Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 18/11, thế giới ghi nhận thêm khoảng 567.000 ca mắc COVID-19 mới và 7.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 243.214.926 ca, trong đó có khoảng 4.830.898 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par bmszealand/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 81.000 ca), Đức (64.164 ca) và Anh (46.807 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.251 ca), Mỹ (969 ca) và Ukraine (752 ca).

Mỹ: Tốc độ tiêm chủng cho trẻ em cao gấp 3 lần so với người lớn

Theo số liệu từ Nhà Trắng, kể từ khi nhà chức trách Mỹ đầu tháng 11 này phê duyệt tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi ở nước này, đến nay khoảng 10 % trong số trẻ em độ tuổi này tại Mỹ đã tiêm 1 mũi vắc-xin. Theo đó, tốc độ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ em ở Mỹ nhanh gấp hơn 3 lần so với tốc độ tiêm cho người lớn khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Ngày 17/11, điều phối viên COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients cho biết ít nhất 2,6 triệu trong số khoảng 28 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 tại Mỹ đã tiêm 1 mũi vắc-xin. Trong tuần trước, Mỹ đã triển khai tiêm 1,7 triệu liều vắc-xin cho lứa tuổi này – tốc độ nhanh gấp đôi so với tuần đầu tiên triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em sau khi được phê duyệt.

Điều phối viên Jeff Zients cho biết hiện có 30.000 địa điểm tiêm chủng cho trẻ em trên khắp nước Mỹ, tăng so với 20.000 địa điểm trong tuần trước. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tin rằng tiến độ tiêm chủng cho trẻ em sẽ tăng tốc trong những ngày tới.

Dự kiến, những trẻ em tiêm mũi vắc-xin đầu tiên trong tuần này sẽ hoàn thành tiêm chủng vào trước lễ Giáng sinh, căn cứ thời gian giữa 2 mũi tiêm là 3 tuần.

Đức khuyến nghị tiêm mũi thứ 3 cho tất cả người trưởng thành

Ngày 18/11, Ủy ban thường trực tiêm chủng quốc gia Đức (Stiko) đã khuyến nghị tiêm liều vắc-xin ngừa COVID-19 bổ sung cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên. Khuyến nghị này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới theo ngày tại Đức đã tăng lên mức cao kỷ lục mới.

Theo STIKO, chính phủ nên sử dụng vắc-xin được sản xuất theo công nghệ mRNA cho chương trình tiêm liều thứ 3 này và liều bổ sung nên tiêm cách mũi thứ 2 là 6 tháng. Tuy nhiên, thời gian chờ giữa liều thứ 2 và thứ 3 có thể được rút ngắn là 5 tháng tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết ngày 18/11, Đức ghi nhận 64.164 ca nhiễm mới. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 261 ca tử vong vì dịch COVID-19. Hiện tổng số ca bệnh tại Đức tăng lên 5.233.821 ca, trong đó 99.169 ca tử vong.

Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong ngày kỷ lục dù tỷ lệ tiêm đầy đủ cao

Ngày 18/11, Hàn Quốc ghi nhận 3.292 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca lên 406.065 ca.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong đó có tới 3.272 ca lây nhiễm cộng đồng. Số ca mắc mới tăng mạnh trong bối cảnh chính phủ nước này nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội và thực hiện kế hoạch “Sống chung với COVID-19”.

Ngoài ra, theo KDCA, với thêm 29 ca không qua khỏi trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Hàn Quốc tăng lên thành 3.187 ca. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng hiện chỉ còn 506 ca, giảm 16 ca so với mức cao nhất (522 ca) trong ngày 17/11 vừa qua.

Số liệu của KDCA cho thấy đã có tổng cộng 42,11 triệu người, tương đương 82% dân số Hàn Quốc, hoàn tất tiêm vắc-xin mũi đầu tiên và 40,31 triệu người, tương đương 78,5%, đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến ngày 16/11, tỷ lệ người nước ngoài ở Hàn Quốc hoàn tất tiêm chủng là 72,2%.

Indonesia thử nghiệm vắc-xin Sinovac cho liều bổ sung vào đầu năm 2022

Công ty dược phẩm quốc doanh PT Bio Farma của Indonesia cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa COVID-19 để dùng cho liều bổ sung vào đầu năm 2022. Quá trình thử nghiệm này sẽ được hợp tác với công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc.

Trưởng phòng kinh doanh của PT Bio Farma, Erwin Setiawan, ngày 18/11 cho biết việc thử nghiệm lâm sàng nhằm xác định mức độ hiệu quả của loại vắc-xin này đối với mũi thứ 3.

Ngoài Sinovac, công ty PT Bio Farma cũng đang hợp tác với hãng dược phẩm Sinopharm để nâng cao năng lực sản xuất. Do đó, nếu vắc-xin của Sinovac và Sinopharm được cấp phép để tiêm liều tiêm bổ sung thì sự sẵn có của vắc-xin sẽ không phải là trở ngại chính ở Indonesia.

Cũng theo ông Erwin, hiện chưa thể đưa ra bảng giá tiêm vắc-xin liều bổ sung trong năm tới. Chính phủ Indonesia vẫn đang tính toán mức giá ước tính với Cơ quan giám sát tài chính và phát triển (BPKP). Tuy nhiên, điều chắc chắn là liều bổ sung không được cung cấp miễn phí.

Chính phủ Indonesia sẽ chỉ chịu chi phí vắc-xin cho những người dân đã đăng ký là người tham gia Chương trình Hỗ trợ đóng góp sức khỏe BPJS (PBI). Ngoài những người tham gia PBI, người dân phải trả tiền để được tiêm mũi thứ 3 vắc-xin ngừa COVID-19.

Bộ Y tế Indonesia trước đó nhấn mạnh việc triển khai tiêm liều tăng cường cho người dân sẽ chỉ được bắt đầu khi nước này đạt được mục tiêu tiêm chủng quốc gia là 50% dân số tiêm đủ 2 liều vắc-xin.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: