Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 10/11, thế giới ghi nhận thêm khoảng 424.103 ca mắc COVID-19 mới và 5.969 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 239.688.017 ca, trong đó có khoảng 4.783.227 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par bmszealand/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 10/11, thế giới có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Mỹ: Pfizer đề nghị mở rộng đối tượng cấp phép tiêm liều vắc-xin bổ sung

Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) đã chính thức gửi đề nghị tới giới chức Mỹ về việc cấp phép sử dụng liều tiêm tăng cường vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng này cho những người trên 18 tuổi. Trước đó, Pfizer cũng đã yêu cầu Mỹ phê duyệt liều tiêm tăng cường đối với mọi người dân từ 16 tuổi trở lên. Hiện Pfizer cũng đang xin cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi ở Brazil và Nhật Bản.

Pháp hoãn việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch

Pháp yêu cầu những người trên 65 tuổi xuất trình giấy chứng nhận về liều tiêm tăng cường vắc-xin ngừa COVID-19 nếu muốn tới các nhà hàng, tham dự các sự kiện văn hóa và đi tàu liên tỉnh. Tuy tình hình tại Pháp có vẻ khả quan hơn so với tại Đức hay Anh, nhưng tỷ lệ lây nhiễm đã tăng 40% so với tuần trước đó. Để kiểm soát làn sóng thứ 5 của dịch bệnh, Chính phủ Pháp cũng đã thông báo hoãn việc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa COVID-19 vốn đã được lên kế hoạch từ trước.

Pháp đã tiêm hơn 100 triệu liều trong vòng 10 tháng, và 51 triệu người Pháp hiện đã tiêm chủng đầy đủ. Pháp sẽ triển khai một chiến dịch tiêm bổ sung vào đầu tháng 12 tới, cho những người từ 50-64 tuổi, song song với chiến dịch tiêm liều bổ sung cho người trên 65 tuổi.

Ý sẽ tiêm liều bổ sung cho những người 40-60 tuổi

Ngày 10/11, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza tuyên bố những người trong độ tuổi 40-60 tại nước này sẽ tiêm mũi vắc-xin bổ sung-19 kể từ ngày 1/12 tới.

Phát biểu tại phiên chất vấn tại Hạ viện, Bộ trưởng Speranza nói rằng mũi tiêm bổ sung là “chiến lược trong chiến dịch vắc-xin” của chính phủ. Hiện khoảng 83,7% người dân Ý đã tiêm đủ liều vắc-xin và 2,4 triệu người đã  tiêm mũi bổ sung. Ông Speranza cho biết: “Chúng tôi bắt đầu tiêm mũi bổ sung cho những người dễ bị nhiễm bệnh về mặt lâm sàng, các nhân viên y tế, những người trên 60 tuổi và những người đã tiêm vắc-xin của J&J”.

Hàn Quốc: Số ca mắc mới lần đầu tăng trở lại trên 2.400 ca/ngày

Số ca mắc mới tại Hàn Quốc lần đầu tiên tăng trở lại trên 2.400 ca sau khi nước này thực hiện chiến lược “Sống chung với COVID-19” kể từ ngày 1/11 vừa qua. Cụ thể, nước này ghi nhận 2.425 ca mới, trong đó 2.409 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 385.831 ca. Với thêm 14 ca COVID-19 không qua khỏi, số ca tử vong vì dịch bệnh này đã tăng lên thành 3.012 ca. Tỷ lệ tử vong là 0,78%.

Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo thời gian tới số ca mới hàng ngày có thể tiếp tục tăng cao khi thực hiện kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội nhằm đưa đất nước dần trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch. Hiện Hàn Quốc đã hoàn tất tiêm phòng 1 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 cho khoảng 41,68 triệu người, tương đương 81,2% dân số. Số người đã tiêm đầy đủ là 39,62 triệu người, tương đương 77,2% dân số.

Thái Lan chuẩn bị vắc-xin để đón người lao động nước ngoài trở lại

Ngày 10/11, Thái Lan thông báo sẽ dành khoảng 500.000 liều vắc-xin phòng COVID-19 để đón các lao động nước ngoài trở lại nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm lao động.

Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch cho phép người lao động từ các nước láng giềng như Myanmar, Campuchia và Lào trở lại quốc gia này từ tháng 12 tới. Hiện một số ngành xuất khẩu chủ yếu của Thái Lan như ngành chế biến thực phẩm và sản xuất cao su đang thiếu lao động.

Theo Bộ trưởng Lao động Thái Lan Suchart Chomklin, người lao động khi trở lại quốc gia Đông Nam Á này sẽ được yêu cầu cách ly 2 tuần và tiêm vắc-xin trong thời gian này. Người lao động cũng sẽ được xét nghiệm COVID-19 khi đến Thái Lan. Bộ trưởng Suchart Chomklin xác nhận Thái Lan đã chuẩn bị sẵn từ 400.000-500.000 liều vắc-xin để tiêm cho các lao động nhập cư. Bộ trên ước tính trước mắt nước này sẽ cần khoảng 420.000 lao động nhập cư.

Chính phủ Thái Lan cũng hy vọng việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát sẽ giúp ngăn chặn hoạt động đưa người lao động nhập cảnh trái phép nước này. Giới chức Thái Lan đã bắt giữ khoảng 11.000 người liên quan các vụ nhập cảnh trái phép trong tháng 10, tăng mạnh so với con số 1.456 người được ghi nhận cùng kỳ năm 2020.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: