Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 3/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 619.256 ca mắc COVID-19 mới và 9.298 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 214.002.605 ca, trong đó có khoảng 4.354.729 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: siam.pukkato/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 3/9, thế giới có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 72 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong do đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 40.683.063 ca mắc và 664.781  ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32.745.457 ca mắc và 440.256 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với 20.856.092 ca, trong đó có 582.670 ca tử vong.

Nam Phi cho biết biến thể mới không phải là một nguy cơ

Liên quan đến biến thể C.1.2 mới được xác định gần đây tại Nam Phi, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla ngày 3/9 dẫn báo cáo của các nhà khoa học cho biết trong giai đoạn hiện nay, biến thể này “không phải một nguy cơ”. Biến thể C.1.2 được phát hiện lần đầu vào tháng 5 và đến nay đã lây lan ra tất cả 9 tỉnh của Nam Phi, được cho là biến thể có nhiều đột biến nhất so với các biến thể từ trước đến nay.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 3/9, Bộ trưởng Phaala cho biết: “Ở giai đoạn hiện nay, các nhà khoa học xác nhận rằng biến thể C.1.2 không phải một nguy cơ và đang tiếp tục theo dõi”. Theo ông, tỷ lệ số ca bệnh được ghi nhận nhiễm biến thể này tương đối thấp. Ông cũng cho rằng gần như chắc chắn là Nam Phi sẽ đối mặt với đợt bùng phát thứ tư vào cuối năm nay. Trong tuần vừa qua, WHO đã đưa biến thể C.1.2 vào nhóm cần theo dõi thêm, tức là những biến thể có thể có nguy cơ trong tương lai nhưng các bằng chứng hiện tại vẫn chưa rõ ràng.

Nhóm chuyên gia Anh khuyến nghị không tiêm vắc-xin cho trẻ khỏe mạnh từ 12-15 tuổi

Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI), cơ quan tư vấn về vắc-xin của Chính phủ Anh, ngày 3/9 đã khuyến nghị không tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em khỏe mạnh từ 12-15 tuổi, và chỉ trẻ em trong độ tuổi này có vấn đề về sức khỏe mới cần tiêm chủng.

Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm 200.000 thiếu niên có bệnh lý nền đủ điều kiện tiêm vắc-xin COVID-19. Trước đó, khoảng 150.000 trẻ em mắc các bệnh thần kinh nghiêm trọng, mắc hội chứng Down, có hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng hoặc sống cùng người lớn dễ bị nhiệm bệnh thuộc đối tượng tiêm vắc-xin COVID-19 tại Anh. Hiện có khoảng 3 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 12-15 trên khắp Vương quốc Anh. Các bác sĩ nhận định, trẻ em mắc bệnh tim, phổi và gan mãn tính có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn nhiều so với trẻ khỏe mạnh.

JCVI đưa ra quyết định không tiêm vắc-xin cho trẻ khỏe mạnh dựa trên lo ngại về một tác dụng phụ hiếm gặp của vắc-xin Pfizer, là gây bệnh viêm cơ tim. Ủy ban này cũng nhấn mạnh việc đưa ra quyết định trên chỉ dựa trên lợi ích tiêm chủng cho trẻ em, thay vì lợi ích của các nhóm đối tượng khác. JCVI cho rằng việc tiêm vắc-xin cho trẻ ở độ tuổi này chỉ mang lại lợi ích nhỏ, bởi nguy cơ trẻ em mắc COVID-19 và mắc bệnh nặng do COVID-19 là thấp, và các trường hợp tử vong ở trẻ khỏe mạnh rất hiếm gặp.

Úc nhận thêm 4 triệu liều vắc-xin Pfizer theo thỏa thuận hoán đổi với Anh

Cũng trong ngày 3/9, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết nước này sẽ nhận thêm 4 triệu liều vắc-xin COVID-19 của hãng dược Pfizer theo thỏa thuận hoán đổi với Anh, trong nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để sớm mở cửa trở lại.

Thỏa thuận này sẽ tăng gấp đôi lượng vắc-xin của Pfizer mà Úc nhận được trong tháng này, với lô đầu tiên do Anh gửi sẽ tới nơi vào cuối tuần này. Ngoài với Anh, trong tuần này Úc còn ký thỏa thuận hoán đổi vắc-xin với Singapore. Theo cả hai thỏa thuận này, Úc sẽ gửi trả vắc-xin của Pfizer cho 2 nước trên vào cuối năm, khi Canberra nhận được số vắc-xin đã đặt hàng.

Nhật Bản sẽ cung cấp thêm vắc-xin COVID-19 cho Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan vào đầu tháng 9

Nhật Bản sẽ cung cấp thêm vắc-xin COVID-19 cho Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan vào đầu tháng này. Phát biểu tại buổi họp báo ngày 3/9, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tiếp tục cung cấp cho Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan tổng cộng 440.000 liều vắc-xin COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca vào đầu tháng 9 này.

Ngoại trưởng Motegi cho biết quyết định cung cấp vắc-xin COVID-19 lần này của Chính phủ Nhật Bản được đưa ra sau khi đã đánh giá toàn diện tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan, gồm số ca mắc mới, hệ thống y tế, tiến độ tiêm chủng cũng như nhu cầu và yêu cầu tiêm vắc-xin COVID-19 của công dân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại đó.

Ông nhấn mạnh các nước và vùng lãnh thổ này đang nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm vắc-xin COVID-19, bao gồm cho cả công dân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại đây, nhưng tiến độ còn hạn chế do thiếu nguồn cung vắc-xin. Vì thế, Chính phủ Nhật Bản hy vọng rằng với đợt cung cấp vắc-xin lần này, cả người dân sở tại và người dân Nhật Bản có nhu cầu đều có thể tiếp cận với nguồn vắc-xin COVID-19, giúp giảm bớt nguy cơ nhiễm virus corona.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: