Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 9/11, thế giới ghi nhận thêm khoảng 413.000 ca mắc COVID-19 mới và 6.643 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 239.263.914 ca, trong đó có khoảng 4.777.258 người thiệt mạng.

COVID-19
Thuốc kháng virus dạng viên uống Molnupiravir. (Ảnh minh họa: Par Candidman/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 50.771 ca; Nga đứng thứ 2 với 39.160 ca; tiếp theo là Anh (33.117). Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.211 người thiệt mạng trong ngày, một kỷ lục mới đáng buồn của nước này; tiếp theo là Mỹ (875 ca) và Ukraine (833 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 47.505.253 người, trong đó có 777.427 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.386.786 ca nhiễm, bao gồm 461.827 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 21.897.025 ca bệnh và 609.756 ca tử vong.

Mỹ mua thêm 1,4 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir

Ngày 9/11, hãng dược phẩm Merck & Co (Mỹ) và đối tác là Ridgeback Biotherapeutics (Đức) cho biết Chính phủ Mỹ sẽ mua thêm 1,4 triệu liệu trình thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống để điều trị COVID-19.

Hồi  tháng 6 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã đồng ý chi 1,2 tỉ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir và hiện đang chọn mua thêm 1,4 triệu liệu trình nữa, với giá hợp đồng mua cho tổng cộng 3,1 triệu liệu trình là 2,2 tỉ USD. Theo 2 hãng trên, Chính phủ Mỹ cũng có quyền mua thêm 2 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir nữa theo hợp đồng.

Thuốc Molnupiravir do hãng Merck & Co của Mỹ và Công ty Ridgeback cùng phối hợp nghiên cứu phát triển. Đây là một thuốc kháng virus sử dụng dạng viên uống và được phát triển để điều trị cúm. Hiện Merck & Co đã xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc chữa bệnh COVID-19 thể vừa và nhẹ tại Mỹ. Hãng này đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir trong năm nay và 20 triệu liệu trình trong năm sau.

Moderna xin cấp phép sử dụng vắc-xin cho trẻ từ 6-11 tuổi ở EU

Ngày 9/11, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ đã nộp hồ sơ cho Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) xin cấp phép cho vắc-xin ngừa COVID-19 dành cho trẻ em từ 6-11 tuổi.

Công ty công nghệ sinh học của Mỹ cho biết họ đã nộp hồ sơ cho một liệu trình 2 liều vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA dành cho trẻ em lên EMA. Liều 50 microgam cho mỗi lần tiêm, bằng một nửa so với liều dùng cho người lớn.

Việc nộp đơn xin cấp phép này được đưa ra ngay sau khi liều vắc-xin bổ sung của Moderna được phép sử dụng ở Liên minh châu Âu (EU) hôm 25/10 vừa qua.

Singapore nới lỏng thêm hạn chế

Lực lượng đặc nhiệm đa bộ phụ trách đối phó COVID-19 của Singapore cho biết số ca nhập viện và tỷ lệ người mắc bệnh nghiêm trọng vẫn ổn định. Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 hàng tuần cũng thấp hơn trong năm ngày qua. Với sự cải thiện về số ca nhập viện, một số biện pháp sẽ được nới lỏng cẩn trọng kể từ ngày 10/11.

Theo đó, các gia đình được tiêm chủng đầy đủ được phép ăn nhà hàng với nhóm tối đa 5 người. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong cho biết việc nới lỏng các biện pháp các gia đình ăn hàng cùng nhau là một phần của quá trình từng bước mở cửa Singapore. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ được phép tại các cơ sở thực phẩm và đồ uống có thể thực hiện kiểm tra toàn diện các biện pháp quản lý an toàn. Hoạt động ăn uống tại các hàng rong và quán cà phê vẫn giới hạn ở 2 người đã tiêm chủng đầy đủ.

Bên cạnh đó, nhiều làn đường du lịch quốc tế dành cho du khách đã tiêm chủng cũng được mở rộng, bổ sung Phần Lan và Thụy Điển từ ngày 29/11. Một chuyến bay chung với Malaysia giữa Sân bay Changi và Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur sẽ bắt đầu cùng ngày. Singapore và Malaysia cũng đang thảo luận chi tiết để khởi động một kế hoạch tương tự cho việc đi lại trên các tuyến đường bộ.

Campuchia đóng cửa tất cả các trường mẫu giáo

Ngày 8/11, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã ra yêu cầu đóng cửa tất cả các trường mẫu giáo trên cả nước cho đến khi có thông báo mới, vì trẻ em dưới 5 tuổi chưa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Thông báo trên được đưa ra vài giờ sau khi Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen kêu gọi cần tiếp tục đóng cửa các trường mẫu giáo và có phương án từng bước mở cửa nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ em nhỏ. Theo thống kê trong giai đoạn 2016-2020, Campuchia có 5.003 trường và 10.357 lớp mẫu giáo, trong đó có 132 lớp học trong chùa. Sau thông báo trên, dự kiến 289.136 trẻ em dưới 5 tuổi sẽ tiếp tục ở nhà.

Tính từ ngày 1/11, Campuchia đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho 194.228 trẻ em 5 tuổi, đạt 63,82% trong tổng số 304.317 trẻ trong độ tuổi này. Tính đến ngày 8/11, 13,9 triệu người trên tổng số khoảng 16 triệu dân Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, trong đó 9,6 triệu người đã tiêm đủ liều vắc-xin. Trong khi đó, gần 2 triệu người, bao gồm lực lượng y tế, an ninh và người dân sinh sống ở thủ đô Phnom Penh, đã được tiêm mũi vắc-xin bổ sung.

Indonesia chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ em 6-11 tuổi 

Chính phủ Indoneisa đang có kế hoạch hợp tác với các trường học để cung cấp vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Sinovac cho trẻ em từ 6-11 tuổi.

Đối với trẻ em khuyết tật, Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ hợp tác với các trường chuyên biệt và cơ sở cộng đồng cho người khuyết tật. Đối với trẻ em không được đến trường, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với Văn phòng các vấn đề xã hội. Đối với trẻ em mắc các bệnh bẩm sinh như tim, bạch cầu, không được tiêm chủng nếu không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

Hội đồng khoa học Indonesia cũng đang xây dựng các phương án sàng lọc phù hợp cho từng đối tượng trẻ em khi tiến hành tiêm chủng. Sẽ có một hệ thống dữ liệu tiêm chủng duy nhất. Chính phủ yêu cầu phụ huynh chuẩn bị số chứng minh nhân dân (NIK) của trẻ em trước khi tiêm chủng.

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho khoảng 26 triệu trẻ em từ 6-11 tuổi trên cả nước, theo đó cần ít nhất 50 triệu liều vắc-xin.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: