Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 21/10, thế giới ghi nhận thêm khoảng 433.000 ca mắc COVID-19 mới và 6.600 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 232.079.555 ca, trong đó có khoảng 4.665.674 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par YuryKara/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 65.000 ca), Anh (52.009 ca) và Nga (36.339 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.257 ca), Nga (1.036 ca) và Ukraine (546 ca).

Nga tái phong tỏa thủ đô Moskva

Ngày 21/10, Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin, thông báo thành phố này sẽ áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa từ ngày 28/10 để ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 với số ca mắc mới tăng cao.

Theo đó, tất cả các cửa hiệu, quán bar và nhà hàng đều sẽ phải đóng cửa, ngoại trừ những địa điểm bán hàng hóa thiết yếu như siêu thị và nhà thuốc. Trước đó, ngày 20/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép đóng cửa các cơ quan, công sở trên cả nước từ ngày 30/10-7/11 và cho phép các địa phương bổ sung các biện pháp khác tùy tình hình dịch bệnh.

Ngày 21/10 Nga tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc mới và số ca tử vong do COVID-19, với 36.339 ca mắc mới và 1.036 ca tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua. Đến nay Nga đã ghi nhận tổng cộng trên 8,13 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 227.300 ca tử vong.

Trong khi đó, Nga cũng thông báo một số ca nhiễm một biến thể mới của virus corona được cho là dễ lây nhiễm hơn cả biến thể Delta.

Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao của Cơ quan giám sát tiêu dùng quốc gia, Kamil Khafizov cho biết có khả năng biến thể AY 4.2 này sẽ lây lan rộng, có thể khiến số ca mắc mới COVID-19 ở Nga – hiện ở mức cao kỷ lục – tăng hơn nữa.

Biến thể AY 4.2 là biến thể phụ của Delta. Ông Khafizov cho rằng AY 4.2 cuối củng có thể thay thế biến thể Delta, mặc dù tiến trình này có thể sẽ diễn ra chậm.

Latvia trở thành nước EU đầu tiên phong tỏa trở lại

Ngày 21/10, Latvia đã trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Theo đó, các cửa hàng không thiết yếu, rạp chiếu phim, tiệm cắt tóc và nhà hát phải đóng cửa trong một tháng. Hiện Latvia là quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất thế giới, với tỷ lệ lây nhiễm trung bình ghi nhận trong 14 ngày gần nhất là 1.406 ca/100.000 dân (theo AFP). Các quốc gia láng giềng ở khu vực Baltic như Litva và Estonia đứng ngay sau Latvia với tỷ lệ lần lượt là 1.221 ca và 1.126 ca/100.000 dân.

Biện pháp phong tỏa có hiệu lực đến hết ngày 15/11, sẽ bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau; các nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang đi. Hầu hết người lao động được yêu cầu làm việc từ xa, đồng thời các trường học cũng chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến, chỉ có trẻ mẫu giáo và trẻ từ lớp 1 đến lớp 3 được học tại trường.

Các bệnh viện tại Latvia đã phải tạm dừng tiếp nhận các bệnh nhân ung thư và các bệnh khác để tập trung nguồn lực chữa trị các bệnh nhân COVID-19 nặng.

Hồi đầu tháng này, Latvia cũng đã ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia trong 3 tháng để thúc đẩy quy định đeo khẩu trang và tiêm phòng.

Thủ tướng Israel họp khẩn với giới chức y tế về biến thể AY4.2

Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã họp khẩn với giới chức y tế nước này ngay trong đêm 20/10 để thảo luận biến thể phụ của chủng Delta.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Thủ tướng Bennett yêu cầu tăng cường điều tra dịch tễ đối với biến thể phụ, yêu cầu liên lạc chặt chẽ với các nước đã phát hiện biến thể phụ này. Theo ông Bennett, Israel sẽ cân nhắc thay đổi các yêu cầu nhập cảnh đối vớ du khách.

Trước đó cùng ngày, quan chức cấp cao Bộ Y tế Israel, Nachman Ash cho biết biến thể AY4.2 dễ lây lan hơn biến thể Delta gốc, nhưng chưa đáng lo ngại.

Hôm 19/10, Bộ Y tế Israel xác nhận nước này đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY4.2. Ca nhiễm là một bé trai 11 tuổi, được phát hiện khi xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế Ben Gurion, ngoại ô Tel Aviv, khi vừa về nước từ Moldova.

Thành phố Melbourne (Úc) chuẩn bị dỡ bỏ đợt phong tỏa dài nhất thế giới 

Từ ngày 22/10, thành phố Melbourne, thành phố lớn thứ 2 tại Úc, sẽ kết thúc 262 ngày phong tỏa, quãng thời gian phong tỏa lâu nhất trên thế giới, khi  tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của bang Victoria đạt mục tiêu 70%.

Hàng triệu người dân thành phố Melbourne đang chờ đợi đến thời điểm thành phố dỡ phong tỏa sau 24h ngày 21/10, trong khi đó các nhà hàng, quán rượu, tiệm cà phê cũng đang gấp rút chuẩn bị để mở cửa trở lại tiếp đón những khách hàng đã tiêm chủng đầy đủ. Theo quy định mới, kể từ 0h ngày 22/10, các cơ sở kinh doanh đồ uống nói trên sẽ được phép phục vụ trong nhà tối đa 20 khách đã tiêm đủ liều và 50 khách ở ngoài trời, trong khi các hiệu làm tóc được phép đón tiếp tối đa 5 người.

Thành phố Melbourne đã phải trải qua đợt phong tỏa lần thứ 6 kể từ đầu tháng 8/2021 nhằm dập tắt dịch COVID-19 bùng phát do biến thể siêu lây nhiễm Delta. Giới chức đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trước khi nơi lỏng các quy định hạn chế tại bang.

Theo truyền thông Úc, tính đến ngày 21/10, hơn 5 triệu người dân thành phố đã thực hiện lệnh phong tỏa trong tổng cộng 262 ngày, tương đương gần 9 tháng kể từ tháng 3/2020. Đây là khoảng thời gian phong tỏa dài nhất thế giới, vượt qua thủ đô Buenos Aires của Argentina với thời gian 234 ngày. Trước đó, chính quyền bang Victoria cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đối với người trên 16 tuổi đạt 70 %.

Ngày 21/10, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã ghi nhận nỗ lực phòng chống dịch tại bang Victoria và cho biết sẽ thực hiện lộ trình nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch dựa trên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại bang này, ít nhất là từ 80% trở lên.

Úc đã từ bỏ chiến lược “zero COVID-19” và đang dần hướng tới “sống chung với COVID-19” nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng cao khi làn sóng COVID-19 thứ 3 bùng phát do biến chủng Delta kể từ giữa tháng 6 vừa qua.

Đến nay, Úc ghi nhận khoảng 152.000 ca mắc COVID-19 và 1.590 ca tử vong, con số tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác.

Singapore ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay

Ngày 20/10, giới chức Singapore cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế của nước này rơi vào tình trạng quá tải do số ca nhiễm mới không ngừng gia tăng.

Theo Bộ Y tế Singapore, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 18 ca tử vong do mắc COVID-19 – mức cao nhất từ trước tới nay và 3.862 ca mắc mới, thấp hơn chút ít so với mức cao kỷ lục 3.994 ca ghi nhận một ngày trước đó. Đáng chú ý, Singapore là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao trong khu vực và thế giới, với hơn 80% dân số đã tiêm chủng.

Phát biểu trước khi nhà chức trách Singapore công bố số ca mắc mới COVID-19 và tử vong, ông Lawrence Wong, đồng điều phối chương trình phòng, chống COVID-19 quốc gia, cho biết gần 90% các giường bệnh cách ly trong hệ thống bệnh viện tại nước này và hơn 70% số giường trong khoa chăm sóc tích cực đã được sử dụng. Quan chức này cho rằng vấn đề hiện nay không chỉ đơn giản là bổ sung giường bệnh hay mua thêm trang thiết bị mà là nhân viên y tế đang quá tải và dần kiệt sức

Các ca nhiễm mới đã gia tăng trong thời gian gần đây tại Singapore sau khi chính phủ nước này nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore không thể kéo dài biện pháp đóng cửa và nước này cần chuyển từ chiến lược “Zero COVID-19” với các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới sang biện pháp tiến cận “sống chung an toàn với COVID-19”.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, ngày 20/10, Chính phủ Singapore thông báo kéo dài lệnh giãn cách xã hội tại nước này thêm 1 tháng để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và giảm áp lực đối với hệ thống y tế.

Trước đó, cuối tháng 9, Singapore đã tái áp dụng các biện pháp phòng dịch, trong đó có hạn chế tiếp xúc xã hội và giới hạn số người được phép ăn cùng nhau tại các nhà hàng ở mức hai người, để làm giảm tốc độ lây nhiễm virus. Tuy nhiên, số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia này thời gian qua vẫn tiếp tục tăng và đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 3.994 ca vào ngày 19/10.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: