Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 12/4, thế giới ghi nhận thêm khoảng 911.000 ca mắc COVID-19 mới và 2.754 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 442.373.991 ca, trong đó có khoảng 5.655.115 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Syda Productions/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 210.676 ca; Pháp đứng thứ 2 với 190.762 ca; tiếp theo là Đức (164.628 ca). Đức và Anh đứng đầu về số ca tử vong mới, với cùng 288 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Mỹ (271 ca) và Hàn Quốc với 171 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 82.119.050 người, trong đó có 1.012.796 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.037.388 ca nhiễm, bao gồm 521.746 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 30.183.929 ca bệnh và 661.493 ca tử vong.

Mỹ thay đổi hướng tiếp cận trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19

Số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại Mỹ ngay cả khi nhiều người dân mong muốn gác lại những nỗi lo lắng này để hướng tới cuộc sống bình thường mới.

Thủ đô Washington đã chứng kiến một loạt ca mắc COVID-19 trong các thành viên quốc hội và chính quyền, và số ca mắc trong thành phố nói chung cũng đang gia tăng. Số ca mắc tại New York và các khu vực khác ở vùng Đông Bắc cũng đang tăng lên, với việc Philadelphia ngày 11/4 thông báo sẽ ban hành quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có những cơ sở để dự đoán mọi sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trong thời gian tới có khả năng sẽ ít gây thiệt hại hơn so với những làn sóng trước đó. Sự kết hợp giữa vắc-xin và phương pháp điều trị mới đồng nghĩa ngay cả khi số ca bệnh tăng lên, số ca nhập viện và tử vong được kỳ vọng sẽ không tăng quá mức. Nhà Trắng đang kỳ vọng chương trình tiêm mũi vắc-xin thứ 3 và việc cung cấp thuốc điều trị COVID-19 có thể chống lại bất kỳ làn sóng dịch nào bùng phát trong thời điểm hiện tại, thay vì các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang hay đóng cửa doanh nghiệp.

Phát biểu trên kênh truyền hình MSNBC ngày 11/4, ông Ashish Jha, điều phối viên ứng phó với đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng, nhấn mạnh: “Chúng ta không cần phải để dịch COVID-19 điều khiển cuộc sống của mình nữa. Chúng ta hiện có rất nhiều liệu pháp được áp dụng rộng rãi cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn”.

Phù hợp với cách tiếp cận mới này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ vào cuối tháng 2 đã ban hành hướng dẫn mới, theo đó người dân không cần đeo khẩu trang trừ khi số ca mắc và nhập viện tăng lên rõ rệt. Giáo sư y tế công cộng Leana Wen tại Đại học George Washington cũng nhận định không cần thiết phải khôi phục các biện pháp hạn chế để ngăn dịch lây lan nếu các bệnh viện không bị quá tải trở lại.

Ở một diễn biến khác, Bộ Tư pháp Mỹ ngày 11/4 đã yêu cầu tòa án phúc thẩm liên bang cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden nối lại thực thi sắc lệnh về tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho nhân viên liên bang. Sắc lệnh này trước đó đã bị một tòa án cấp thấp hơn “vô hiệu hóa” vào tháng 1 năm nay.

Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đã yêu cầu tòa phúc thẩm “thực hiện các bước đi phù hợp để chính phủ có thể nối lại việc triển khai và thực thi sắc lệnh hành pháp” của Tổng thống Joe Biden. Tuyên bố nhấn mạnh tòa phúc thẩm nên ngay lập tức ra phán quyết, đồng thời cho rằng việc đình chỉ thực thi sắc lệnh đang gây tác động nghiêm trọng tới lợi ích của người dân và cả chính quyền.

Hồi tháng 9/2021, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ yêu cầu khoảng 3,5 triệu nhân viên làm việc trong các cơ quan, tổ chức của Chính phủ Mỹ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trước ngày 22/11/2021. Những người từ chối tiêm phòng có thể sẽ bị kỷ luật hoặc bị sa thải. Tuy nhiên, vào giữa tháng 1 năm nay, Tòa án Tối cao Mỹ đã đình chỉ sắc lệnh này.

Theo thống kê của Nhà Trắng, tính đến nay, mới có hơn 93% nhân viên viên liên bang đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa COVID-19.

Người dân Anh lo lắng về chi phí sinh hoạt hơn COVID-19

Người dân Anh hiện lo lắng về khả năng tài chính của họ nhiều hơn lo lắng về đại dịch COVID-19, trong bối cảnh lạm phát trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân.

Kết quả khảo sát xã hội do Đại học College London (UCL) thực hiện hồi tháng 3 vừa qua, cho biết 38% người trưởng thành ở Anh lo lắng về khả năng tài chính của họ – tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát này được thực hiện lần đầu tiên hồi tháng 3/2020. Trong khi đó, tỷ lệ người dân Anh lo ngại về khả năng mắc COVID-19 giảm từ 40% trong tháng 1 vừa qua xuống còn 33%. Tất cả các nhóm tuổi đều bày tỏ ngày càng lo ngại về khả năng tài chính, trong đó cao nhất là những người thuộc nhóm tuổi từ 30 đến 59 tuổi, gấp đôi so với nhóm lớn tuổi hơn. Trong nhóm người ở độ tuổi trung niên này chỉ có khoảng 1/3 lo ngại về đại dịch COVID-19.

Anh đã gỡ bỏ gần như toàn bộ các hạn chế pháp lý liên quan đến dịch COVID-19 vào ngày 24/2. Trong khi đó, vấn đề đảm bảo tài chính cho gia đình đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với người dân Anh khi lạm phát tiêu dùng trong tháng 2 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm qua, tới 6,2%. Theo kết quả khảo sát, chỉ khoảng một nửa số người được hỏi cảm thấy đảm bảo được tài chính cho gia đình, giảm so với gần 2/3 trong cuộc khảo sát tháng 10 năm ngoái.

17% bệnh nhân không trở lại làm việc vì ảnh hưởng sức khoẻ hậu COVID-19

Báo Financial Times ngày 12/4 đưa tin phần lớn trong hơn 100 triệu người trên toàn thế giới đã bình phục sau khi mắc COVID-19 đang chịu những tác động nặng nề về sức khỏe và nhiều người chưa thể trở lại làm việc. Dự báo sẽ có thêm nhiều người lâm vào tình trạng tương tự, từ đó kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Leicester (Anh) đã thu thập thông tin của 1.170 người từng nhập viện vì COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 3-11/2020. Qua đó, họ nhận thấy 17% trong số này không trở lại làm việc sau khi đã khỏi bệnh và xuất viện được 5 tháng; 19% thay đổi công việc do các tác động liên quan tới sức khỏe hậu COVID-19. Ngoài ra, 25% các doanh nghiệp tại Anh cho biết rằng những tác động sau khi mắc căn bệnh này là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lao động phải nghỉ việc trong thời gian dài.

Viện Brookings tại Mỹ cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Theo đó, viện nghiên cứu chính sách này cho biết tính đến tháng 11/2021, khoảng 15% trong tổng số 1.060.000 vị trí việc làm đang cần nhân sự để thay thế những lao động vắng mặt vì lý do sức khỏe suy giảm hậu COVID-19.

Biến thể Omicron khiến con người dễ tái nhiễm hơn

Giới chuyên gia cho rằng việc tái nhiễm virus corona hiếm khi xảy ra, song điều này đã khác khi Omicron xuất hiện.

Tiến sĩ Saqib Shahab, người đứng đầu cơ quan y tế tỉnh bang Saskatchewan nhấn mạnh do Omicron rất khác biệt, vậy nên việc lây nhiễm trước đó không bảo vệ được con người trước làn sóng tấn công của biến thể này. Ông viện dẫn dữ liệu y tế công cộng cho biết khoảng 10% số người mắc COVID-19 gần đây tại Canada là do nhiễm BA.2, biến thể phụ của Omicron. Trước đó, những người này từng mắc BA.1 hoặc biến thể khác, như Delta.

Điều này phù hợp với các nghiên cứu gần đây ở Anh chỉ ra rằng 10% số ca bị nhiễm lại virus corona. Theo Tiến sĩ Shahab, như vậy việc nhiễm Omicron không có nghĩa là con người đã có tấm khiên bảo vệ mình khỏi việc tái nhiễm.

Nhà dịch tễ học Nazeem Muhajarine thuộc Đại học Saskatchewan cho biết so với các biến thể khác, Omicron có khả năng chống chọi tốt hơn miễn dịch do vắc-xin COVID-19 hoặc các lần nhiễm trước đó tạo ra. Omicron không chỉ có khả năng thoát khỏi miễn dịch, mà còn đến vào đúng thời điểm khả năng miễn dịch của con người giảm dần, sau khi hầu hết người dân Canada đã tiêm đủ 2 mũi. Do đó, giới chức y tế đề nghị người dân đã tiêm đủ liều cơ bản nếu có điều kiện nên tiêm mũi vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 3.

Phan Anh (tổng hợp)

Nạn đói Nga 1921-1923 và chiến dịch cứu trợ vĩ đại của người Mỹ