Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 29/3, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,43 triệu ca mắc COVID-19 mới và 3.556 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 428.922.056 ca, trong đó có khoảng 5.618.640 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Khukeng/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 347.374 ca; Đức đứng thứ 2 với 237.858 ca; tiếp theo là Pháp (217.480 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 419 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Nga 339 ca và Đức với 331 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.672.941 người, trong đó có 1.004.747 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.023.010 ca nhiễm, bao gồm 521.131 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 29.882.397 ca bệnh và 659.241 ca tử vong.

Tây Ban Nha chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu

Ngày 28/3, Tây Ban Nha bước sang giai đoạn mới trong chiến lược ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó chính phủ quyết định gỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế từng được áp dụng để phòng dịch.

Theo đó, COVID-19 sẽ được coi là bệnh đặc hữu tại Tây Ban Nha. Giới chức Tây Ban Nha đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly 7 ngày với những người mắc bệnh nếu không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Những người này được khuyến nghị đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần với những người dễ chịu tổn thương nhưng vẫn được phép đi làm. Hình thức làm việc từ xa vẫn được khuyến khích áp dụng khi có thể. Yêu cầu cách ly vẫn có hiệu lực với một số trường hợp, giống như áp dụng với những ca nhiễm cúm thể nặng. Khán giả đến sân theo dõi các sự kiện thể thao sẽ được mang theo đồ ăn và thức uống như trước đây. Các biện pháp kiểm soát sẽ tập trung bảo vệ nhóm trên 60 tuổi hoặc có bệnh nền có nguy cơ cao trở nặng nếu nhiễm virus corona. Những người khỏe mạnh và ít tuổi hơn không cần phải thực hiện xét nghiệm PCR để xác nhận tình trạng nhiễm bệnh.

Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết đã thiết lập các cơ chế duy trì cảnh giác với dịch bệnh ở cấp độ châu Âu và tiếp nhận, cũng như chia sẻ thông tin dịch bệnh tại Tây Ban Nha cho các báo cáo và tài liệu nhằm đảm bảo luôn theo sát tình hình dịch tại Liên minh châu Âu (EU).

Thái Lan xem xét nới lỏng quy định nhập cảnh

Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan (MoTS) đang xem xét thay thế yêu cầu xét nghiệm RT-PCR sau khi nhập cảnh bằng xét nghiệm nhanh (ATK) có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Từ ngày 1/5, MoTS xem xét đề xuất cho phép khách du lịch vào Thái Lan nếu có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với corona trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. Theo quy định hiện hành, du khách nước ngoài muốn nhập cảnh vào Thái Lan phải đăng ký xin mã nhập cảnh (Thailand Pass), trong đó yêu cầu người nhập cảnh có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với virus corona trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh; đồng thời phải xét nghiệm RT-PCR trong ngày đầu tiên nhập cảnh và thêm 1 xét nghiệm ATK vào ngày thứ 5 lưu trú.

Tuy nhiên, MoTS sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh ở nước này để xem xét đưa ra quyết định cuối cùng. Theo đó, để tiếp tục thúc đẩy nội các thông qua đề xuất trên, số ca nhiễm mới trong ngày theo kết quả xét nghiệm ATK ở nước này không được vượt quá 60.000 ca, số ca tử vong theo ngày không vượt quá 100 người.

Thái Lan kỳ vọng sẽ đón khoảng 7 triệu du khách trong năm 2022, tạo ra thu về ít nhất 1.000 tỷ Baht (33 Tỷ USD) – bằng 30% tổng doanh thu du lịch của năm 2019.

“Omicron tàng hình” trở thành biến thể chủ đạo gây COVID-19 trên toàn cầu

Dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron của virus corona hiện là nguyên nhân chính gây ra các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu và châu Á, làm gia tăng lo ngại về khả năng bùng phát một đợt dịch mới tại Mỹ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), BA.2 hiện gây ra 86% tổng số ca mắc COVID-19 đã được giải trình tự gen virus gây bệnh. BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều so với “những họ hàng” của mình là BA.1 và BA.1.1. Tuy nhiên, cho đến nay các bằng chứng cho thấy biến thể này có thể không gây bệnh nặng.

Cũng như với các dòng phụ khác thuộc họ Omicron, các vắc-xin ít hiệu quả đối với BA.2 hơn so với các biến thể trước đó như Alpha hoặc chủng gốc của virus corona (gây bệnh COVID-19), và khả năng bảo vệ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Anh (HSA), mức độ bảo vệ của vắc-xin sẽ được khôi phục sau khi tiêm mũi bổ sung, đặc biệt trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

BA.2 được gọi là biến thể “tàng hình” vì rất khó phát hiện. BA.2 cùng một “họ hàng” khác của nó là BA.3, loại cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều, chỉ có thể bị phát hiện bằng cách giải trình tự gen, điều mà không phải nước nào cũng đủ năng lực thực hiện. Lo ngại chính về BA.2 là liệu biến thể này có gây tái nhiễm ở những người đã nhiễm BA.1 hay không. Tuy nhiên, dữ liệu từ Anh và Đan Mạch cho thấy trong khi người đã nhiễm biến thể khác như Delta có thể tái nhiễm Omicron, chỉ có một số ít ca tái nhiễm BA.2 ở người đã nhiễm BA.1.

Phan Anh (tổng hợp)