Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 26/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 320.000 ca mắc COVID-19 mới và 4.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 223.149.953 ca, trong đó có khoảng 4.521.595 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par StreetVJ/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu thế giới với 32.417 ca nhiễm mới; tiếp theo là Ấn Độ (27.022 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (25.861 ca). Trong khi đó, Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 805 người thiệt mạng; tiếp theo là Mexico (596 ca) và Iran (288 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 43.750.920 người, trong đó có 706.313 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.678.243 ca nhiễm, bao gồm 447.225 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 21.351.972 ca bệnh và 594.443 ca tử vong.

Nhật Bản: Thủ tướng Suga lạc quan khả năng gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp; thuốc điều trị COVID-19 có thể được sử dụng ngay trong năm nay

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã bày tỏ lạc quan về khả năng gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, vốn đang được áp đặt tại nhiều tỉnh, thành ở nước này cho đến cuối tháng nhằm phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời khẳng định tình hình dịch bệnh đang có tín hiệu cải thiện.

Phát biểu với báo giới tại Washington, một ngày sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ (gồm Úc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản), Thủ tướng Suga nhấn mạnh tình hình đang diễn biến theo chiều hướng tốt hơn. Theo ông, hiện số ca mắc mới ở Nhật Bản đã giảm xuống chỉ còn khoảng 3.000 ca/ngày so với thời điểm lên tới khoảng 25.000 ca/ngày. Thủ tướng Nhật Bản cho biết muốn đưa ra quyết định về việc gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sau khi tham khảo ý kiến của giới chuyên gia.

Bên cạnh đó Thủ tướng Suga cũng thông báo thuốc uống điều trị COVID-19 có thể được sử dụng ngay trong năm nay.

Hôm 9/9, Nhật Bản đã quyết định gia hạn áp dụng tình trạng khẩn cấp tại 19 địa phương và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với 8 địa phương đến ngày 30/9.

Hàn Quốc không thay đổi lộ trình hồi phục theo giai đoạn

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum tuyên bố quốc gia này vẫn kiên định lộ trình theo từng giai đoạn để trở lại cuộc sống bình thường bắt đầu từ cuối tháng 10 tới, bất chấp sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới đây ở trong nước.

Thủ tướng Kim Boo-kyum đưa ra phát biểu trên tại một diễn đàn, trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách đẩy nhanh trở lại cuộc sống bình thường dựa trên tiến độ của chiến dịch tiêm chủng và các doanh nghiệp nhỏ đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài.

Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết: “Vào cuối tháng 10, khoảng 70% dân số Hàn Quốc sẽ được tiêm chủng đầy đủ. Điều đó có nghĩa là không gian cho virus sẽ bị thu hẹp lại rất nhiều. Sau đó, chúng ta sẽ có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo”. Tuy nhiên, ông cho rằng mọi người vẫn nên chấp nhận những bất tiện như đeo khẩu trang ngay cả khi giai đoạn trở lại cuộc sống bình thường bắt đầu.

Pháp tăng gấp đôi cam kết viện trợ vắc-xin COVID-19 cho các nước nghèo

Trong một tuyên bố qua video phát tại buổi hòa nhạc Công dân toàn cầu tại Paris ngày 25/9, Tổng thống Emmanuel Macron cam kết Pháp sẽ tăng gấp đôi số vắc-xin ngừa COVID-19 viện trợ cho các nước nghèo hơn lên con số 120 triệu liều. Hôm 22/9, Mỹ thông báo tăng gấp đôi viện trợ vắc-xin ngừa COVID-19, lên tổng cộng 1,1 tỷ liều. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cam kết phân phối 500 triệu liều vắc-xin.

Úc mở cửa biên giới khi tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt 80%

Ngày 26/9, Thủ tướng Úc Scott Morrison hy vọng các bang sẽ mở cửa biên giới và nới lỏng các hạn chế khi tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đạt 80%. Thủ tướng Morrison nhấn mạnh mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của riêng mình, đồng thời bày tỏ mong muốn cuộc sống bình thường trở lại vào Giáng sinh.

Trong 24 giờ qua, bang Victoria – bang đông dân nhất của Úc, đã ghi nhận thêm 779 ca mắc COVID-19, giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục 847 ca trước đó 1 ngày. Tuy nhiên, đây vẫn là ngày có số ca mắc mới cao thứ 2 tại bang kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại bang New South Wales (NSW) – bang đông dân nhất của nước này đã có những tín hiệu tích cực. Số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng đã giảm ngày thứ 3 liên tiếp xuống còn 961 ca – mức thấp nhất trong gần 1 tuần, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tăng lên.

Hiện cả NSW và Victoria đều đang chật vật khống chế sự lây lan của biến thể Delta, trong khi đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân nhằm đạt tỷ lệ 80% tổng số người dân được tiêm chủng – điều kiện để nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Theo kế hoạch, nhà chức trách NSW sẽ hoàn tất việc đưa ra lộ trình tiếp theo sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% cho người dân. Theo giới chức Úc, những người chưa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ vẫn bị hạn chế trong việc đi lại, tham gia các sự kiện thể thao, đến quán rượu, nhà hàng, cho đến khi 90% tổng số người trưởng thành tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19.

Ireland bỏ cách ly bắt buộc tại khách sạn đối với du khách

Trong khi đó, Ireland đã ngừng việc áp dụng cách ly bắt buộc tại khách sạn đối với du khách nhập cảnh nước này, trong bối cảnh nước này vẫn đang nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng ngừa COVID-19.

Kể từ cuối tháng 3, Chính phủ Ireland đã đưa ra danh sách các nước phải cách ly bắt buộc trong 2 tuần tại khách sạn khi nhập cảnh nước này. Bên cạnh đó, những người không đáp ứng các quy định nhập cảnh, như có xét nghiệm PCR âm tính cũng phải cách ly tại khách sạn. Tuy nhiên, ngày 25/9, Bộ Y tế Ireland đã quyết định xóa bỏ danh sách trên dựa trên đề nghị của lực lượng chức năng.

Hầu hết các hạn chế phòng, chống dịch bệnh cũng đã được gỡ bỏ. Bộ trưởng Y tế Stephen Donnelly đã bỏ khuyến cáo người dân nên làm việc ở nhà. Ireland đã mở cửa trở lại sau khi đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cao, với hơn 90% số người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ.

Singapore siết chặt trở lại giãn cách xã hội do số ca nhiễm tăng mạnh

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao trở lại, giới chức Singapore đã quyết định quay trở lại giai đoạn “Cảnh báo tăng cường”, theo đó thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội trong vòng 1 tháng nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm gia tăng làm quá tải hệ thống y tế.

Theo đó, kể từ hôm nay 27/9, Singapore áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách trong giai đoạn “Cảnh báo tăng cường”. Các biện pháp này kéo dài đến 24/10.

Kể từ khi Singapore bắt đầu mở cửa nền kinh tế theo 4 giai đoạn, trong đó Giai đoạn 1 là giai đoạn chuẩn bị bắt đầu từ ngày 10/8 (tới nay chưa chuyển sang Giai đoạn 2), số ca lây nhiễm đã tăng từ mức bình quân 100 ca/ngày lên hơn 1.000 ca/ngày trong tuần qua. Ngày 23/9, Singapore ghi nhận 1.504 ca nhiễm mới, trong đó có 1.218 ca trong cộng đồng, 273 ca trong các khu nhà ở của công nhân và 13 ca nhập cảnh. Tình trạng quá tải trong ngành y tế đã diễn ra và nhiều người mắc COVID-19 không thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc đầy đủ.

Với giai đoạn “Cảnh báo tăng cường”, Singapore sẽ giới hạn tụ tập theo nhóm 2 người tại các địa điểm ăn uống (trước là 5 người), làm việc tại nhà sẽ trở thành “mặc định” đối với tất cả các vị trí có thể làm việc từ xa; học sinh tiểu học (dưới 12 tuổi, chưa tiêm vắc-xin) sẽ chuyển sang học trực tuyến trong 2 tuần tới. Tuy nhiên, các sự kiện tập trung vẫn duy trì số lượng trước đây, nhưng sắp xếp ngồi theo nhóm 2 người.

Ngoài thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội, Singapore cũng sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm mũi bổ sung (thứ 3) cho người trong độ tuổi từ 50-59 tuổi từ ngày 4/10 tới đây.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: