Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 23/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 478.304 ca mắc COVID-19 mới và 6.522 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 192.225.833 ca, trong đó có khoảng 4.107.252 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Debora Himawan/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 23/7, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tới nay đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn. Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong với 35.270.045 ca, trong đó 626.588 ca tử vong.

Tại Hàn Quốc, nước này sẽ gia hạn 2 tuần áp dụng các quy định giãn cách xã hội mức cao nhất ở khu vực Seoul và vùng phụ cận trong bối cảnh làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở quốc gia này chưa có dấu hiệu suy giảm.

Theo đó, Seoul, tỉnh Gyeonggi xung quanh thủ đô và thành phố cảng phía Tây Incheon sẽ tiếp tục giãn cách xã hội như hiện nay tới ngày 8/8. Quyết định này được đưa ra do sự gia tăng liên tục các ca COVID-19 mới ở khu vực thủ đô, chiếm gần 70% tổng số ca nhiễm mới.

Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận thêm 1.630 ca nhiễm, trong đó có 1.574 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Hàn Quốc có tổng cộng 185.733 ca nhiễm virus corona, bao gồm 2.066 bệnh nhân tử vong.

Tại các nước châu Âu, nơi có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, song biến thể Delta vẫn đang “hoành hành”. Thậm chí, cố vấn dịch bệnh hàng đầu của Chính phủ Pháp cảnh báo có thể sẽ xuất hiện thêm biến thể mới của virus corona trong những tháng mùa đông năm 2021.

Hiện Pháp đang đương đầu với làn sóng mới với số ca mắc mới tăng cao chưa từng có được cho là do sự xuất hiện của biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Đến nay, Pháp ghi nhận tổng cộng hơn 5,93 triệu ca mắc bệnh, trong đó có hơn 111.000 ca tử vong. Những ngày gần đây, trung bình Pháp ghi nhận khoảng hơn 19.000 ca mắc mới.

Cơ quan khu vực châu Âu của WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 23/7 công bố thông tin cho biết biến thể Delta của virus corona hiện lây lan tới phần lớn các quốc gia châu Âu. Dựa trên dữ liệu thu thập từ ngày 28/6 – 11/7, hai cơ quan trên cho biết biến thể Delta hiện đã có mặt ở 19/28 nước châu Âu với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. Trong khi đó, biến thể Alpha chỉ chiếm 22,3% các xét nghiệm dương tính.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo đã bổ sung triệu chứng rối loạn thần kinh, gọi là hội chứng Guillain-Barr (GBS), vào danh sách tác dụng phụ hiếm gặp khi tiêm vắc-xin của hãng Johnson & Johnson (J&J). Bên cạnh đó, EMA đã cho phép sử dụng vắc-xin COVID-19 của Moderna cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17. Đây là vắc-xin thứ 2 được EU cho phép sử dụng đối với lứa tuổi vị thành viên.

Tại Indonesia, ngày 23/7, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận thêm 1.566 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ, mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3/2020, Mức kỷ lục cũ là 1.449 ca được ghi nhận vào ngày 22/7.

Bộ Y tế cũng báo cáo thêm 49.071 ca mắc mới và 267.866 ca nghi nhiễm. Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 3.082.410 ca mắc, trong đó có 2.431.911 ca đã bình phục, 80.598 ca tử vong trong khi vẫn còn gần 560.000 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính phủ Indonesia tiếp tục kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng chống dịch và đến ngay các điểm gần nhất để được tiêm vắc-xin mà không cần trình thẻ căn cước.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: