Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 13/2, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,4 triệu ca mắc COVID-19 mới và 5.228 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 366.231.362 ca, trong đó có khoảng 5.383.548 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par kandl stock/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Nga dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 197.949 ca nhiễm mới; Đức đứng thứ 2 với 108.216 ca; tiếp theo là Pháp (86.562 ca). Nga cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 706 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Mexico (579 ca) và Ấn Độ (378 ca).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 79.317.610 người, trong đó có 943.253 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.664.712 ca nhiễm, bao gồm 509.043 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 27.479.963 ca bệnh và 638.362 ca tử vong.

Anh giám sát biến thể lai “Deltacron”

Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết giới chức y tế nước này tuần vừa qua đã chính thức giám sát biển thể Deltacron, được cho là lai giữa 2 biến thể Delta và Omicron, sau khi ghi nhận 1 bệnh nhân nhiễm biến thể này.

Theo tờ Mirror, biến thể lai này được cho là xuất hiện ở bệnh nhân đã nhiễm cả 2 biến thể Delta và Omicron cùng một lúc, tuy nhiên hiện chưa rõ việc đột biến xảy ra đầu tiên tại Anh hay ở nước khác.

Tháng trước, nhà virus học Leondios Kostrikis thuộc Đại học Cypress cho biết ông đã nhận dạng được Deltacron. Sau đó nhiều chuyên gia không công nhận đây là biến thể lai mà cho rằng Deltacron có thể chỉ là sản phẩm của sai sót nào đó hoặc hiện tượng nhiễm chéo trong phòng thí nghiệm.

Theo cập nhật ngày 11/2 của Cơ quan An ninh Y tế Anh, biến thể kết hợp giữa Delta và Omicron hiện đang được “giám sát và điều tra”. Hai biến thể gốc đều được công nhận là lây lan nhanh, tuy nhiên chưa rõ biến thể lai có thể lây lan mạnh ra sao và bằng cách nào. Cơ quan này không cho biết có phát hiện biến thể lai ở các bệnh nhân khác hay không.

Tờ Daily Mail cho biết Cơ quan An ninh Y tế Anh hiện không đặc biệt quan ngại về biến thể này vào thời điểm hiện tại vì số ca không nhiều. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Paul Hunter thuộc Đại học East Anglia nhận định Deltacron không đặt ra quá nhiều nguy cơ do đa số người dân đã tiêm phòng vắc-xin hoặc có mức độ miễn dịch nhất định sau khi nhiễm COVID-19.

Na Uy dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng dịch COVID-19

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cũng đã thông báo sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng dịch đang áp dụng hiện nay vì COVID-19 không còn được coi là một mối đe dọa lớn ở Na Uy dù biến thể Omicron vẫn đang lây lan mạnh tại quốc gia Bắc Âu này. Ông Stoere lý giải cho quyết định mới là người dân Na Uy đã có sự bảo vệ mạnh mẽ của vắc-xin và tỷ lệ nhập viện vẫn thấp dù Omicron đang lây lan.

Singapore: Số ca mắc COVID-19 mới có thể lên tới 20.000 ca/ngày

Số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Singapore có thể lên tới 15.000-20.000 ca do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cảnh báo như trên ngày 13/2, tuy nhiên khẳng định xu hướng gia tăng số ca mắc hiện nay hoàn toàn nằm trong dự kiến.

Ngày 12/2, Singapore ghi nhận 10.505 ca mắc mới, đánh dấu lần thứ 4 trong tuần qua số ca mắc theo ngày vượt ngưỡng 10.000 ca. Số ca tử vong là 8, cao nhất trong hơn 2 tháng qua.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Ong cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe của Singapore vẫn vững vàng. Ông nói: “Tỷ lệ bệnh nhân phải thở máy không thay đổi, vẫn là 0,3%. Tỷ lệ bệnh nhân cần điều trị tích cực (ICU) hoặc tử vong là khoảng 0,05%. Những con số này vẫn thấp hơn so với đợt bùng phát do biến thể Delta, do đó hệ thống y tế vẫn đứng vững”. Theo ông, nhiều bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc vừa.

Tính từ đầu dịch đến ngày 12/2, Singapore ghi nhận 460.075 ca mắc COVID-19, trong đó có 893 ca tử vong.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: