Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 5/8, thế giới ghi nhận thêm khoảng 662.000 ca mắc COVID-19 mới và 9.500 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 199.193.938 ca, trong đó có khoảng 4.215.304 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Adirach Toumlamoon/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 104.600 ca), Ấn Độ (45.001 ca) và Brazil (40.054 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.739 ca), Brazil (991 ca) và Nga (794 ca).

Tại Mỹ, số ca mắc mới tại quốc gia này có thể tăng lên 200.000 ca/ngày, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, Tiến sỹ Anthony Fauci cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 ở nước này có thể tăng gấp đôi lên 200.000 ca/ngày trong những tuần tới do biến thể Delta lây lan mạnh. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca nhiễm biến thể Delta chiếm 83% trong tổng số ca mắc mới tại nước này.Tỷ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 giữa các tiểu bang tại Mỹ không đồng đều. Chẳng hạn, 76% cư dân của tiểu bang Vermont được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin trong khi tỷ lệ này tại tiểu bang Mississippi chỉ đạt 40%.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã công bố dự báo tổng hợp, trong đó cho rằng trong 4 tuần tới, số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 ở nước này có thể sẽ tăng lên.

Trong khi đó, theo CDC, trong tuần kết thúc vào ngày 28/8 tới, Mỹ có thể ghi nhận từ 350.000-1.800.000 ca nhiễm mới, trong đó khoảng từ 6.700 – 24.000 ca phải nhập viện, và khoảng từ 2.300-9.100 ca tử vong mới. CDC cho rằng trong những tuần gần đây, nhiều ca nhiễm mới được thông báo nằm ngoài dự báo của cơ quan này, điều này cho thấy dự báo có thể chưa tính đến toàn bộ các yếu tố phát sinh. Do đó, việc dự báo số ca nhiễm mới trong những tuần tới cần phải giải thích rõ ràng, thận trọng.

Theo số liệu thống kê của hãng Reuters, tính đến hết ngày 4/8, số ca mắc trung bình trong 7 ngày trên toàn nước Mỹ là hơn 94.819, tăng gấp 5 lần chỉ trong chưa đầy một tháng. Các tiểu bang miền Nam, hiện ghi nhận nhiều nhất số ca mắc và nhập viện. Các tiểu bang Florida, Texas và Louisiana công bố tổng số ca mắc mới cao nhất trong khu vực trong tuần qua. Hai tiểu bang Florida và Louisiana cũng có số bệnh nhân nhập viện tăng cao kỷ lục. Trong tuần qua, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Mỹ tăng 33%, với mức trung bình khoảng 377 ca tử vong/ngày.

Tại Canada, chính quyền Ontario không coi việc tiêm chủng là điều kiện bắt buộc đối với học sinh bởi họ tôn trọng sự lựa chọn của mỗi cá nhân, đồng thời muốn quan sát các tác dụng phụ của vắc-xin trong một thời gian lâu hơn.

Tại Brazil, trong 24 giờ qua, quốc gia này có thêm 45.001 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 20,06 triệu ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong cũng tăng lên 560.706 ca sau khi có thêm 991 người không qua khỏi trong 1 ngày qua.

Brazil hiện là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 2 thế giới sau Mỹ, và đứng thứ 3 thế giới về số ca bệnh, sau Mỹ và Ấn Độ. Quốc gia này vẫn đang hứng chịu làn sóng dịch bệnh mới, khiến các bệnh viện bị quá tải.

Tại Úc, chính quyền bang Victoria thông báo lệnh phong tỏa trong 6 tuần để phòng dịch trong khi bang New South Wales công bố số ca mắc mới cao kỷ lục ngày 5/8.

Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews cho biết bang Victoria bắt đầu lệnh phong tỏa từ 20h (tức 17h giờ Việt Nam) ngày 5/8. Theo đó, hơn 50% trong tổng số 25 triệu dân Australia sẽ lại sống trong cảnh phong tỏa chỉ hơn 1 tuần sau khi lệnh phong tỏa gần đây được dỡ bỏ.

Trong khi đó, bang New South Wales ghi nhận thêm 262 ca mắc, là số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ đầu dịch. Giới chức y tế cho biết đa số các ca mắc mới tập trung tại thành phố Sydney. Tuy nhiên, một số ca mắc mới xuất hiện tại những khu vực khác của bang buộc Thủ hiến bang Gladys Berejiklian mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế sang các vùng phụ cận của Sydney.

Cách đây 6 tuần, cư dân thành phố Sydney cũng được yêu cầu ở nhà để phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa đủ hiệu quả để ngăn dịch bệnh lây lan khi số người đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở mức thấp. Gần 20% dân số Australia đã được tiêm đủ liều vắc-xin, do thiếu nguồn cung trầm trọng và tâm lý e ngại vắc-xin.

Tại Nhật Bản, ngày 5/8, chính phủ đã đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm từ ngày 8/8.

Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi số ca mắc mới ở nước này tăng cao chưa từng thấy lên 14.207 ca, nhiều hơn 1.867 ca so với kỷ lục trước đó ghi nhận ngày 31/7. Đáng chú ý có tới 14/47 tỉnh, thành có số ca mắc mới cao kỷ lục, trong đó riêng thủ đô Tokyo có 4.166 ca.

Các biện pháp phòng dịch trọng điểm sẽ có hiệu lực đến ngày 31/8. Trước đó, có 5 tỉnh đã nằm trong phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm gồm Hokkaido, Ishikawa, Kyoto, Hyogo và Fukuoka.

Trong khu vực phòng dịch trọng điểm, các cơ sở kinh doanh ăn uống không được phục vụ đồ uống có cồn và phải đóng cửa trước 20h hằng ngày. Chỉ khi số ca mắc mới có xu hướng giảm, thống đốc tỉnh, thành đó mới có thể cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ đồn uống có cồn cho đến 19h hằng ngày.

Phát biểu sau khi đưa ra quyết định trên, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết: “Dịch bệnh đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy ở thủ đô Tokyo và một số nơi khác. Do số ca mắc mới gia tăng, số bệnh nhân nguy kịch cũng tăng lên”. Theo Thủ tướng Suga, biến thể Delta hiện chiếm khoảng 90% số ca mắc mới ở thủ đô Tokyo, trong khi tỷ lệ nhiễm biến thể Delta ở nhiều địa phương khác cũng khá cao.

Tại Isarel, số ca mắc COVID-19 với các biến chứng nghiêm trọng đã tăng lên 241 ca, mức cao nhất kể từ giữa tháng 4/2021, trong khi chính phủ nước này cảnh báo có thể phải áp dụng trở lại lệnh giãn cách xã hội.

Thông báo của Bộ Y tế Israel ngày 5/8 cho biết, trong 24 giờ qua đã ghi nhận 3.421 ca mắc mới COVID-19, cũng là một trong những ngày cao kỷ lục trong tuần qua. Tuy nhiên, tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính lại giảm nhẹ từ 3,35% xuống 3,28%; đồng thời hệ số R biểu thị tốc độ lây lan trên mỗi bệnh nhân cũng giảm xuống còn 1,3 thay vì 1,34 trong ngày trước đó. Dưới góc độ chuyên môn, tình trạng lây lan của dịch bệnh chỉ đi xuống khi hệ số R ở mức dưới 1.

Theo số liệu chính thức, bất chấp tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt mức rất cao, đến nay tại Israel đã có 889.111 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.509 ca tử vong. Sau một thời gian ngắn nới lỏng, chính phủ nước này gần đây phải siết chặt lại các biện pháp kiểm soát, như hạn chế người tham gia các sự kiện đông người. Hôm 4/8, Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz thậm chí cảnh báo có thể sẽ phải áp dụng biện pháp phong tỏa xã hội nếu người dân không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch hoặc không tiếp tục đi tiêm phòng vắc-xin. Tuy nhiên, ưu tiên hiện nay đối với Chính phủ Israel vẫn là tăng cường kiểm soát dịch và tránh phong tỏa xã hội có thể ảnh hưởng tới sự hồi phục của nền kinh tế.

Tại Indonesia, người phát ngôn Bộ Y tế, bà Siti Nadia Tarmizi cho hay số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại một số khu vực bên ngoài các đảo Bali và Java có xu hướng ngày càng tăng. Bà Siti nói: “Số lượng bệnh nhân nội trú lên tới 100.000 lượt mỗi tuần. Điều mà chúng tôi đang chứng kiến là sự gia tăng, đặc biệt là ở các khu vực nằm ngoài Java và Bali”.

Tuy nhiên, bà Siti lưu ý rằng tỷ lệ sử dụng giường bệnh (BOR) tại các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 đã giảm đáng kể.

Trong khi đó, theo số liệu báo cáo mới của Bộ Y tế Indonesia, tại thủ đô Jakarta, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nhóm người chưa tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cao hơn so với nhóm đã tiêm chủng.

Báo cáo công bố ngày 5/8 cho thấy tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở những người chưa tiêm chủng là 15,5%, trong khi tỷ lệ này ở người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc-xin hoặc của Sinofarm, hoặc của AstraZeneca là 4,1%. Số liệu này được tổng hợp từ hồ sơ bệnh án của gần 68.000 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại thủ đô Jakarta trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2021.

Tiến sĩ Ines Atmosukarto, một nhà sinh học phân tử, người làm việc về phát triển vắc-xin, cho rằng dữ liệu là bằng chứng về tầm quan trọng của tiêm chủng trong ngăn ngừa nguy cơ tử vong và những biến chứng nặng gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Tại Malaysia, ngày 5/8, nước này ghi nhận 20.596 ca nhiễm mới COVID-19. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày tại nước này vượt 20.000 ca.

Bộ Y tế Malaysia nêu rõ bang Selangor tiếp tục là địa phương có số ca lây nhiễm mới nhiều nhất trong ngày với 8.549 ca. Tiếp theo là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 2.163 ca và bang Kedah với 1.446 ca. Tới nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 1.203.706 ca nhiễm COVID-19.

Liên quan đến chương trình tiêm chủng, tới hết ngày 4/8, tại Malaysia, 7.704.996 đã tiêm đủ liều, tương đương 23,6% dân số. Số người mới tiêm 1 liều là 14.941.585, tương đương 45,8% dân số.

Tại Thái Lan, biến thể Delta đã lây lan tới 74/77 tỉnh, chiếm 78,2% số ca nhiễm mới.

Cục trưởng Cục Khoa học Y tế Supakit Sirilak cho biết đơn vị này và mạng lưới các phòng thí nghiệm của cục đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên trên 2.547 người mắc COVID-19 trên khắp đất nước từ ngày 24-30/7 và phát hiện 1.993 bệnh nhân (tương đương 78,2%) nhiễm biến thể Delta, trong khi 538 bệnh nhân (21,2%) nhiễm biến thể Alpha và 0,6% còn lại  nhiễm biến thể Beta.

Tại thủ đô Bangkok, trong số 1.229 mẫu được xét nghiệm, 86,2% mắc biến thể Delta, 13,8% mắc biến thể Alpha. Không có ca nhiễm biến thể Beta nào được tìm thấy trong nhóm này. Tại các tỉnh khác, trong số 1.318 mẫu được xét nghiệm, 70,9% nhiễm thể Delta, 27,9% nhiễm thể Alpha và 1,2% nhiễm biến thể Beta.

Thái Lan lần đầu tiên xác nhận ca nhiễm biến thể Delta vào giữa tháng 5 ở một người mẹ Thái Lan và cậu con trai 4 tuổi đến từ Pakistan.

Thái Lan ngày 5/8 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục là 20.920 ca cùng 160 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 693.305, trong đó có 5.663 người không qua khỏi.

Tính đến hết ngày 3/8, tổng cộng 18,58 triệu người ở Thái Lan được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19. Số liệu của Trung tâm thông tin COVID-19 cho thấy 28% dân số Thái Lan đã được tiêm vắc-xin, với 4,05 triệu người tiêm đủ liều.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: