Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 5/4, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1.182.000 ca mắc COVID-19 mới và 3.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 436.578.940 ca, trong đó có khoảng 5.638.307 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: fokke baarssen/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 265.995 ca; Pháp đứng thứ 2 với 203.021 ca; tiếp theo là Đức (187.256 ca). Anh đứng đầu về số ca tử vong mới, với 368 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Nga 316 ca và Đức với 256 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.888.185 người, trong đó có 1.009.094 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.030.767 ca nhiễm, bao gồm 521.518 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 30.040.129 ca bệnh và 660.528 ca tử vong.

Số ca mắc mới tại New York (Mỹ) và Hàn Quốc tăng trở lại

Số ca mắc mới COVID-19 tại tiểu bang New York (Mỹ) đã gia tăng trở lại do sự lây lan của biến thể BA.2 của biến thể Omicron.

Ngày 4/4, giới chức trách New York công bố số liệu cho thấy số ca mắc COVID-19 trung bình 7 ngày (tính đến ngày 3/4) tại tiểu bang này lên mức 17,8/100.000 người, cao hơn gấp đôi so với mức 8,2 của 3 tuần trước đó. Tỷ lệ người dân dương tính với virus corona trong cùng thời gian trên cũng tăng từ mức 1,4% trong ngày 13/3 lên 3% vào ngày 3/4.

Giới chức y tế tiểu bang New York cho biết 59,6% số mẫu thu thập trong thời gian 13 -26/3 là nhiễm biến thể BA.2 của Omicron.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc trong ngày 5/4 đã tăng mạnh trở lại so với 1 ngày trước đó. Cụ thể, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lên mức 266.135 ca, cao hơn gấp đôi so với mức 127.190 ca của 1 ngày trước đó, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 14.267.401 ca.

Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 347.554 ca ghi nhận 1 tuần trước đó. Cũng trong 24 giờ qua, nước ngày ghi nhận thêm 209 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi lên 17.662.

Trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc ngày 4/4 quyết định nới lỏng các quy định giãn cách xã hội trong 2 tuần nhằm giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề, nhiều ý kiến quan ngại về làn sóng lây nhiễm mới.

Đức gỡ bỏ quy định bắt buộc cách ly với người mắc COVID-19

Bộ Y tế Đức thông báo quốc gia này sẽ không áp đặt quy định cách ly bắt buộc đối với những người mắc COVID-19 từ ngày 1/5.

Dẫn lời Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach ngày 4/4, hãng tin AFP cho biết biện pháp cách ly vẫn được khuyến khích nhưng bắt đầu từ tháng tới, biện pháp này sẽ chỉ thực hiện dựa trên cơ sở tự nguyện.

“Các quy định hiện hành hiệu quả nhưng không cần thiết nếu xét về lâu dài”, giới chức trách cho hay.

Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ là nhân viên y tế vẫn phải tiếp tục cách ly trong 5 ngày nếu họ mắc COVID-19.

Số ca mắc COVID-19 ở Đức vẫn duy trì ở mức cao, nhưng phần lớn các ca bệnh đều là những trường hợp triệu chứng nhẹ và các bệnh viện chưa bị quá tải. Theo trang worldometers, ngày 4/4, Đức ghi nhận 122.651 ca mắc mới trong 24 giờ.

Hồi tháng 3, Quốc hội Đức cũng đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở hầu hết địa điểm. Theo luật mới được thông qua, quy định đeo khẩu trang bắt buộc sẽ chỉ còn được áp dụng khi sử dụng phương tiện công cộng, tới bệnh viện, trại dưỡng lão và sẽ không bắt buộc khi người dân lui tới các địa điểm khác như cửa hàng, trường học, nhà hàng.

Trước đó, Tây Ban Nha cũng đã bỏ quy định bắt buộc cách ly đối với người mắc COVID-19. Chính phủ nước này cho rằng thế giới nên bắt đầu coi COVID-19 như các bệnh đường hô hấp phổ biến khác, ví dụ như cúm mùa. Dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng động thái này là quá sớm.

Singapore nối lại hoạt động kinh doanh dịch vụ giải trí về đêm

Sau hai năm tạm dừng do đại dịch COVID-19, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí về đêm ở nước này sẽ được phép mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 19/4, với các biện pháp an toàn phòng dịch được áp dụng.

Cụ thể các cơ sở dịch vụ giải trí về đêm như quán bar, quán rượu, quán karaoke, vũ trường và hộp đêm sẽ phải áp dụng các biện pháp quản lý an toàn phòng dịch (SMM), bao gồm cả SMM xác định tình trạng tiêm chủng. Đối với các cơ sở như hộp đêm và vũ trường, khách đến được yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm PCR hoặc ART âm tính trong vòng 24 giờ do nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm được Bộ Y tế Singapore (MOH) phê duyệt. Yêu cầu này không áp dụng đối với nhân viên cơ sở kinh doanh.

Ngoài ra, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí về đêm sẽ phải tuân thủ các SMM chung như quy mô nhóm tối đa là 10 người đã được tiêm chủng đầy đủ, bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín, duy trì khoảng cách an toàn ít nhất 1 m khi bỏ khẩu trang. Với những sự kiện dưới 1.000 người tham gia sẽ không bị giới hạn về công suất. Tuy nhiên đối với những sự kiện với hơn 1.000 người, công suất được giới hạn là 75%.

Đây là những quy định mới nhất sau khi Chính phủ Singapore nới lỏng một số quy định SMM vào tuần trước khi số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày bắt đầu giảm từ cuối tháng 2. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục giám sát việc tuân thủ các biện pháp này. Trong trường hợp vi phạm, các doanh nghiệp sẽ phải chịu những hành động cưỡng chế như đóng cửa cơ sở kinh doanh và các hình phạt khác.Theo Đạo luật COVID-19 năm 2020 của Singapore, những cá nhân không tuân thủ quy định phòng dịch có thể bị phạt tù đến 6 tháng, bị phạt tới 10.000 SGD (7.370 USD) hoặc cả hai.

Việc mở lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí về đêm có thể được coi là những bước cuối cùng đưa sinh hoạt thường nhật của người dân “đảo quốc sư tử” trở lại trạng thái “bình thường mới”. Động thái này được người dân và doanh nghiệp tại Singapore đặc biệt hoan nghênh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng lo lắng về khâu kiểm tra chứng nhận xét nghiệm COVID-19 và nguồn nhân lực phục vụ.

Phan Anh (tổng hợp)