả những người chưa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 nhập cảnh vào Brazil, dù là công dân nước này hay khách nước ngoài, đều phải thực hiện chế độ cách ly bắt buộc 5 ngày và xét nghiệm PCR sau đó.

Thông báo chính thức của Bộ Y tế Brazil ngày 9/12 nêu rõ du khách đến quốc gia Nam Mỹ này cũng phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus corona được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay và giấy chứng nhận đã được tiêm chủng đầy đủ trước khi nhập cảnh ít nhất 14 ngày với các loại vắc-xin được Cơ quan quản lý y tế Brazil (Anvisa), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc các cơ quan liên quan chấp thuận.

Những người nhập cảnh vào Brazil bằng đường bộ sẽ không cần xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 nếu đã có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga hôm 7/12 tuyên bố Chính phủ Brazil đã quyết định loại trừ yêu cầu phải có giấy chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đối với khách du lịch nhập cảnh vào nước này.

Cho đến nay, yêu cầu duy nhất đối với người nhập cảnh vào Brazil là xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19.

Trong những ngày gần đây, ít nhất 20 trong số 27 bang của Brazil – trong đó có Sao Paulo và Rio de Janeiro – đã hủy bỏ lễ hội mừng năm mới 2022 do mối lo ngại ngày lớn về nguy cơ lây lan của biến thể Omicron. Brazil hiện ghi nhận tổng số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: