Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 28/2, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1.104.884 ca mắc COVID-19 mới và 4.026 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 388.840.248 ca, trong đó có khoảng 5.492.319 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par StreetVJ/Shutterstock)

Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 136.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 700 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 28/2, thế giới có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 68 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh. Trong ngày 28/2, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 80.000 ca) cao nhất khu vực Đông Nam Á và thứ 2 châu Á.

CDC Mỹ: Làn sóng dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh trong 2 tuần tới

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã tập hợp các dự báo cho thấy làn sóng dịch tại Mỹ sẽ lên đỉnh trong 2 tuần tới, với số ca mắc mới lên tới 800.000 ca/ngày trước khi giảm mạnh và số ca tử vong cũng lên mức 3.000 ca/ngày vào tháng 2, gần gấp đôi mức hiện nay.

Ở một diễn biến khác, tiểu bang New York quyết định chấm dứt quy định đeo khẩu trang tại các trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em từ ngày 2/3. Các quy định mới được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 25/2 đã nới lỏng hướng dẫn về việc đeo khẩu trang trong nhà trên hầu hết cả nước. Hướng dẫn mới nhất cơ quan này liên quan đến môi trường học đường khuyến nghị chỉ nên đeo khẩu trang ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao, thay vì sử dụng biện pháp phòng dịch này ở mọi nơi.

Thị trưởng New York Eric Adams ngày 27/2 cho biết thành phố sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang học đường vào ngày 7/3 nếu không có “đột biến” trong các ca COVID-19 từ nay đến ngày 4/3.

New Zealand dỡ bỏ quy định bắt buộc cách ly tại khách sạn với công dân trở về từ nước ngoài

Đây là lần đầu tiên sau gần 2 năm, người New Zeland từ nước ngoài về nước mà không cần phải cách ly bắt buộc tại các khách sạn, vừa tốn kém vừa thiếu chỗ.

Theo kế hoạch ban đầu, người trở về vẫn phải tự cách ly, tuy nhiên, trong phát biểu mới bà Adern cho biết sẽ không có yêu cầu này. Bên cạnh đó, Thủ tướng New Zealand cũng thông báo sẽ đẩy nhanh quá trình mở trở lại biên giới với mọi du khách, nhưng chưa công bố thời gian cụ thể. Bà Adern cho biết hiện nay biến thể Omicron đã lan rộng trong cộng đồng nên việc hạn chế tại biện giới không còn phát huy nhiều tác dụng như trước, do đó việc dỡ bỏ hạn chế sẽ được đẩy nhanh.

Úc ghi nhận hơn 15.000 ca mắc COVID-19 mới

Nước láng giềng Úc ngày 28/2 ghi nhận hơn 15.000 ca mắc mới COVID-19 và 12 ca tử vong. Trong tuần qua, mỗi ngày Úc ghi nhận trung bình 23.082 ca mắc mới. Hiện nước này có 1.995 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó có 137 người trong khu điều trị đặc biệt.

Trong đó, bang Tây Úc (WA) ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh bang này chuẩn bị mở cửa trở lại. WA ghi nhận 1.136 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới vượt mức 1.000 ca/ngày. Hiện bang này ghi nhận tổng cộng 5.540 ca mắc. WA vẫn duy trì một số biện pháp ngăn chặn đi lại với các bang khác và mới chỉ bắt đầu nới lỏng các hạn chế ở ranh giới với các bang từ tuần trước.

Theo kế hoạch, bang này sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 3/3. Ngoài ra, vùng Nothern Territory của Úc chuẩn bị dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trong vài ngày tới, giống như các bang khác như New South Wales, Victoria và Vùng Thủ đô (Úc Capital Territory).

Nhật Bản cân nhắc gia hạn các biện pháp phòng dịch

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp xu hướng giảm nhưng tốc độ giảm khá chậm, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 10 tỉnh thành, trong đó có thủ đô Tokyo.Theo dự kiến, Thủ tướng  Kishida Fumio sẽ trao đổi với thống đốc các tỉnh, thành đó để tìm hiểu về tình hình dịch bệnh và tham vấn với các chuyên gia y tế trước khi đưa ra quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm khoảng 2 tuần trước thời điểm các biện pháp này hết hạn vào ngày 6/3 tới.

Trước đó, Thủ tướng Kishida đã nói rằng Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm trước thời hạn nếu số ca lây nhiễm biến thể Omicron tiếp tục giảm.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: