Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 13/11, thế giới ghi nhận thêm khoảng 414.000 ca mắc COVID-19 mới và 5.902 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 241.037.958 ca, trong đó có khoảng 4.801.445 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par bmszealand/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Nga dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 39.256 ca; Anh đứng thứ 2 với 38.351 ca; tiếp theo là Mỹ (31.232 ca). Nước Nga cũng tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.241 người thiệt mạng trong ngày – cũng là mức cao kỷ lục mới của nước này; tiếp theo là Ukraine (695 ca) và Mỹ (472 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 47.882.122 người, trong đó có 783.405 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.426.774 ca nhiễm, bao gồm 463.245 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 21.953.838 ca bệnh và 611.255 ca tử vong.

Nga: Ca tử vong theo ngày cao nhất từ đầu dịch COVID-19

Ngày 13/11, Nga ghi nhận 1.241 ca tử vong trong một ngày, mức cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. Ngoài ra, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở nước này là 39.256 ca.

Hầu hết trong hơn 80 vùng của Nga đã dỡ bỏ quy định đóng cửa công sở trong 1 tuần, bắt đầu từ tuần trước. Ngày 12/11, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết nước này đã lập ra giai đoạn chuyển tiếp từ nay cho tới ngày 1/2/2022 để tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, người dân có thể tham gia các sự kiện công cộng, đến nhà hàng và cửa hàng phi thực phẩm không chỉ bằng mã QR xác nhận đã tiêm phòng hoặc mắc bệnh COVID-19 trước đó, mà còn bằng các xét nghiệm PCR âm tính.

Ba Lan thông báo thời điểm sở hữu thuốc Molnupiravir

Ngày 12/11, phát ngôn viên của Bộ Y tế Ba Lan, Wojciech Andrusiewicz cho biết, chính phủ đã ký hợp đồng mua thuốc Molnupiravir để sử dụng trong điều trị COVID-19. Lô thuốc với tổng số hàng chục nghìn viên có thể sẽ được chuyển về đến Ba Lan vào giữa tháng 12. Đây là hợp đồng của riêng Ba Lan với hãng dược phẩm Mỹ Merck. Hiện Ba Lan là một trong những quốc gia đầu tiên mua loại thuốc này và ký hợp đồng trực tiếp với hãng.

Thuốc Molnupiravir có thể dùng cho những người trên 18 tuổi, đã nhiễm virus corona. Những người mắc bệnh COVID-19 mức độ nhẹ đến vừa phải có thể uống trong năm ngày với liều 2 lần một ngày. Thuốc này lần đầu tiên được Anh cho phép dùng để điều trị COVID-19 vào đầu tháng 11/2021.

Theo các bác sĩ, thuốc làm giảm các triệu chứng và tăng tốc độ phục hồi. Đây có thể là bước ngoặt trong việc giảm tải cho các bệnh viện, giúp hạn chế đại dịch ở các nước nghèo với hệ thống chăm sóc sức khỏe kém, đồng thời sẽ giúp tăng cường khả năng thoát khỏi đại dịch cùng với phòng ngừa thông qua tiêm chủng.

Trong các thử nghiệm lâm sàng trên 775 bệnh nhân, chỉ có 7,3% số bệnh nhân đã dùng Molnupiravir phải nhập viện và không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, dữ liệu này mới chỉ được công bố trong một thông cáo báo chí. Người phát ngôn của Bộ Y tế Ba Lan thông báo rằng, chính phủ cũng đồng thời tham gia vào các cuộc đấu thầu của EU cho nhiều loại thuốc chống COVID-19 khác.

Hàn Quốc: Số ca nguy kịch cao kỷ lục

Tại Hàn Quốc, ngày 13/11, số ca nhiễm mới tiếp tục ở mức trên 2.000 ca trong ngày thứ 4 liên tiếp trong khi số ca bệnh nặng đã lên tới mức cao chưa từng thấy kể từ khi bùng phát dịch. Cơ quan Phòng và kiểm soát dịch bệnh (KDCA) đã ghi nhận 2.325 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 393.042 ca. Số ca nhiễm mới theo ngày luôn ở mức 4 con số kể từ ngày 7/7, trong đó cao nhất là 3.272 ca ghi nhận ngày 25/9.

Nước này cũng ghi nhận 32 ca tử vong mới, mức cao nhất kể từ làn sóng lây nhiễm thứ 4 bắt đầu vào tháng 7, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 3.083 ca. Tỷ lệ tử vong là 0,78%.

Số ca nguy kịch cũng lên mức cao chưa từng thấy ở nước này là 485 ca sau khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 ca vào ngày 6/11 kể từ giữa tháng 8. Đáng chú ý, khoảng một nửa số ca nhiễm mới trên cả nước trong 2 tuần qua là những người đã tiêm vắc-xin. Trong khi đó, ngày càng có nhiều lo ngại về nguy cơ số ca nhiễm theo ngày và số ca nặng gia tăng khi Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong tháng này, bước đầu tiên trong lịch trình “sống chung với COVID-19” gồm 3 giai đoạn nhằm từng bước trở lại bình thường mới.

Ý tăng cường đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin 

Ngày 12/11, Bộ Y tế và Viện y tế quốc gia (ISS) Ý đã công bố báo cáo giám sát dữ liệu COVID-19 mới nhất, trong đó cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 của nước này đã tăng lên 78/100.000 dân trong tuần kết thúc vào ngày 11/11, so với 53/100.000 của tuần trước.

Số liệu của báo cáo chỉ ra rằng, chỉ số Rt, biểu thị tốc độ lây truyền của virus corona, đã tăng lên 1,21, so với mức 1,15 của tuần trước. Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện viện điều trị cũng tăng 6,1%, và số bệnh nhân nặng phải cấp cứu tăng 4,4%.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: