Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 4/8, thế giới ghi nhận thêm khoảng 649.885 ca mắc COVID-19 mới và 9.445 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 198.531.938 ca, trong đó có khoảng 4.205.804 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Debora Himawan/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 4/8, thế giới có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 90 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Tại Mỹ, nước này lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới, với gần 100.000 trường hợp trong 24 giờ qua.

Tại Canada, gần 60% người dân nước này đã hoàn thành việc tiêm chủng. Tuy nhiên, những người đã tiêm vắc-xin vẫn cần lưu ý rằng tính đến ngày 10/7, có 85 người ở Canada sau khi hoàn thành tiêm chủng vẫn bị nhiễm bệnh và thiệt mạng. Mặc dù vậy, so với các bệnh khác và tai nạn xe hơi, khả năng gây tử vong do virus corona đang suy giảm.

Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo đã phát hiện thêm 4.166 ca nhiễm mới trong ngày 4/8 – mức tăng theo ngày cao nhất từ trước tới nay và tăng 457 ca so với một ngày trước đó. Số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất trước đó ghi nhận vào ngày 31/7, với 4.058 ca.

Kể từ giữa tháng 7 đến nay, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo đã liên tục tăng bất chấp việc Chính phủ Nhật Bản hôm 8/7 đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 vì dịch COVID-19 ở thành phố này. Theo chính quyền Tokyo, trong tuần từ ngày 29/7 đến ngày 4/8, số ca nhiễm mới trung bình ở thành phố này tăng 78% so với tuần trước đó lên mức cao kỷ lục 3.478,7 ca/ngày.

Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 4/8 thông báo đã ký một thỏa thuận sơ bộ để mua 200 triệu liều vắc-xin COVID-19 của hãng dược phẩm Novavax (Mỹ).

Thỏa thuận đặt mua trước này được thực hiện trong bối cảnh Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) chuẩn bị phê duyệt việc sử dụng vắc-xin Novavax. Ủy viên phụ trách y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides cho biết: “Thỏa thuận mới với Novavax sẽ mở rộng danh mục vắc-xin của chúng tôi, theo đó sẽ có thêm một loại vắc-xin dựa trên protein, một nền tảng cho thấy nhiều hứa hẹn trong các thử nghiệm lâm sàng”.

Nếu được EMA phê chuẩn, vắc-xin của Novavax sẽ cùng với các loại vắc-xin COVID-19 khác đang được sử dụng tại EU là vắc-xin của các hãng BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna và Johnson & Johnson trở thành xương sống trong chiến lược tiêm vắc-xin của khối này.

Theo số liệu thống kê của AFP, tính đến thời điểm này, 27 quốc gia thuộc EU đã tiêm chủng đầy đủ cho 50,7% dân số 445 triệu người. Với thỏa thuận mới nhất cùng Novavax, EU đã có thể đảm bảo tiêm chủng 4,57 tỷ liều vắc-xin COVID-19 từ 7 nhà cung cấp khác nhau.

Cho đến nay, hợp đồng mua vắc-xin của hãng BioNTech/Pfizer vẫn là hợp đồng mua chế phẩm vắc-xin COVID-19 lớn nhất của EU, với hơn  2,4 tỷ liều. Danh mục vắc-xin COVID-19 của EU hiện bao gồm cả các loại vắc-xin từ 3 công ty dược phẩm vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của EMA tại thời điểm này, đó là các loại chế phẩm của Novavax, CureVac và GSK-Sanofi.

Tại Úc, thành phố Sydney đã ghi nhận ca tử vong do COVID-19 là nam thanh niên khoảng 20 tuổi. Đây là một trong những ca tử vong do COVID-19 trẻ nhất ở Australia. Bệnh nhân đã tử vong khi đang cách ly tại nhà ngày thứ 13 sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona và sức khỏe xấu đi nhanh chóng. Thanh niên này sống cùng 1 người cũng đã phải nhập viện do mắc COVID-19.

Trong 24 giờ qua, thành phố Sydney ghi nhận 233 ca mắc mới, tăng 34 ca so với 1 ngày trước đó, đưa tổng số ca mắc tại đây lên hơn 4.000 ca.

Tại Israel, từ ngày 8/8, quốc gia này sẽ áp dụng quy định đeo khẩu trang đối với những người dự các sự kiện ngoài trời, bao gồm cả những sự kiện với hơn 100 người tham gia. Quy định về giấy thông hành xanh cũng sẽ được áp dụng đối với các sự kiện có dưới 100 người tham gia, sau khi được tái áp đặt đối với các cuộc tụ tập, hội họp trên 100 người từ ngày 29/7.

Giấy thông hành xanh chỉ cho phép những người đã được tiêm vắc-xin đến các phòng tập thể dục, rạp hát, nhà thờ, thánh đường và những nơi khác. Trong khi đó, 50% số nhân viên của các cơ quan nhà nước cũng như các văn phòng chính phủ sẽ ở nhà làm việc trực tuyến, còn nhân viên các công ty tư nhân được khuyến nghị làm việc hoàn toàn từ xa.

Tại Indonesia, ngày 4/8, quốc gia này đã ghi nhận mốc buồn khi tổng số ca tử vong do COVID-19 từ đầu dịch đã vượt 100.000 ca. Với 1.474 ca tử vong mới được công bố cùng ngày, tổng số ca tử vong lên tới 100.636 ca.

Số người tử vong đã tăng nhanh đáng kể trong những tuần gần đây tại Indonesia. Nước này ghi nhận hơn 1/3 số ca tử vong do COVID-19 chỉ trong tháng 7, khi biến thể Delta siêu lây nhiễm lan rộng ra hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Theo Tổ chức cộng đồng Lapor COVID-19 (Báo cáo COVID-19), ít nhất 2.837 bệnh nhân COVID-19 tử vong khi cách ly tại nhà hoặc bên ngoài bệnh viện. Hầu hết các trường hợp tử vong là do điều trị muộn, vì các cơ sở y tế chỉ có thể tiếp nhận những bệnh nhân có biểu hiện nặng, các trường hợp còn lại thực hiện giải pháp tự cách ly tại nhà hoặc trong các khu vực cách ly tập trung ngoài bệnh viện.

Từ đầu tháng 7 đến nay, chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) nghiêm ngặt nhất trên toàn đảo Java và Bali – tâm dịch COVID-19 của nước này, nhưng đến nay các ca dương tính với virus corona đang lan rộng ra các tỉnh ngoài Java, bao gồm cả ở Đông Kalimantan và Riau.

Tại Thái Lan, số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tại nước này đã vượt mức 20.000 khi Bộ Y tế sáng 4/8 công bố 20.200 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 672.385 ca.

Bộ Y tế Thái Lan cũng thông báo nước này ghi nhận 188 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua – mức cao nhất từ đầu dịch, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi lên 5.503 người.

Nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh khi Chính phủ đưa thêm 16 tỉnh vào danh sách các địa phương thực hiện phong tỏa và giới nghiêm ban đêm, Nội các Thái Lan ngày 3/8 đã thông qua ngân sách bổ sung 30 tỉ baht (906 triệu USD) dành cho người lao động và doanh nhân.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết người dân và doanh nhân ở 16 tỉnh mới bị ảnh hưởng sẽ nhận được mức hỗ trợ tài chính tương tự 13 tỉnh, kể cả thủ đô Bangkok, đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ được cung cấp thông qua Quỹ Bảo hiểm Xã hội.

Tại Malaysia, ngày 4/8, quốc gia này có thêm 19.819 ca mắc COVID-19 – cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong đó, bang Selangor tiếp tục đứng đầu cả nước với 8.377 ca, tiếp theo là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 2.467 ca và bang Kedah với 1.371 ca. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 1.183.110 ca mắc COVID-19.

Cùng ngày, Malaysia ghi nhận 257 ca tử vong vì COVID-19 – cũng là một mức cao chưa từng thấy. Trong 6 ngày qua, số ca tử vong vì COVID-19 ở Malaysia đều trên 130 ca. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 9.855 ca tử vong vì COVID-19, chiếm 0,83%.

Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: