Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 7/10, thế giới ghi nhận thêm khoảng 420.000 ca mắc COVID-19 mới và 7.300 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 227.047.407 ca, trong đó có khoảng 4.585.980 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: lakshmiprasada S/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 83.000 ca), Anh (40.701 ca), và Thổ Nhĩ Kỳ (30.019 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.498 ca), Nga (924 ca) và Mexico (713 ca).

Như vậy, Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới. Tới nay, Mỹ đã ghi nhận gần 50 triệu ca mắc, trong đó trên 729.000 ca tử vong.

Thụy Điển, Đan Mạch tạm dừng tiêm vắc-xin của Moderna cho thanh niên

Sau khi có báo cáo về các tác dụng phụ hiếm gặp có thể xảy ra, Đan Mạch và Thụy Điển đã tạm ngừng sử dụng vắc-xin sản xuất theo công nghệ mRNA của Moderna.

Trong thông báo, Thụy Điển cho biết sẽ ngừng tiêm vắc-xin của Moderna đối với những người sinh sau năm 1991 sau khi dữ liệu cho thấy tình trạng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim gia tăng ở những thanh niên đã được tiêm phòng. Theo cơ quan y tế Thụy Điển, mối liên hệ này đặc biệt rõ ràng đối với vắc-xin Spikevax của Moderna, đặc biệt là sau mũi tiêm thứ 2.

Trong khi đó, nhà chức trách Đan Mạch thông báo tất cả những người dưới 18 tuổi sẽ không được tiêm vắc-xin của Moderna. Những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin của Moderna sẽ không tiêm mũi thứ 2 bằng vắc-xin này.

Người phát ngôn của Moderna cho biết công ty này đã biết thông tin nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch quyết định tạm dừng tiêm vắc-xin của hãng này cho thanh niên nguy cơ hiếm gặp của viêm cơ tim và hoặc viêm màng ngoài tim. Tuyên bố nêu rõ những người bị tác dụng phụ thường nhẹ và có xu hướng phục hồi trong một thời gian ngắn sau khi được điều trị và nghỉ ngơi.

Đầu tuần này, chính quyền Thụy Điển thông báo chỉ tiêm vắc-xin của Pfizer cho những người từ 12 đến 15 tuổi.

Anh tiếp tục nới lỏng quy định đi lại với nhiều nước

Anh thông báo từ ngày 11/10 tới sẽ dỡ bỏ yêu cầu cách ly phòng dịch COVID-19 đối với du khách đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nằm trong “danh sách đỏ”.

Danh sách đỏ của chính phủ Anh gồm các nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao, theo đó những người đến từ các quốc gia này phải cách ly 10 ngày tại khách sạn do chính phủ chỉ định, đồng thời phải thực hiện xét nghiệm PCR và các xét nghiệm khác. Các chi phí này thậm chí cao chi phí cho một chuyến bay.

Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps ngày 7/10 cho biết 47 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ được loại khỏi danh sách đỏ và sẽ chỉ còn lại 7 quốc gia trong danh sách này, trong đó có Colombia, Ecuador, Panama và Venezuela.

Ấn Độ mở cửa cho du khách từ ngày 15/10

Bộ Nội vụ Ấn Độ ngày 7/10 thông báo nước này sẽ bắt đầu mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài nhập cảnh thông qua các chuyến bay thuê bao từ ngày 15/10 tới, sau hơn 1 năm đóng cửa do đại dịch COVID-19.

Thông cáo của bộ trên cho biết: “Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, bộ đã quyết định bắt đầu cấp Thị thực Du lịch mới cho khách nước ngoài đến Ấn Độ thông qua các chuyến bay thuê bao từ ngày 15/10”. Thông cáo cũng nêu rõ khách nhập cảnh Ấn Độ trên các chuyến bay khác với máy bay thuê bao sẽ chỉ được phép nhập cảnh từ ngày 15/11.

Theo bộ trên, khách du lịch nước ngoài và các hãng hàng không vận chuyển họ đến Ấn Độ đều phải tuân thủ tất cả các quy định và chuẩn mực liên quan đến phòng dịch COVID-19 của Bộ Y tế liên bang.

Trước đó, hoạt động thị thực được cấp cho người nước ngoài đã phải tạm ngừng tại Ấn Độ từ năm 2020, khi dịch COVID-19 khiến chính phủ nước này phải áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt. Sau này, các hạn chế đối với một số người nước ngoài như nhà ngoại giao và doanh nhân đã được dỡ bỏ, nhưng hạn chế đối với khách du lịch vẫn còn hiệu lực.

Đầu năm nay, Ấn Độ đã chứng kiến một làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng với 400.000 ca nhiễm và 4.000 ca tử vong mỗi ngày. Tuy nhiên, số ca nhiễm tại đất nước có 1,3 tỷ dân này đã giảm đáng kể xuống còn 20.000 ca/ngày và 200-300 ca tử vong/ngày. Tình hình dịch bệnh được cải thiện khiến nhà chức trách quyết định mở cửa cho du lịch nhằm vực dậy nền kinh tế.

Pfizer/BioNTech xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi

Ngày 7/10, các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã chính thức đệ trình hồ sơ lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ để xin cấp phép tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của các hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng đầy đủ tại Mỹ hồi tháng 8, do đó về mặt kỹ thuật, vắc-xin này sẽ có sẵn cho trẻ em nếu được bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ đã cảnh báo cần có dữ liệu an toàn để cho phép.

Pfizer/BioNTech cũng đang thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 với trẻ sơ sinh từ 6 tháng đến 2 tuổi và trẻ em từ 2-5 tuổi. Dữ liệu ban đầu đối với các nhóm này có thể được đưa ra ngay sau quý IV.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: