Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 4/5, thế giới ghi nhận thêm khoảng 556.000 ca mắc COVID-19 mới và 1.644 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 454.661.341 ca, trong đó có khoảng 5.696.509 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: fokke baarssen/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (166.960 ca), Hàn Quốc (49.038 ca) và Pháp (47.925 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (227 ca), Đức (222 ca) và Mỹ (164 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 523.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 663.000 ca tử vong.

Mỹ lo ngại về các biến thể phụ của Omicron

Một biến thể phụ mới dễ lây lan của Omicron đang lan rộng trên toàn nước Mỹ trong bối cảnh số ca mắc ở nước này đang tăng trở lại.

Theo dữ liệu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 3/5, biến thể phụ mới của Omicron được gọi là BA.2.12.1 đã gây ra 36,5% số ca mắc mới ở nước này trong tuần kết thúc vào ngày 30/4, tăng so với 26,6% một tuần trước đó và tăng so với 16,7% hai tuần trước đó.

Một số khu vực ở Mỹ như vùng Northeast, đang ghi nhận nhiều ca mắc do BA.2.12.1 gây ra nhiều hơn so với các biến thể phụ khác. Cơ quan Y tế tiểu bang New York lần đầu tiên thông báo sự xuất hiện của biến thể phụ BA.2.12.1 vào giữa tháng 4 và đến ngày 23/4, biến thể này gây ra 41,6% số ca mắc COVID-19 trên toàn tiểu bang.

Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết biến thể phụ BA.2.12.1 dường như có khả năng lây lan cao hơn 25% so với biến thể phụ BA.2. Hiện CDC đang tiến hành đánh giá tìm hiểu thêm về tác động của biến thể phụ này đối với tính hiệu quả của vắc-xin ngừa COVID-19.

Ngoài BA.2.12.1, hai biến thể phụ mới khác của Omicron là BA.4 và BA.5 cũng đã xuất hiện tại Mỹ, làm tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người đã nhiễm các biến thể phụ trước đó của Omicron.

Người đứng đầu khoa dịch tễ học thuộc Đại học California, thành phố Los Angeles (Mỹ), Zhang Zuofeng nêu rõ: “Các biến thể phụ BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan hơn so với biến thể phụ BA.1 và BA.2 cũng như có khả năng trốn hệ miễn dịch”. Do vậy, những người chưa tiêm vắc-xin mà đã nhiễm biến thể Delta, hoặc các biến thể phụ trước đây của Omicron là BA.1 và BA.2 có nguy cơ tái nhiễm cao. Tuy nhiên, do virus nằm ở đường hô hấp trên và gây ra ít nhiễm vào phổi, nên sẽ có ít tác động gây ra bệnh trở nặng và tử vong.

Hiện chỉ có một số ít các ca mắc COVID-19 tại Mỹ là do biến thể phụ BA.4 và BA.5. Theo ông Zhang, hai biến thể phụ mới này có thể gây ra số ca mắc gia tăng tại Mỹ, song không giống như làn sóng dịch bệnh do biến thể gốc Omicron gây ra vào tháng 1.

Mỹ ghi nhận trung bình khoảng 60.000 ca mắc mới và 320 ca tử vong/ngày kể từ ngày 3/5, so với 25.000 ca mắc mới/ngày hồi đầu tháng 4.

EU khuyến nghị không nên chủ quan trước đại dịch COVID-19

Ngày 4/5, Ủy viên Liên minh Châu Âu (EU) phụ trách vấn đề Y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides cho rằng đại dịch COVID-19 vừa bước sang giai đoạn mới nhưng chưa phải giai đoạn kết thúc.

Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Broadcasting Corporation của CH Cyprus, bà Stella Kyriakides nêu rõ Ủy ban châu Âu (EC) đã tuyên bố giai đoạn mới của đại dịch COVID-19, nhưng đây chưa phải là giai đoạn kết thúc. Bình luận về việc hầu hết các nước EU đã gỡ bỏ hoặc nới lỏng phần lớn các biện pháp hạn chế phòng dịch, bà Stella Kyriakides thận trọng khuyến nghị các nước thành viên không nên vội chủ quan trước dịch bệnh, cảnh báo luôn có nguy cơ xuất hiện đợt bùng phát mới.

Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước EU đã bước vào làn sóng dịch bệnh thứ 5 trong khi các nhà khoa học cảnh báo một đợt dịch mới trên toàn thế giới có thể xảy ra. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang chú ý tới những dòng phụ của biến thể Omicron và quan ngại khả năng xảy ra đợt bùng phát dịch bệnh mới trên toàn cầu.

Bà Kyriakides cho biết EC đang lo ngại trước thực tế rằng vẫn còn 90 triệu người tại các nước EU chưa tiêm phòng và tình trạng nhiều người còn do dự chưa đi tiêm mũi bổ sung sau khi các nước nới lỏng hạn chế. Bà cho rằng những người này có nguy cơ mắc COVID-19 và trở thành nhân tố góp phần gây ra một làn sóng dịch bệnh mới.

Biến thể phụ mới của Omicron đã có mặt ở Úc

Cơ quan Y tế của Úc ngày 4/5 thông báo nước này vừa ghi nhận 3 biến thể phụ mới của chủng Omicron ở các bệnh nhân mắc COVID-19 là BA.2.12.1, BA.4 và BA.5.

Phó Giáo sư Stuart Turville thuộc Viện nghiên cứu Kirby, Đại học New South Wales (UNSW) cho biết hiện vẫn chưa xác định được mức độ nghiêm trọng và khả năng lây truyền của các biến thể phụ mới này. Ông Turville chia sẻ sẽ cần một thời gian nữa để các nhà nghiên cứu có thể đưa ra một số kết luận giải đáp thắc mắc liệu những biến thể phụ mới của Omicron có phải là một trong những loại virus có khả năng lây nhiễm cao hay không. Ông nói tương tự như tất cả các loại biến thể đã được ghi nhận trước đó, thông số quan trọng cần theo dõi là mức độ nghiêm trọng của bệnh và dữ liệu này cần thời gian để tích lũy.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy các biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron có khả năng đáng kể tránh phản ứng kháng thể của người bệnh, vốn đã có được trước đó do nhiễm virus trong quá khứ và hoặc nhờ việc tiêm vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm, cũng như vắc-xin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định trong trường hợp bị nhiễm các biến thể này, người bệnh sẽ gặp tác động ít nghiêm trọng hơn nếu đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc đã từng mắc COVID-19. Giới chức y tế Úc cảnh báo biến thể phụ mới BA.4, BA.5 và BA.2.12.1 có khả năng sẽ thay thế biến thể phụ BA.1 và BA.2 tại Úc trong thời gian tới.

Trước đó, giới chức y tế Úc đã lên tiếng cảnh báo người dân cần thận trọng trong mùa đông năm nay (bắt đầu từ tháng 6 kéo dài đến hết tháng 9) do khả năng gia tăng đột biến các trường hợp mắc COVID-19 và bệnh cúm mùa trong bối cảnh chính phủ nước này và chính quyền các bang đang dần gỡ bỏ các biện pháp hạn chế ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.

Theo Nhóm Cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Úc (ATIGI), sau 3 tháng mắc COVID-19, người dân cần đi tiêm liều vắc-xin ngừa COVID-19 bổ sung sớm nhất có thể.

Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) tạm ngừng nhiều hoạt động vận tải hành khách để phòng dịch COVID-19

Ngày 4/5, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã đóng cửa hàng chục ga tàu điện ngầm và tạm ngừng hoạt động các tuyến xe buýt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và tránh nguy cơ phải phong tỏa như thành phố Thượng Hải.

Các nhà cung cấp dịch vụ vận tải hành khách ở Bắc Kinh cho biết chính quyền thành phố đã đóng cửa hơn 40 ga tàu điện ngầm, tương đương 10% tổng số nhà ga trong hệ thống, và tạm ngừng vận hành 158 tuyến xe buýt. Phần lớn ga tàu điện ngầm và tuyến xe buýt bị đình chỉ nằm ở quận Triều Dương, tâm dịch COVID-19 ở Bắc Kinh.

Trước đó, thành phố Bắc Kinh với 22 triệu dân đã đóng cửa các trường học, cũng như một số cơ sở kinh doanh và tòa chung cư ở các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19.

Với hàng chục ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, Bắc Kinh đang cố tránh kịch bản phải phong tỏa toàn phần như Thượng Hải, đồng thời hy vọng có thể phát hiện, cách ly và khoanh vùng COVID-19 thông qua chiến dịch xét nghiệm đại trà.

Trong tuần này, 12/16 quận của Bắc Kinh triển khai đợt xét nghiệm diện rộng thứ 2, sau khi hoàn thành 3 đợt xét nghiệm diện rộng vào tuần trước với khoảng 21,8 triệu cư dân được xét nghiệm.

Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới giảm

Hàn Quốc ngày 4/5 ghi nhận số ca mắc mới giảm xuống dưới 50.000 ca, trong bối cảnh nước này đã gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời nhằm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 49.064 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc đến nay lên 17.395.791 ca. Hàn Quốc cũng có thêm 72 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 23.079 ca.

Phan Anh (tổng hợp)

Gặp Patron – Chú chó nghiệp vụ Ukraine đánh hơi tìm 262 quả mìn trong chiến tranh