Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 24/3, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1.568.999 ca mắc COVID-19 mới và 4.335 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 423.016.331 ca, trong đó có khoảng 5.603.614 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par kandl stock/Shutterstock)

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 24/3, thế giới có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.

Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 395.000 ca), đồng thời nước này cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 470 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn.

Ngày 24/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 24 triệu trường hợp và 397.407 ca tử vong. Cùng ngày, Việt Nam có số ca mắc mới (120.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Philippines ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (208 ca).

Mỹ: Giới chức trách lo ngại dịch COVID-19 bùng phát trở lại

Tại Mỹ, giới chức lo ngại dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều khu vực ở miền Đông Bắc trong bối cảnh dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang là biến thể chủ đạo gây bệnh tại nước này. Hiện trung bình mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận 28.600 ca mắc mới, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm lần gần đây nhất là hơn 800.000 ca/ngày trong tháng 1 vừa qua.

Số ca tử vong hiện ở mức trung bình khoảng 900 ca/ngày. Theo các nhà khoa học, BA.2 dường như không gây bệnh nặng hơn so với biến thể Omicron ban đầu cũng như dòng phụ BA.1 của biến thể này, nhưng dễ lây lan hơn. Số ca nhiễm BA.2 hiện chiếm 35% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Mỹ và nhiều khả năng đây sẽ sớm trở thành biến thể chủ đạo ở quốc gia này.

Ba Lan sẽ gỡ bỏ phần lớn quy định hạn chế COVID-19

Ba Lan ngày 24/3 thông báo sẽ gỡ bỏ phần lớn các quy định đeo khẩu trang và cách ly. Theo Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielsky, việc đeo khẩu trang sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc khi đến các không gian kín, tất cả người nhập cảnh và những người ở cùng phòng với người mắc COVID-19 sẽ không bị yêu cầu tự cách ly tại nhà. Hai quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 28/3, ngoại trừ đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Bộ trưởng Y tế cũng cho biết cuộc khủng hoảng người di cư liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine không làm gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Ba Lan, dù rằng đến nay đã có hơn 2 triệu người sơ tán sang nước này kể từ ngày 24/2.

Israel hoãn việc gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch bệnh

Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 24/3 đã quyết định hoãn gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 thêm 1 tháng theo đề xuất của Bộ Y tế nước này trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh.

Trước đó, Nội các Israel đã dự định sẽ dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 kể từ ngày 1/4 tới. Theo quyết định mới, nước này sẽ tiếp tục kéo dài các biện pháp phòng dịch hiện hành đến ngày 1/5 tới.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Bennett đã họp với Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz và lãnh đạo các trung tâm y tế lớn nhằm thảo luận về tình hình gia tăng số ca mắc COVID-19 gần đây, cũng như sự xuất hiện của biến thể phụ BA.2 của biến chủng Omicron.

Nhật Bản phê duyệt sử dụng vắc-xin COVID-19 của Pfizer để tiêm mũi thứ 3 cho trẻ 12-17 tuổi

Quyết định trên được đưa ra sau khi hội đồng xem xét các dữ liệu tiêm chủng ở những nước đã bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em như Israel và Mỹ. Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi vào tháng 4 tới, với hy vọng việc tiêm mũi thứ 3 sẽ có hiệu quả trước biến thể Omicron có khả năng lây lan cao. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản tiếp tục giảm cho dù còn khá chậm. Ngày 23/3, Nhật Bản ghi nhận 41.038 ca nhiễm mới, giảm 16.800 ca so với một tuần trước đó, và 122 ca tử vong.

Singapore thông báo nới lỏng thêm một số biện pháp phòng dịch

Theo đó, chính quyền sở tại quyết định gỡ bỏ hầu hết các hạn chế đối với du khách nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 và bãi bỏ quy định phải đeo khẩu ở các địa điểm ngoài trời.

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên chuyển sang chiến lược sống chung an toàn với COVID-19, song tốc độ triển khai các kế hoạch nới lỏng được tiến hành chậm lại do xuất hiện thêm nhiều đợt bùng phát dịch. Hiện làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron tại quốc gia Đông Nam Á này đã bắt đầu lắng dịu. Vào thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng này hồi tháng 2 vừa qua, Singapore ghi nhận số ca mắc cao nhất trong 1 ngày với 26.000 ca. Tuy nhiên, ngày 23/3, số ca mắc mới tại đây đã giảm xuống còn khoảng 9.000 ca/ngày. Khoảng 92% trong tổng số 5,5 triệu dân tại Singapore đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và 71% đã tiêm mũi thứ 3.

Phan Anh (tổng hợp)