Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 22/8, thế giới ghi nhận thêm khoảng 444.000 ca mắc COVID-19 mới và 8.100 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 207.800.299 ca, trong đó có khoảng 4.258.744 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Gil Cohen Magen/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Iran (36.419 ca), Anh (32.253 ca) và Mỹ (trên 27.400 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.030 ca), Mexico (847 ca) và Nga (762 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với 38,5 triệu ca mắc, trong đó có 645.045 ca tử vong. Brazil đứng thứ 2 về số ca tử vong với 574.524 ca trong tổng số 20,5 triệu ca nhiễm. Với 434.784 ca tử vong trong tổng số 32,4 triệu ca nhiễm, Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm và thứ 3 về số ca tử vong.

Mỹ: Thống đốc tiểu bang Texas Greg Abbott âm tính với COVID-19 chỉ 4 ngày sau khi dương tính

Thống đốc Texas Greg Abbott cho biết hôm 21/8 vừa qua rằng ông đã có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Được biết, ngày 17/8, văn phòng thống đốc thông báo rằng ông Abbott đã dương tính với virus corona và không có triệu chứng gì. Vị thống đốc cho biết ông sẽ tiếp tục cách ly theo khuyến cáo của các bác sỹ.

Nhật Bản: Tokyo có trên 4.000 ca mắc mới

Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo cùng ngày thông báo có thêm 4.392 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu ngày 22/8 ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới này. Con số này vượt qua mức 4.295 ca mắc mới được ghi nhận vào Chủ nhật tuần trước, đã giảm so với 5.074 ca mắc mới được báo cáo 1 ngày trước đó.

Theo giới chức Tokyo, tỷ lệ mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày qua là 4.732,9 ca/ngày, tăng 11% so với tuần trước. Số bệnh nhân mắc COVID-19 có các triệu chứng nghiêm trọng đã tăng thêm 1 người từ ngày 21/8 lên 271 người.

Bất chấp các biện pháp chống dịch được thực hiện trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp và gần như khẩn cấp ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm cả Tokyo, Nhật Bản đang phải chật vật đối phó với làn sóng dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất. Trong ngày 21/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 25.492 ca mới. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở nước này ở trên ngưỡng 25.000 ca/ngày.

Đáng chú ý, có tới 9 trong tổng số 47 tỉnh, thành ghi nhận số ca mới cao kỷ lục. Mặc dù các nhà tổ chức đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch COVID-19, nỗi lo dịch bệnh vẫn đang bao trùm lên Đại hội thể thao người khuyết tật Paralympic Tokyo 2020, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 24/8.

Israel: Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải

Lãnh đạo 7 “bệnh viện công” ở Israel ngày 22/8 khẳng định đội ngũ nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị này đã đạt đến mức giới hạn và có thể sẽ không tiếp nhận thêm bệnh nhân COVID-19 từ ngày 23/8.

Các cơ sở y tế được gọi là “bệnh viện công” ở Israel là những tổ chức độc lập hoạt động chủ yếu bằng các khoản tài trợ, khác với hệ thống trực tiếp thuộc sở hữu và nhận tài trợ từ Chính phủ hay các quỹ y tế.

Tờ Times of Israel dẫn phát biểu của giới lãnh đạo 7 bệnh viện tại một cuộc họp báo kêu gọi tổ chức một chiến dịch trong cộng đồng để bảo đảm tài chính và có những bước đi cần thiết để hỗ trợ hệ thống y tế sau 16 tháng khủng hoảng.Tiến sĩ Ofer Marin, Giám đốc Trung tâm Y tế Shaare Zedek ở Jerusalem nêu rõ: “Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi không thể tiếp tục hoạt động điều trị. Chúng tôi không có thiết bị, dụng cụ và tiền để trả lương cho đội ngũ nhân viên”.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Israel đang ở mức đáng lo ngại. Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, chỉ tính riêng trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 3.885 ca bệnh mới và 55 người tử vong do COVID-19. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Israel đã ghi nhận tổng cộng hơn 986.000 ca lây nhiễm và số bệnh nhân sẽ nhanh chóng vượt qua mốc 1 triệu người trong vài ngày tới.

Trước tình hình đó, Chính phủ Israel đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19, với quyết định mới là mở rộng đối tượng được tiêm liều 3 tới những người từ 40 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, Israel cũng đã khởi động chiến dịch xét nghiệm virus corona cho toàn bộ trẻ em từ 3 đến 12 tuổi trên toàn quốc, nhằm phân luồng học sinh trước ngày khai giảng. Israel đã nhập 1,7 triệu bộ xét nghiệm nhanh cho chiến dịch này, nhằm “hạn chế học sinh bị nhiễm bệnh đến trường”. Các bộ xét nghiệm sẽ được gửi đến từng gia đình để cha mẹ tự làm xét nghiệm cho con.

Úc tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch hiện tại 

Thủ tướng Úc Scott Morrison đã chỉ thị chính quyền các bang và vùng lãnh thổ của nước này tiếp tục theo đuổi lộ trình chống dịch COVID-19 hiện tại trong bối cảnh số ca mắc mới tăng cao nhất từ trước đến nay.

Ngày 22/8, Úc ghi nhận 914 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, chủ yếu ở bang New South Wales. Tuy nhiên, Thủ tướng Morrison cùng ngày hối thúc chính quyền các bang và vùng lãnh thổ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế khi 70% dân số trưởng thành đã tiêm phòng đầy đủ.

Nội các Úc vào tháng 7 vừa qua đã thông qua lộ trình chống dịch COVID-19 gồm 4 giai đoạn, theo đó các biện pháp phong tỏa sẽ dần được gỡ bỏ khi đạt tỷ lệ tiêm chủng ở mức 70% dân số trưởng thành. Ông Morrison nhấn mạnh việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona cần được thực hiện mạnh mẽ nhất trong giai đoạn A của kế hoạch chống dịch, các giai đoạn sau đó cần chuyển sang tập trung điều trị các ca nhập viện, ca bệnh nặng và ca nguy kịch. Ông khẳng định, với tỷ lệ tiêm chủng đạt 70-80%, Úc có thể thoát khỏi dịch COVID-19.

Tính đến ngày 22/8, khoảng 50% dân số Úc ở các bang New South Wales, Victoria và Vùng lãnh thủ thủ đô Úc (ACT) vẫn đang trong giai đoạn phong tỏa do dịch COVID-19.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: