Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 2/8, thế giới ghi nhận thêm khoảng 446.661 ca mắc COVID-19 mới và 7.089 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 197.301.053 ca, trong đó có khoảng 4.187.097 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par StreetVJ/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 2/8, thế giới có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 90 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong do đại dịch.

Tại Mỹ, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, nước Mỹ đã vượt qua 35 triệu trường hợp dương tính với COVID-19 được ghi nhận, trong bối cảnh biến thể Delta đang tiếp tục làm số ca nhiễm tại quốc gia này tăng lên.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước này hiện ghi nhận trung bình khoảng 70.000 ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày, trong đó hơn 100.000 ca vào ngày 30/7. Số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ tính đến hết ngày 1/8 chiếm khoảng 17,7% tổng ca nhiễm toàn cầu. Đứng sau Mỹ về số ca nhiễm lần lượt là các nước Ấn Độ (trên 31 triệu ca), Brazil (gần 20 triệu ca) cùng 4 nước Nga, Pháp, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ có số ca COVID-19 từ 5,7 triệu tới 6,3 triệu ca.

Tại Nhật Bản, nước này đã bổ sung 4 tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp ngoài khu vực thủ đô Tokyo và Okinawa, nhằm ứng phó với tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới trong thời gian gần đây. Theo quyết định của Chính phủ Nhật Bản, Osaka và 3 tỉnh giáp với thủ đô Tokyo gồm Chiba, Kanagawa, Saitama đã được bổ sung vào danh sách các địa phương áp dụng tình trạng khẩn cấp kéo dài đến hết ngày 31/8.

Trong khi đó, tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại thủ đô Tokyo và Okinawa đã được gia hạn đến cuối tháng 8, thay vì kết thúc vào ngày 22/8 như kế hoạch ban đầu. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại hệ thống y tế của Nhật Bản có thể sụp đổ trong thời gian diễn ra Olympic Tokyo 2020.

Trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ uống có cồn và hát karaoke tại 6 tỉnh trên hoàn toàn bị đóng cửa, nhưng sẽ nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ. Mọi dịch vụ không liên quan đến rượu, bia sẽ được hoạt động, song phải đóng cửa trước 20h hằng ngày.

Theo số liệu báo cáo mới nhất, Nhật Bản đã liên tục ghi nhận hơn 10.000 ca/ngày trong 4 ngày qua. Trong khi đó, tính đến ngày 30/7, mới chỉ có 28,3% trong tổng số 126 triệu dân ở Nhật Bản đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc-xin.

Ngoài một số tỉnh trong điểm phải áp đặt tình trạng khẩn cấp để ứng phó với dịch COVID-19, một số tỉnh của Nhật Bản như Hokkaido, Ishikawa, Kyoto, Hyogo và Fukuoka đều đang thực hiện các biện pháp phòng dịch trọng điểm và dự kiến các biện pháp này sẽ được thực hiện cho đến hết ngày 31/8. Chính quyền các tỉnh này được phép điều chỉnh các biện pháp phòng dịch căn cứ theo tình hình dịch bệnh cụ thể.

Tại Israel, quốc gia này đã bắt đầu chiến dịch tiêm liều vắc-xin thứ 3 loại vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech cho những người trên 60 tuổi, nhóm đối tượng đã tiêm đủ liều 2 cách đây ít nhất 5 tháng.

Thủ tướng Naftali Bennett kêu gọi những người đủ điều kiện tiêm liều bổ sung “đi tiêm ngay lập tức”, đồng thời cho biết mục tiêu là tiêm chủng cho tất cả những người từ 60 tuổi trở lên vào cuối tháng 8 tới.

Bộ Quốc phòng Israel cho biết quân đội nước này cũng đã cử nhân viên và hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng này. Theo Bộ Y tế Israel, ngày 1/8, nước này đã ghi nhận thêm 1.974 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 875.801 ca. Hiện số ca bệnh vẫn đang phải điều trị là 18.374 ca, cao nhất kể từ ngày 20/3. Tính đến nay, gần 5,79 triệu người (62,1% dân số) Israel đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin của hãng Pfizer, trong đó gần 5,38 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.

Tại Indonesia, chính phủ đã quyết định gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 ở một số tỉnh và thành phố từ ngày 3-9/8 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Ban đầu, Indonesia triển khai PPKM khẩn cấp từ ngày 3-20/7 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, trước khi đổi tên thành PPKM cấp độ 4 triển khai từ ngày 21-25/7 và kéo dài từ ngày 26/7-2/8.

Trong bài phát biểu trên kênh Youtube chính thức của Phủ tổng thống, Tổng thống Joko Widodo cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi cân nhắc diễn tiến của một số chỉ số tính đến ngày 1/8. Theo ông, PPKM cấp độ 4 kéo dài từ ngày 26/7 đã mang lại những cải thiện trên một số khía cạnh, từ số ca mắc mới COVID-19, số bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà, tỷ lệ hồi phục, đến tỷ lệ sử dụng giường của các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 (BOR).

Tuy nhiên, truyền thông sở tại cho biết trong thời gian triển khai PPKM khẩn cấp và PPKM cấp độ 4, số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 vẫn chưa sụt giảm nhiều tuy số lượng bệnh nhân hồi phục có sự gia tăng. Số ca tử vong do COVID-19 ở Indonesia đã đạt mốc kỷ lục 2.069 ca vào ngày 27/7 và tổng cộng 19.523 ca trong 13 ngày áp dụng PPKM cấp độ 4, tương đương 1.622 ca mỗi ngày. Trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 là 512.382 ca, tương đương 39.414 ca mỗi ngày.

Tại Thái Lan, nước này đang phải đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch, lùi ngày mở cửa du lịch. Thái Lan trong ngày 2/8 ghi nhận thêm 17.970 ca bệnh mới (nhiều thứ 2 khu vực ASEAN), trong khi số ca tử vong là 178 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Tại Singapore, ngày 1/8, quốc gia này thông báo sẽ thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới đối với những người đến từ Úc hoặc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc sau khi số ca mắc COVID-19 gia tăng tại những nơi này.

Kể từ 0 giờ ngày 3/8, tất cả những người có lịch sử đi lại đến Úc trong 21 ngày qua sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày tại cơ sở tập trung hoặc tại nơi ở, nhiều hơn 7 ngày so với quy định trước. Những người chọn cách ly tại nơi cư trú phải ở một mình, hoặc với các thành viên trong gia đình có cùng thời hạn cách ly và lịch sử đi lại.

Những người này trước khi đến Singapore phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus corona được thực hiện trong vòng 72 giờ. Ngoài ra, những người này còn phải thực hiện xét nghiệm PCR khi đến và trước khi kết thúc thời gian cách ly cũng như làm các xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 3, thứ 7 và thứ 11 trong thời gian cách ly.

Bên cạnh đó, công dân Singapore, thường trú nhân hoặc có thẻ cư trú dài hạn có lịch sử đến tỉnh Giang Tô của Trung Quốc trong vòng 21 ngày qua sẽ phải cách ly 7 ngày tại nơi cư trú và phải làm xét nghiệm PCR khi đến và trước khi kết thúc thời gian cách ly.

Còn những du khách cư trú ngắn hạn có lịch sử đến tỉnh Giang Tô trong vòng 21 ngày sẽ không được phép nhập cảnh vào Singapore. Du khách đến từ các khu vực khác của Trung Quốc vẫn được phép nhập cảnh vào Singapore mà không cần phải cách ly nếu kết quả xét nghiệm PCR của họ là âm tính.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: