Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 19/10, thế giới ghi nhận thêm khoảng 379.000 ca mắc COVID-19 mới và 6.564 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 231.223.806 ca, trong đó có khoảng 4.652.258 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Mongkolchon Akesin/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 54.876 ca nhiễm mới; tiếp theo là Anh (43.738) và Nga (33.740 ca). Nga liên tiếp đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.015 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Romani (561 ca tử vong); và Ukraine (538 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 45.967.190 người, trong đó có 748.223 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34.108.323 ca nhiễm, bao gồm 452.684 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 21.664.879 ca bệnh và 603.855 ca tử vong.

Mỹ: Bộ trưởng An ninh Nội địa mắc COVID-19

Ngày 19/10 (theo giờ địa phương), Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo người đứng đầu của cơ quan này, ông Alejandro Mayorkas, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Bộ trưởng Mayorkas được xác định mắc COVID-19 sau khi xét nghiệm theo quy trình trước khi đi công tác.

Ông Mayorkas đã tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin ngừa COVID-19. Hiện ông chỉ bị các triệu chứng nhẹ và phải cách ly và làm việc tại nhà. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Mayorkas sẽ có chuyến công du tới Colombia cùng  Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ông Mayorkas, 61 tuổi, là quan chức mới nhất trong chính quyền Mỹ thông báo nhiễm COVID-19 mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ. Trước đó, ngày 18/10, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin L. Powell đã qua đời do biến chứng của COVID-19 dù đã tiêm vắc-xin đầy đủ.

Nga sẽ nghỉ làm việc toàn liên bang để khống chế dịch 

Ngày 19/10, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova đã đề nghị 1 tuần không làm việc từ ngày 30/10-7/11, để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19. Bà Golikova đưa ra đề xuất trên tại cuộc họp của Hội đồng điều phối chính phủ phòng chống COVID-19. Bà cho hay đã đề xuất áp dụng biện pháp trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga và cũng thừa nhận đây là biện pháp khó khăn, song hy vọng chính phủ và người dân ủng hộ để nhanh chóng dập dịch.

Theo Bloomberg, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết Tổng thống Putin sẽ công bố nghỉ làm việc trên toàn quốc từ ngày 30/10 đến 7/11.

Cùng ngày, chính quyền thành phố Moskva cũng ban hành loạt biện pháp cứng rắn để kiểm soát dịch. Theo đó, từ ngày 25/10, những người từ 60 tuổi trở lên chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sẽ phải làm việc tại nhà; các doanh nghiệp, công sở buộc phải duy trì 30% số nhân viên làm việc từ xa.

Dự kiến, các biện pháp cứng rắn trên sẽ kéo dài đến ngày 25/2/2022. Những biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh nước Nga liên tiếp ghi nhận mức cao mới về số ca mắc và ca tử vong.

Hàn Quốc dự kiến áp dụng “thẻ vắc-xin”

Kế hoạch “Sống chung với COVID-19” được thúc đẩy sau khi chiến dịch tiêm chủng quốc gia ở Hàn Quốc được đẩy mạnh trong vài tháng qua. Tính đến ngày 18/10, 64,6% trong số 52 triệu người Hàn Quốc đã được tiêm đủ 2 mũi và 78,7% đã được tiêm mũi đầu tiên. Các nhà hàng vẫn mở cửa đón khách, song theo quy định hiện hành, quán ăn chỉ phục vụ tối đa 4 khách/bàn nếu khách đã tiêm đủ 2 mũi.

Kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường mới đang được Hàn Quốc triển khai một cách thận trọng và chính phủ dự kiến áp dụng “Thẻ vắc-xin”. Quy định này sẽ cho phép những người tiêm chủng đầy đủ được tiếp cận không hạn chế các dịch vụ, trước tiên là các sự kiện thể thao.

Việc “Sống chung với COVID-19” được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực của đại dịch kéo dài, ảnh hưởng tới tình trạng bất ổn tâm lý ở một bộ phận người dân, đồng thời giảm thiểu những thiệt hại tài chính mà dịch bệnh gây ra cho các doanh nghiệp nhỏ và giới thương nhân.

Theo các chuyên gia, miễn dịch cộng đồng có thể đạt được khi hơn 85% dân số Hàn Quốc được tiêm đủ liều vào đầu năm tới. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng quốc gia này nên chuẩn bị cho khả năng số ca mắc mới hằng ngày có thể tăng trở lại.

Singapore: Số bệnh nhân tăng gây áp lực lên các bệnh viện

Theo Straits Times, Bộ Y tế Singapore ngày 19/10 cho biết, số lượng bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) tiếp tục tăng, khiến các bệnh viện chịu áp lực và căng thẳng đáng kể.

Bộ trên kêu gọi mọi người, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh nền, rủi ro cao, cần hạn chế các hoạt động xã hội và chỉ ra ngoài vì các hoạt động thiết yếu.

Cùng ngày 19/10, 7 người Singapore, từ 57 đến 90 tuổi, đã tử vong vì các biến chứng liên quan đến COVID-19, nâng số người thiệt mạng lên 246.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: