Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 19/3, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,1 triệu ca mắc COVID-19 mới và 2.900 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 416.525.116 ca, trong đó có khoảng 5.584.602 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: 1000 Words/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (381.329 ca), Đức (168.187 ca) và Pháp (98.101 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (495 ca), Hàn Quốc (319 ca) và Brazil (235 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,3 triệu ca mắc COVID-19 và trên 997.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 516.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 29,6 triệu ca mắc và trên 657.000 ca tử vong.

Giới chức y tế Mỹ cảnh báo làn sóng COVID-19 mới

Cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo rằng trong vài tuần tới, số ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ có thể gia tăng trở lại sau khi giảm dần trong thời gian gần đây.

Tiến sĩ Fauci nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong vài tuần tới xu hướng giảm dần số ca mắc mới sẽ phần nào chững lại, thậm chí còn có thể gia tăng”. Ông cho biết: “Liệu điều đó có dẫn đến một đợt tăng đột biến khác, hay có thể là một đợt tăng nhỏ hoặc trung bình hay không, những khả năng này vẫn chưa rõ ràng vì có rất nhiều diễn biến trong thời điểm hiện nay”.

Tại Mỹ, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm trong 2 tháng qua, với tỷ lệ phơi nhiễm mới ở mức hơn 30.000 ca/ngày. Dự báo của Tiến sĩ Fauci được đưa ra căn cứ vào trường hợp nước Anh, nơi mà những ca dương tính mới đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á mở cửa đón du khách quốc tế

Myanmar sẽ mở cửa đón các chuyến bay chở khách và nối lại các chuyến bay định kỳ từ ngày 17/4 tới sau khi đóng hoàn toàn biên giới từ tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19 hoành hành.

Trong thông báo ngày 19/3, Ủy ban Quốc gia về phòng, chống và điều trị COVID-19 của Myanmar cho biết hoạt động vận tải hàng không quốc tế được nối lại từ ngày 17/4 và quyết định này nhằm vực dậy ngành du lịch, khôi phục hoạt động kinh doanh và tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Myanmar.

Theo Bộ Y tế Myanmar, du khách nước ngoài sẽ phải cách ly trong một tuần, thực hiện hai lần xét nghiệm PCR và phải có giấy chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ.

Tại Indonesia, chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách phòng dịch COVID-19 vào ngày 21/3 với tuyên bố hủy bỏ các biện pháp kiểm dịch đối với khách du lịch quốc tế trong tháng 4 hoặc sớm hơn, sau khi áp dụng thử ở Bali.

Singapore cũng đề ra mục tiêu sớm mở cửa cho những khách du lịch tiêm phòng đầy đủ, như một phần của nỗ lực khôi phục lượng khách quốc tế lên mức ít nhất 50% của thời trước đại dịch trong năm nay.

PhilippinesMalaysia từ ngày 1/4 sẽ cho phép tất cả du khách đã tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 được nhập cảnh mà không cần cách ly y tế.

Nghiên cứu: Omicron tồn tại trên bề mặt đến 8 ngày, lâu gấp 3 lần biến thể khác

Các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản đã chỉ ra rằng biến thể Omicron có thể sống lâu hơn trên các bề mặt so với những biến thể khác.

theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố tuần trước, Omicron có thể tồn tại 193 giờ (hơn 8 ngày) trên bề mặt nhựa, lâu gấp 3 lần chủng virus corona gốc ở Trung Quốc (56 giờ), hay chủng Beta có nguồn gốc tại Nam Phi và Delta có nguồn gốc tại Ấn Độ.

Ngoài ra, nhóm nhà khoa vẫn tìm thấy biến thể Omicron trên bề mặt thuỷ tinh và thép không gỉ sau 7 ngày. Virus này tồn tại trên da khoảng 21 giờ, trong khi chủng gốc chỉ tồn tại chưa đến 8 giờ.

Họ cho rằng: “Cần có thêm bằng chứng để giải thích về việc Omicron có khả năng lây truyền gia tăng trong cộng đồng. Virus bám trụ lâu trên các bề mặt có thể là một trong những nguyên nhân tiềm tàng và cần giới chức cân nhắc khi đưa ra các biện pháp chống virus lây lan”.

Tuy vậy, các chuyên gia lưu ý người dân không cần quá lo ngại về phát hiện trên. Bởi lẽ, khả năng con người bị lây nhiễm do hít phải virus là cao hơn nhiều lần so với chạm vào các bề mặt bị nhiễm khuẩn.

Giáo sư y tế cộng đồng Leo Poon tại Đại học Hong Kong khuyến cáo người dân nên chú ý lau chùi các đồ vật mà họ thường xuyên cầm nắm như chuông cửa, nút bấm trong thang máy hay tay vịn cầu thang.

Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp loại Omicron là biến thể gây lo ngại vì nó lây truyền mạnh hơn so với các biến thể khác của COVID-19, cũng như có thể lẩn tránh vắc-xin. Tuy nhiên, nó được cho là gây triệu chứng nhẹ hơn so với các chủng trước đây.

Phan Anh (tổng hợp)