Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 26/3, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,2 triệu ca mắc COVID-19 mới và 2.800 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 425.646.331 ca, trong đó có khoảng 5.610.414 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Oliverouge 3/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (335.479 ca), Đức (151.665 ca) và Pháp (139.517 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (395 ca), Hàn Quốc (323 ca) và Mexico (202 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,6 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 521.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 29,8 triệu ca mắc và trên 658.000 ca tử vong.

Số ca mắc COVID-19 tại Anh tiếp tục tăng cao

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), số ca mắc COVID-19 mới tại Anh đã tăng 1 triệu ca trong tuần kết thúc vào ngày 19/3 lên 4,3 triệu ca.

Dữ liệu của ONS cho hay kết quả xét nghiệm PCR cho thấy tỷ lệ mắc COVID-19 tại Anh hiện ở mức 1/16 người trong bối cảnh biến thể phụ BA.2 của Omicron lây lan nhanh tại nước này.

Tất cả các vùng của Anh, trừ Bắc Ireland, đều ghi nhận tỷ lệ ca mắc mới gia tăng, đặc biệt ở Scotland, nơi tỷ lệ mắc COVID-19 đạt kỷ lục mới với 1/11 người.

Vào tuần trước đó, số ca mắc COVID-19 tại Anh là 3,3 triệu ca.

Số liệu mới nhất này được cho là phản ánh chính xác nhất về tình trạng lây lan của virus corona trong cộng đồng.

Các chuyên gia cho biết số ca mắc mới tăng cao đồng nghĩa với việc số ca nhập viện do COVID-19 cũng sẽ tăng, mặc dù vắc-xin giúp ngăn chặn nhiều trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng.

Theo số liệu mới nhất, 17.440 bệnh nhân COVID-19 nhập viện vào ngày 24/3. Khoảng 50% trong số này nhập viện do nguyên nhân khác thay vì COVID-19, mặc dù xét nghiệm dương tính với virus corona. Tuy nhiên, chỉ hơn 300 người trong số này cần đến chăm sóc đặc biệt với máy thở.

Giám đốc y tế Anh, Giáo sư Chris Whitty, hồi đầu tuần cho biết mặc dù COVID-19 đang gây áp lực cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), tỷ lệ lây truyền cao của virus không gây nên nhiều ca chăm sóc đặc biệt và tử vong. Trong khi đó, số nhân viên y tế tại các các bệnh viện của NHS ở Anh phải nghỉ làm do mắc COVID-19 đã tăng 31% trong tuần tính đến ngày 13/3. Khoảng hơn 23.000 nhân viên tại các bệnh viện NHS- chiếm 2% tổng số nhân lực y tế của Anh- phải nghỉ làm do mắc COVID-19 hoặc đang tự cách ly.

Hiện những người từ 75 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch tại Anh có thể đăng ký tiêm mũi thứ 4 nhằm tăng khả năng bảo vệ trước COVID-19.

Số ca mắc COVID-19 tại Đức có thể gấp 2 lần so với thống kê

Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cho rằng số ca mắc COVID-19 tại nước này trên thực tế có thể gấp đôi so với con số thống kê.

Tại buổi họp báo, ông Lauterbach cho rằng còn nhiều ca mắc COVID-19 song không báo cáo. Theo thống kê Viện Robert Koch (RKI), trong vòng 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận 151.665 ca mắc mới. Tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong 7 ngày qua đã tăng nhẹ lên ở mức 1.756 trên mỗi 100.000 dân.

Bộ trưởng Lauterbach cho biết thêm số ca tử vong vẫn ở mức cao, khoảng 300 ca/ngày, và cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải là không thể chấp nhận được. Ông cho rằng trong tình hình hiện nay, không thể chờ đợi mà phải hành động để ứng phó với nguy cơ về y tế có thể xảy ra.

Ông Lauterbach bảo vệ quyết định nới lỏng biện pháp phòng dịch hiện nay ở Đức, song cũng kêu gọi chính quyền các bang tái áp đặt các biện pháp tại các điểm nóng về dịch bệnh.

Tính đến 24/3, gần 76% dân số Đức đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa COVID-19 và ít nhất 48,6 triệu người đã tiêm mũi thứ 3. Tuy nhiên, vẫn còn 19,5 triệu người tại nước này chưa tiêm vắc-xin.

WHO kêu gọi châu Phi không lơ là phòng dịch

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước châu Phi không lơ là cảnh giác với dịch bệnh COVID-19 sau khi nhiều nước tại đây đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, nêu rõ đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và các nước chỉ nên xem xét giảm bớt các biện pháp phòng ngừa một cách thận trọng. Việc gỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng không có nghĩa là không cần cảnh giác với dịch bệnh.

Tiến sĩ Moeti cũng bày tỏ lo ngại về việc một nửa số nước châu Phi đã ngừng truy vết các trường hợp nhiễm bệnh và hối thúc các nước trong khu vực đẩy mạnh tiêm chủng, dù số ca mắc mới đã giảm đáng kể từ mức đỉnh dịch hồi tháng 1 vừa qua.

Tính đến 27/3, toàn châu Phi ghi nhận trên 11,6 triệu ca mắc COVID-19 với khoảng 252.000 ca trong số này tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng nhìn chung rất thấp.

Phan Anh (tổng hợp)