Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 30/11, thế giới ghi nhận thêm khoảng 551.000 ca mắc COVID-19 mới và 7.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 249.076.180 ca, trong đó có khoảng 4.899.970 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: BaLL LunLa/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 85.000 ca), Đức (55.880 ca) và Pháp (47.177 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.229 ca), Mỹ (1.180 ca) và Ukraine (561 ca).

WHO: Các lệnh cấm đi lại sẽ không ngăn được biến thể Omicron

Trong bối cảnh các nước áp đặt biện pháp hạn chế nhập cảnh đề phòng biến thể Omicron, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/11 cho rằng các lệnh cấm đi lại sẽ không ngăn được biến thể Omicron lây lan, đồng thời kêu gọi các nước bình tĩnh và áp dụng các biện pháp “hợp lý” để chống lại biến thể này.

Trong thông điệp gửi tới các nước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên WHO áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro tương xứng, hợp lý. Phản ứng toàn cầu phải bình tĩnh, phối hợp và chặt chẽ”. Ông Ghebreyesus bày tỏ thấu hiểu khi các nước muốn bảo vệ công dân của mình “trước một biến thể mà chúng ta chưa hiểu đầy đủ về nó”, song cho biết WHO lo ngại việc phong tỏa đi lại có thể không công bằng và cản trở nỗ lực giám sát tình hình y tế toàn cầu.

Anh đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch, sẵn sàng ứng phó với biến thể Omicron

Từ sáng 30/11, người dân Anh phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng hay khi đến các cửa hàng, ngân hàng và tiệm làm tóc theo quy định bắt buộc mà chính quyền địa phương ban hành để phòng ngừa nguy cơ lây lan của biến thể Omicron.

Ngoài quy định trên, Anh cũng yêu cầu tất cả du khách quốc tế phải tiến hành xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ 2 sau khi tới và tự cách ly cho đến có kết quả xét nghiệm. Đây là quy định bổ sung cùng với quy định bắt buộc cách ly đối với người đến từ 10 nước phía Nam châu Phi.

Anh đến nay đã ghi nhận 11 ca nhiễm Omircron và dự báo con số này sẽ còn tăng. Do đó, Chính phủ Anh nhanh chóng đưa ra các biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cho đến khi giới khoa học có thể xác định thêm về khả năng lây nhiễm của biến thể này.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng việc Anh đưa ra các biện pháp phòng dịch mới ở thời điểm hiện tại là cần thiết và thể hiện trách nhiệm. Nhờ đó, Anh sẽ có thêm thời gian chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với Omicron và bảo vệ những thành tích chống dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua. Thủ tướng Johnson đang xem xét chương trình tiêm mũi tăng cường mở rộng, coi đây là biện pháp hữu hiệu cho đến thời điểm hiện tại để bảo vệ con người trước nguy cơ của biến thể Omicron.

Ngày 29/11, Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cho biết nước này ghi nhận thêm 2 ca nhiễm biến thể Omicron tại London, nâng tổng số người nhiễm biến thể này lên 11 người. Theo UKHSA, 2 ca bệnh này có yếu tố dịch tễ liên quan đến hoạt động đi lại ở khu vực miền Nam châu Phi. Hai trường hợp này không có mối liên hệ với nhau và cũng không liên quan đến các ca bệnh phát hiện trước đó.

Hy Lạp phạt người trên 60 tuổi chưa tiêm vắc-xin

Hy Lạp ngày 30/11 thông báo nước này sẽ có hình thức xử phạt đối với người trên 60 tuổi chưa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, trong bối cảnh nước này đang phải ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới.

Theo đó, người trên 60 tuổi chưa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ bị phạt 100 EUR. Biện pháp này sẽ được áp dụng từng tháng, từ ngày 16/1.

Hy lạp đưa ra biện pháp trên trong bối cảnh giới chức y tế thế giới quan ngại về nguy cơ lây lan của biến thể Omicron phát hiện đầu tiên tại Nam Phi mới đây.

Hàn Quốc phát hiện ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron

Ngày 30/11, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết đã phát hiện ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron ở nước này trong bối cảnh Hàn Quốc siết chặt các hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể mới xâm nhập vào nước này.

Giới chức y tế Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm giải trình tự gen đối với một cặp đôi mới tới Hàn Quốc từ Nigeria và cho xét nghiệm dương tính. Kết quả xét nghiệm sẽ được thông báo vào chiều 1/12.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), hai người này vốn đã hoàn thành tiêm chủng, tới Nigeria từ ngày 14-23/11 và có xét nghiệm dương tính vào ngày 25/11. Các xét nghiệm đang được thực hiện để xác định liệu 2 người này có nhiễm biến thể Omicron hay không.

Ngay sau khi có thông tin về ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron, Thủ tướng Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát nhập cảnh chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Người phát ngôn của Tổng thống Moon Jae-in, Park Kyung-mee cho biết nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng chỉ thị cho các cơ quan chức năng nhanh chóng phát triển bộ kít xét nghiệm biến thể Omicron và đưa ra chiến lược mới kiểm soát biến thể mới này.

Từ ngày 28/11, Hàn Quốc đã hạn chế cấp thị thực và hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ 8 nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập vào nước này. Hàn Quốc đã cùng với một loạt nước áp đặt lệnh cấm đi lại tới khu vực này.

Nhật Bản ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron

Ngày 30/11, một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới Omicron của virus corona.

Hãng Kyodo dẫn nguồn thạo tin cho biết một nhà ngoại giao Namibia khoảng 30 tuổi được phát hiện nhiễm biến thể Omicron sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona khi tới sân bay Narita (Tokyo) hôm 28/11 vừa qua.

Trước đó, tối 29/11, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này đã chính thức áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh để phòng ngừa sự xâm nhập của biến thế Omicron, hiện đang có nguy cơ làm bùng phát một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới nghiêm trọng hơn.

Thông báo trên đề cập đến quy định mới nhất của Chính phủ Nhật Bản là dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài từ 0h ngày 30/11. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với người đã xuất phát từ sân bay nước ngoài trước thời điểm trên để đến Nhật Bản.

Bên cạnh đó, cũng từ 0h ngày 30/11, Nhật Bản sẽ ngừng nhận đơn xem xét áp dụng các biện pháp nới lỏng hạn chế hành vi đối với những người đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, đồng thời những người nhập cảnh vào Nhật Bản sau thời điểm 0h ngày 1/12 sẽ không còn thuộc diện nới lỏng hạn chế hành vi. Điều này có nghĩa là kể từ thời điểm trên, người về nước hoặc tái nhập cảnh vào Nhật Bản dù đã có chứng nhận tiêm vắc-xin và xét nghiệm âm tính với virus corona cũng sẽ không còn được hưởng các cơ chế ưu tiên như cách ly bắt buộc 3 ngày hoặc giảm thời gian tự cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, vốn được áp dụng từ ngày 8/11 vừa qua.

Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ tăng cường các biện pháp theo dõi, giám sát những người vừa trở về từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được xác định đã xuất hiện biến thể Omicron. Các chuyến bay đến Nhật Bản từ sau thời điểm 0h ngày 1/12 sẽ được xem xét đối với từng trường hợp đã đặt chỗ nhưng dừng hoàn toàn việc đặt chỗ mới.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: