Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 17/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 496.228 ca mắc COVID-19 mới và 8.697 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 220.543.881 ca, trong đó có khoảng 4.463.676 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Ira Lichi/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 17/9, thế giới có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 88 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong do đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 42.742.305 ca mắc và 690.180 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 444.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 589.000 ca tử vong.

Anh nới lỏng chính sách liên quan đến du lịch quốc tế

Ngày 17/9, Anh đã công bố những biện pháp mới liên quan đến du lịch quốc tế, nhằm khôi phục hơn nữa cuộc sống theo trạng thái bình thường mới sau quãng thời gian dài phải áp dụng nhiều hạn chế bởi dịch bệnh COVID-19.

Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết sẽ bỏ hệ thống phân loại danh sách các nước “đỏ, xanh, vàng” theo nguy cơ về dịch bệnh COVID-19. Thay vào đó sẽ chỉ có 2 danh sách đơn giản hơn là những điểm đến có “nguy cơ cao” và “nguy cơ thấp”. Việc xét nghiệm COVID-19 bắt buộc cũng được hủy bỏ với những khách du lịch đã tiêm chủng đầy đủ, giúp họ giảm bớt chi phí đáng kể này.

Ngoài ra, có 8 nước được bỏ khỏi danh sách “đỏ” COVID-19 trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan hay điểm đến du lịch được yêu thích Maldives. Những khách du lịch trở về Anh từ các địa điểm này sẽ không còn phải chịu quy định cách ly. Dự kiến, những điều chỉnh trên sẽ được áp dụng từ ngày 4/10.

Cùng ngày, Vương quốc Anh ghi nhận thêm 32.651 ca mới mắc COVID-19 và thêm 178 ca tử vong.

New Zealand dừng chuyến du lịch miễn cách ly với Úc

New Zeland thông báo tạm dừng các chuyến du lịch miễn cách ly (QFT) giữa nước này và Úc thêm 8 tuần nữa, trong bối cảnh bùng phát số ca mắc biến thể Delta. Úc vẫn đang đối mặt với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, với số ca mắc tiếp tục tăng đều ở New South Wales, Victoria và vùng lãnh thổ thủ đô Canberra. Một số ít ca cũng tiếp tục xuất hiện từng đợt ở các bang và vùng lãnh thổ khác.

Úc thử nghiệm mô hình cách ly tại nhà

Úc thông báo sẽ thử nghiệm mô hình cách ly tại nhà với tất cả du khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ vắc-xin đến Sydney. Đây là bước tiếp theo trong kế hoạch mở cửa trở lại an toàn, giúp thiết lập tiêu chuẩn cho phương thức “sống chung với COVID-19”. Theo đó, Sydney sẽ thử nghiệm chương trình cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày, bắt đầu từ cuối tháng này. Giới chức trách sẽ sử dụng ứng dụng điện thoại di động và công nghệ nhận diện khuôn mặt để theo dõi việc tuân thủ quy định của khoảng 175 người, trong đó có công dân nước này, người nước ngoài và một số thành viên phi hành đoàn của Qantas.

Úc đã đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020, chỉ cho phép công dân và những người có thẻ cư trú dài hạn nhập cảnh, song phải cách ly bắt buộc trong 2 tuần tại khách sạn và tự trả phí. Nhiều thông tin cho rằng kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ Úc sẽ được thực hiện khi tỷ lệ tiêm chủng đạt từ 70-80% đối với người trưởng thành. Hiện tỷ lệ tiêm chủng của nước này đang đạt khoảng 45%.

Hà Lan, Thụy Sĩ yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19

Hà Lan sẽ yêu cầu chứng nhận tiêm chủng hay kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona nếu muốn vào các quán bar, nhà hàng, bảo tàng, rạp hát và dự các sự kiện văn hóa khi gần như tất cả các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Khoảng 72% trong số 17,5 triệu người Hà Lan đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19.

Tương tự, Thụy Sĩ thông báo những khách du lịch nhập cảnh nước này nếu chưa được tiêm vắc-xin COVID-19 hoặc mới khỏi bệnh sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Biện pháp này sẽ được áp dụng từ ngày 20/9 trong bối cảnh Thụy Sĩ đang nỗ lực ngăn chặn số ca mắc mới gia tăng. Đến nay, quốc gia này đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 53% dân số.

Campuchia bắt đầu tiêm vắc-xin cho trẻ em 6-11 tuổi

Thủ tướng Hun Sen ngày 17/9 đã khai mạc chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi ở Campuchia bằng bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình nhà nước và cũng được phát trên trang Facebook của ông. Tại lễ khai mạc, các con cháu trong độ tuổi 6-11 của Thủ tướng và các quan chức cấp cao khác đã được tiêm liều vắc-xin đầu tiên. Campuchia đã triển khai tiêm chủng cho trẻ độ tuổi lớn hơn. Thủ tướng Hun Sen cũng cho biết đã yêu cầu các quan chức y tế nghiên cứu xem liệu trẻ em từ 3-5 tuổi có thể được tiêm vắc-xin COVID-19 hay không.

Gần 72% trong tổng số gần 17 triệu người Campuchia đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19 kể từ khi chiến dịch tiêm chủng ở nước này bắt đầu vào tháng 2/2021. Vắc-xin COVID-19 được sử dụng chủ yếu ở Campuchia là vắc-xin của Sinovac và Sinopharm do Trung Quốc sản xuất.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: