Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 17/1/2022, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1.862.574 ca mắc COVID-19 mới và 4.481 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 300.745.895 ca, trong đó có khoảng 5.181.770 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Myriam B/Shutterstock)

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 100.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 100.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với khoảng 2.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 17/1, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Mỹ: Số trẻ em phải nhập viện điều trị COVID-19 ở mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch bệnh

Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 67.295.833 ca mắc và 873.594 ca tử vong, dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy số trẻ em phải nhập viện điều trị COVID-19 đang ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Theo CDC Mỹ, hiện trung bình mỗi ngày nước này ghi nhận 893 trẻ dưới 17 tuổi mắc COVID-19 nhập viện, mức cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thống kê vào tháng 8/2020.

Kể từ ngày 1/8/2020 đến ngày 13/1/2022, có hơn 90.000 trẻ dưới 17 tuổi phải nhập viện tại Mỹ do COVID-19. Hầu hết các trường hợp phải nhập viện là do mắc COVID-19. Cũng có những trẻ phải nhập viện do nguyên nhân khác song có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona khi nhập viện hoặc trong thời gian nằm viện.

Châu Âu: Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến căng thẳng

Tại Đức, Viện Robert Kock (RKI) của Đức ngày 17/1 thông báo tỷ lệ mắc mới COVID-19 trong trung bình 7 ngày ở nước này tiếp tục chạm mốc cao kỷ lục, với 528,2 ca/100.000 dân, tăng mạnh so với tỷ lệ 375,7 ca hồi tuần trước.

RKI vừa ghi nhận 34.145 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, cao hơn khoảng 8.900 ca so với mức ghi nhận hồi tuần trước. Hôm 14/1 vừa qua, số ca mắc mới ở Đức lần đầu vượt ngưỡng 90.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát.

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cảnh báo tình hình dịch bệnh ở nước này trong những tuần tới sẽ diễn biến rất phức tạp do làn sóng lây lan biến thể Omicron. Ông dự báo sẽ có thêm hàng trăm nghìn ca mắc COVID-19 trở nặng và hàng nghìn ca tử vong vì căn bệnh này.

Tại Pháp, thống kê của Cơ quan Y tế công cộng Pháp cho thấy tình hình dịch COVID-19 tại nước này đang có xu hướng ổn định. Số bệnh nhân nhiễm mới đã giảm xuống còn khoảng 280.000 ca/ngày so với mức 330.000 ca vào tuần trước đó.

Số bệnh nhân nhập viện cũng chỉ tăng nhẹ. Nhà dịch tễ học Arnaud Fontanet, thành viên của Hội đồng Khoa học quốc gia, nhận định nước Pháp đã qua giai đoạn cao trào của làn sóng dịch COVID-19 thứ 5.

Ông Fontanet cho rằng dịch COVID-19 tại Pháp đã bắt đầu lắng dịu, đỉnh điểm số ca mắc mới đã qua, đặc biệt ở vùng Île-de-France. Tuy nhiên, ông lưu ý ở các vùng khác của nước Pháp, đỉnh điểm số ca mắc mới sẽ đến dù muộn hơn một chút và số người nhập viện dự kiến sẽ đạt đỉnh trong tuần tới. Dù vậy, ông dự báo số ca mắc mới sẽ giảm trong tháng 2 và giảm mạnh xuống mức rất thấp vào tháng 3.

Tại Ý, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư sẽ đạt đỉnh ở Ý trong vòng 2-3 tuần tới và sau đó là một giai đoạn đại dịch suy giảm.

Theo WHO, sự lây lan của virus corona đang chậm lại với số ca nhiễm COVID-19 ở Ý giảm nhẹ. Nhưng đồng thời, với tốc độ lây truyền rất cao của biến thể Omicron, hiện đang phổ biến với hơn 2,5 triệu người Ý dương tính với virus, chắc chắn rằng gần như toàn bộ dân số nước này sẽ phơi nhiễm biến thể Omicron trong năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Y tế Ý Pierpaolo Sileri cũng dự báo rằng đến cuối năm nay, hầu như tất cả mọi người sẽ bị ảnh hưởng. Còn Giám đốc WHO ở châu Âu Hans Kluge cho biết từ nay đến tháng 3, có 40/53 quốc gia châu Âu sẽ phải chịu tình trạng căng thẳng gia tăng do các ca COVID-19 phải nhập viện và cấp cứu.

Trong những tuần gần đây, Ý, quốc gia phương Tây đầu atiên bị COVID-19 tấn công hồi đầu năm 2020, đã ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong ngày một gia tăng. Trong ngày 16/1, Ý ghi nhận 149.512 ca mắc mới COVID-19 và 248 ca tử vong. Tính đến nay, nước này có tổng cộng trên 8,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 141.000 ca tử vong. Ý là nước có số ca tử vong do mắc COVID-19 cao thứ ba ở châu Âu, sau Nga và Anh và đứng thứ 9 trên thế giới.

Tại Đan Mạch, quốc gia này ngày 17/1 cũng thông báo ghi nhân số ca mắc COVID-19 mới ở mức kỷ lục với 28.780 ca trong 24 giờ qua. Số ca nặng nhập viện cũng lên tới 802 trường hơp, mức cao nhất tại nước này kể từ đầu năm 2022. Tình trạng lây lan nhanh dịch COVID diễn ra trong bổi cảnh Chính phủ Đan Mạch đã cho phép mở cửa lại các rạp chiếu phim, bảo tàng và các cơ sở văn hóa sau một tháng phong tỏa.

Hàn Quốc: Số ca nhiễm virus corona dù đã tiêm vắc-xin tăng mạnh

Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo đã ghi nhận 3.859 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 696.032 ca. Con số này đã giảm xuống dưới 4.000 ca sau khi số lượng xét nghiệm giảm đi trong cuối tuần qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là 6.333 ca. Tuy nhiên, số nhiễm virus corona dù đã tiêm phòng COVID-19 ở nước này đang tăng mạnh và đến nay ghi nhận tổng cộng 199.749 ca.

Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 25.000 ca ngày thứ 2 liên tiếp

Dịch COVID-19 đang lây lan nhanh ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Saitama, Chiba và Kanagawa, buộc chính phủ nước này phải cân nhắc khả năng đưa vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm. Ngày 17/1, Nhật Bản ghi nhận 25.658 ca mới, chỉ thấp hơn một chút so với mức đỉnh 26.924 ca được ghi nhận vào ngày 23/8/2021.

Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới ở nước này ở trên ngưỡng 25.000 ca/ngày. Đáng chú ý, số ca mắc mới ở Tokyo lên tới 4.172 ca, tăng gấp 3,4 lần so với một tuần trước đó, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 đã gần chạm ngưỡng 20%, ngưỡng mà chính quyền thủ đô sẽ phải yêu cầu chính quyền trung ương cho phép áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.

Ngoài Tokyo, nhiều tỉnh ở khu vực phía Tây như Osaka, Hyogo và Hiroshima và tỉnh Fukuoka ở phía Tây Nam đều ghi nhận số ca mắc mới tăng cao kỷ lục, tương ứng 3.760, 1.343, 1.280 và 1.290 ca.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: