Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 4/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 464.000 ca mắc COVID-19 mới và 7.453 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 214.466.605 ca, trong đó có khoảng 4.362.182 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Studio Romantic/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 55.041 ca nhiễm mới; tiếp theo là Ấn Độ (42.924 ca) và Anh (37.578 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 796 người tử vong, tiếp theo là Mexico (725 ca) và Brazil (609 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 40.761.715 người, trong đó có 665.463 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.987.615 ca nhiễm, bao gồm 440.567 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 20.877.864 ca bệnh và 583.362 ca tử vong.

Mỹ sắp công bố bước tiếp theo trong cuộc chiến chống biến thể Delta

Trong bối cảnh biến thể Delta đang làm số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden thông báo trong tuần tới sẽ công bố những bước đi tiếp theo trong cuộc chiến chống biến thể Delta, đồng thời cho biết tiến trình hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra một cách bền vững và mạnh mẽ.

Trong khi đó, tờ New York Times cùng ngày đưa tin các quan chức y tế hàng đầu của Mỹ cho biết họ chưa có đủ dữ liệu để đưa ra khuyến nghị tiêm liều bổ sung ở mức độ rộng rãi hơn vào cuối tháng 9 như Tổng thống Biden đã đề cập trước đó. Theo Tiến sĩ Janet Woodcock, quyền Giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ và Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hai cơ quan này có thể đưa ra khuyến nghị về việc tiêm liều bổ sung vào cuối tháng 9 chỉ với những người đã được tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech.

Ở một diễn biến khác, số ca trẻ em nhập viện do COVID-19 ở Mỹ đã tăng kể từ khi biến thể Delta trở nên phổ biến, nhưng một nghiên cứu mới đây của CDC đã cho thấy những lo ngại biến thể này gây bệnh nặng ở trẻ em là vô căn cứ.

CDC phân tích số liệu của bệnh viện tại một khu vực có 10% dân số Mỹ trong giai đoạn 1/3/2020 đến 14/8/2021, từ trước khi xuất hiện biến thể Delta cho đến khi biến thể siêu lây nhiễm này trở tác tác nhân gây bệnh chính tại Mỹ từ ngày 20/6.

Sau khi xem xét số liệu của 3.116 bệnh viện trước giai đoạn xuất hiện biến thể Delta và so sánh với số liệu của 164 bệnh viện trong giai đoạn biến thể này hoành hành, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh nặng không khác biệt nhiều. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện nặng là 26,5 trước khi xuất hiện Delta và 23,2 sau khi xuất hiện biến thể này. Tỷ lệ phải dùng máy trợ thở là 6,1 trước khi xuất hiện Delta, sau đó là 9,8. Trong khi tỷ lệ trẻ em tử vong là 0,7 trước và 1,8 sau khi xuất hiện Delta.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng vì số bệnh nhân nhập viện sau khi xuất hiện biến thể Delta thấp, nên cần thêm các dữ liệu để các nhà khoa học chắc chắn hơn về kết luận này.

Úc tiêm vắc-xin Moderna cho trẻ em từ 12 tuổi 

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc (TGA) ngày 4/9 phê chuẩn việc tiêm vắc-xin của hãng Moderna cho trẻ em từ 12 tuổi trong bối cảnh nước này đang nỗ lực ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19.

Thông báo của TGA nêu rõ vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA của hãng Moderna đã được cấp phép sử dụng tạm thời cho công dân Úc từ 18 tuổi bắt đầu giữa tháng 8 vừa qua, nay được mở rộng ra với các cá nhân từ 12 tuổi trở lên. Liều khuyến cáo và thời gian giữa các liều tiêm cũng tương tự như người lớn, với 2 liều cách nhau 28 ngày.

Với quyết định trên, vắc-xin của Moderna đã trở thành loại vắc-xin thứ 2 sau Pfizer được áp dụng tiêm cho trẻ em ở Úc.

Úc hiện đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Nhà chức trách cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước. Hiện mới có 1/3 số người từ 16 tuổi trở lên đã được tiêm chủng. Với tốc độ hiện nay, dự kiến Úc có thể đạt mục tiêu 70% người dân được tiêm vắc-xin vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.

Đến nay, Úc thuộc diện những quốc gia ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh hơn so với các nước khác. Nước này đã ghi nhận 59.968 ca nhiễm và 1.036 ca tử vong. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch do biến thể Delta siêu lây nhiễm đã đặt câu hỏi lớn đối với chiến lược “Không ca nhiễm” (Zero COVID) được áp dụng trong các làn sóng lây nhiễm trước.

Thái Lan sẽ tiêm kết hợp vắc-xin AstraZeneca và Pfizer

Bộ Y tế Công cộng Thái Lan ngày 4/9 cho biết nước này đang lên kế hoạch tiêm kết hợp vắc-xin của AstraZeneca và của Pfizer/BioNTech kể từ tháng tới.

Tiến sĩ Sophon Iamsirithavorn, Phó Tổng giám đốc Cục kiểm soát dịch bệnh Thái Lan, cho hay kế hoạch tiêm kết hợp vắc-xin AstraZeneca-Pfizer đã được thông qua. Chương trình sẽ bắt đầu từ tháng 10 sau khi Thái Lan tiếp nhận lô vắc-xin Pfizer vào cuối tháng này.

Theo kế hoạch tiêm chủng kết hợp vắc-xin, những người từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm liều đầu là vắc-xin AstraZeneca và liều thứ 2 là vắc-xin Pfizer, với khoảng cách từ 4-12 tuần.

Chương trình tiêm kết hợp vắc-xin hiện tại của Thái Lan sử dụng vắc-xin của Sinovac (Trung Quốc) làm liều đầu tiên và vắc-xin AstraZeneca làm liều thứ hai có khoảng cách 3-4 tuần.

Theo Tiến sĩ Sophon, chương trình tiêm AstraZeneca-Pfizer hiện vẫn đang được giới hạn do số lượng vắc-xin Pfizer còn hạn chế. Vắc-xin này được chỉ định tiêm liều 2 cho những nhóm dễ bị nhiễm bệnh, đã được tiêm vắc-xin AstraZeneca vào tháng 6.

Campuchia tiếp nhận thêm 2,5 triệu liều vắc-xin Sinovac 

Sáng 4/9, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath đã tiếp nhận thêm 2,5 triệu liều vắc-xin Sinovac của Trung Quốc, trong đó 2 triệu liều Chính phủ Campuchia đặt mua và 500.000 liều hãng Sinovac viện trợ cho Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia vừa thông báo cho Sở Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Phnom Penh về việc tổ chức tiêm COVID-19 liều thứ 3 cho hơn 10.000 người làm việc trong ngành giáo dục thành phố. Trong khi đó, Chính phủ Campuchia đang rất nỗ lực để tiêm vắc-xin COVID-19 miễn phí cho toàn bộ người dân. Cộng cả số vắc-xin vừa nhận sáng 4/9, hiện Campuchia có gần 30 triệu liều vắc-xin COVID-19.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 10/2/2021 đến ngày 3/9/2021, có 9.425.278 người trưởng thành (tính từ 18 tuổi trở lên) tại Campuchia đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19, trong đó 8.269.950 người đã hoàn thành 2 liều.

Ngày 4/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có thêm 13 người tử vong và 422 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 138 ca nhập cảnh và 284 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia có 94.839 ca mắc COVID-19, trong đó 1.950 người tử vong.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: