Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 12/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 358.279 ca mắc COVID-19 mới và 5.839 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 186.955.383 ca, trong đó có khoảng 4.028.347 người thiệt mạng.

COVID-19
Ảnh minh họa: (Par Akella Srinivas Ramalingaswami/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 171.960.938 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.997.206 ca và 78.501 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 12/7, thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 83 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Tại Hàn Quốc, nước này ghi nhận ngày thứ 6 liên tiếp số ca nhiễm mới ở mức trên 1.000, mặc dù số xét nghiệm vào cuối tuần ít hơn ngày thường. Cụ thể, trong số 1.100 ca nhiễm mới, có 1.063 ca lây nhiễm trong nước. Có thêm một người tử vong vì COVID-19 ở Hàn Quốc, nâng tổng số lên 2.044 người.

Chính phủ Hàn Quốc đã áp đặt các quy định giãn cách xã hội mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng thứ 4 dịch COVID-19 ở khu vực thủ đô Seoul, trong vòng 2 tuần.

Theo đó, cấm tụ tập từ 3 người trở lên sau 18h00; các trường học sẽ đóng cửa; hoạt động hiếu hỉ chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình. Các cơ sở thể thao, giải trí, trong đó có câu lạc bộ đêm, quán rượu phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng được phục vụ khách đến 22h00.

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo bắt đầu được đặt trong tình trạng khẩn cấp lần thứ 4, trong một nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Biện pháp này kéo dài đến ngày 22/8.

Ngoài Tokyo, tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Okinawa, cũng như tình trạng gần như khẩn cấp ở các tỉnh Chiba, Saitama, Kanagawa và Osaka, theo dự biến ban đầu hết hạn vào nửa đêm ngày 11/7, đã được kéo dài đến ngày 22/8.

Tình trạng gần như khẩn cấp ở 5 tỉnh khác – Hokkaido, Aichi, Kyoto, Hyogo và Fukuoka – đã hết hạn vào nửa đêm ngày 11/7 theo lịch trình. So với tình trạng khẩn cấp, tình trạng gần như khẩn cấp ít hạn chế hơn đối với hoạt động kinh doanh và nhắm mục tiêu vào các khu vực có nguy cơ cao hơn là toàn bộ địa phương. Tại các khu vực tình trạng khẩn cấp, các cơ sở dịch vụ ăn uống bị cấm phục vụ rượu bia và phải đóng cửa trước 20h00.

Tại Israel, quốc gia này đã bắt đầu cho phép tiêm mũi vắc-xin của Pfizer/BioNTech thứ ba cho tất cả các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Trung Đông này đang gia tăng trở lại. Theo Bộ Y tế, những đối tượng đủ điều kiện tiêm ngay lập tức vắc-xin mũi thứ ba bao gồm những người từng bị ghép tim, phổi, thận và một số bệnh nhân ung thư.

Trong thông báo mới nhất, Bộ Y tế Israel khẳng định rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh nhân bị ức chế miễn dịch không phát triển phản ứng miễn dịch đầy đủ sau 2 liều vắc-xin. Trước đó, Israel được coi là quốc gia triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 nhanh nhất thế giới với vắc-xin đầu tiên là Pfizer/BioNTech và đã thành công trong việc giảm số ca mắc theo ngày xuống mức một con số vào tháng trước.

Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 12/7 cho rằng các nước không nên đặt mua thêm vắc-xin để tiêm bổ sung cho những người vốn đã tiêm đủ liều trong bối cảnh nhiều quốc gia khác vẫn chưa có đủ lượng vắc-xin cần thiết để miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là để bảo vệ các nhân viên y tế, khi mà biến thể Delta ngày một lan rộng.

Theo nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc tiêm liều bổ sung là cần thiết cho những người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19. Điều này phải dựa trên cơ sở khoa học và các dữ liệu, chứ không phải dựa trên tuyên bố của các công ty riêng lẻ rằng vắc-xin của họ cần được sử dụng như một liều tăng cường.

Bên cạnh đó, bà Swaminathan cũng khuyến cáo không nên sử dụng kết hợp các loại vắc-xin phòng COVID-19 từ các nhà sản xuất khác nhau, cho rằng đây là một “xu hướng nguy hiểm” khi có ít dữ liệu về tác động đối với sức khỏe. Bà Swaminathan nêu rõ: “Đây là một xu hướng khá nguy hiểm. Chúng ta hiện không có dữ liệu, không có bằng chứng liên quan tới việc sử dụng kết hợp (các loại vắc-xin). Nếu công dân bắt đầu được quyết định thời điểm và đối tượng nào sẽ tiêm vắc-xin liều thứ hai, thứ ba hay thứ tư, các nước sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn”.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: