Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 25/2, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,5 triệu ca mắc COVID-19 mới và 7.500 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 385.383.694 ca, trong đó có khoảng 5.478.607 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Exposure Visuals/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (193.099 ca), Hàn Quốc (165.889 ca) và Nga (123.460 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.274 ca), Nga (787 ca) và Brazil (674 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 80,4 triệu ca mắc COVID-19 và trên 971.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,9 triệu ca mắc và trên 513.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 28,6 triệu ca mắc và trên 648.000 ca tử vong.

Thủ đô của Ấn Độ gỡ bỏ toàn bộ biện pháp phòng dịch COVID-19

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày 25/2 đã chấm dứt tất cả các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm tại thành phố này tiếp tục giảm.

Thông báo của Thủ hiến Arvind Kejriwal cho biết lệnh giới nghiêm ban đêm ở thành phố này sẽ được gỡ bỏ từ ngày 28/2 tới. Chính phủ cũng thông báo mức phạt tiền do không đeo khẩu trang sẽ giảm từ 1.000 Rupee xuống còn 500 Rupee (gần 7 USD). Học sinh sẽ đi học trực tiếp đầy đủ từ ngày 1/4 khi năm học mới bắt đầu, trong khi các nhà hàng và quán bar sẽ được hoạt động với 100% công suất. Trên mạng xã hội Twitter, ông Kejriwal đồng thời lưu ý tất cả người dân cần tiếp tục tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19 và chính quyền thành phố sẽ theo dõi sát sao tình hình.

Quyết định trên được đưa ra trong một cuộc họp của Cơ quan xử lý thảm họa Delhi (DDMA) trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại New Delhi tiếp tục cải thiện trong khi người dân vẫn gặp nhiều khó khăn do mất việc làm.

Nga nới lỏng các biện pháp hạn chế ở thủ đô Moskva

Ngày 25/2, Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin, đã ký sắc lệnh bãi bỏ một số biện pháp hạn chế được áp dụng khi virus corona lây lan.

Cụ thể, từ ngày 28/2, thủ đô Moskva sẽ bãi bỏ việc chặn thẻ đi lại của tất cả những cư dân trên 60 tuổi và người mắc bệnh mãn tính. Ngoài ra, yêu cầu chuyển 30% nhân viên sang chế độ làm việc từ xa cũng được chuyển từ mức “bắt buộc” thành “khuyến cáo”.

Giải thích về quyết định này, ông Sobyanin cho biết số ca nhiễm biến chủng Omicron ở Moskva đã giảm mạnh hơn 3 lần so mới mức đỉnh ghi nhận hồi cuối tháng 1 vừa qua. Số ca nhập viện cũng giảm một nửa, trong đó trẻ em giảm tới 80%. Hiện các bệnh viện và phòng khám đa khoa ở Moskva đã trở lại hoạt động như lúc bình thường và tăng cường tiếp nhận bệnh nhân theo lịch.

New Zealand lập kỷ lục về số ca mắc mới COVID-19

New Zealand đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong ngày cao kỷ lục, chạm mốc 6.137 ca, trong đó có 205 ca nhập viện và 56 ca tử vong.

Giới chức y tế New Zealand cho biết nguyên nhân khiến số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt, gần gấp đôi trong vòng 24 giờ qua là vì đây là ngày đầu tiên New Zealand đưa con số xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) vào số liệu báo cáo chính thức.

Tất cả các khu vực trên cả nước New Zealand đều ghi nhận có ca mắc COVID-19, trong đó Auckland, thành phố đông dân nhất của New Zealand bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 3.879 ca mắc bệnh. Bộ trưởng phụ trách về COVID-19 của New Zealand, ông Chris Hipkins dự báo khoảng thời gian vài tuần tới sẽ rất khó khăn do dịch bệnh đang có xu hướng lan rộng tại quốc gia này. Ông kêu gọi người dân cần giữ bình tĩnh, tiếp tục tuân thủ các quy định và hướng dẫn y tế đã được phổ biến rộng rãi.

Do quy mô của đợt bùng phát dịch bệnh đang lớn dần, ngày 25/2, Chính phủ New Zealand tuyên bố sẽ chuyển hướng hành động sang “Omicron giai đoạn 3” và ban hành các hướng dẫn điều chỉnh chi tiết. Theo đó, tại giai đoạn này, New Zealand sẽ áp dụng việc sử dụng rộng rãi hơn các bộ xét nghiệm RAT, thay thế cho xét nghiệm PCR. Bộ xét nghiệm RAT sẽ được phân phát miễn phí cho người dân tại các cửa hiệu thuốc, các phòng khám đa khoa và nơi làm việc.

Bên cạnh đó, định nghĩa về người tiếp xúc gần cũng sẽ được thay đổi. Cụ thể, chỉ những người sống cùng một nhà với các trường hợp mắc COVID-19 mới được coi là có tiếp xúc gần và phải cách ly bắt buộc. Các nhà chức trách New Zealand hy vọng việc thay đổi định nghĩa về người tiếp xúc gần sẽ giúp ngăn chặn tình trạng thiếu nhân viên quy mô lớn và gián đoạn chuỗi cung ứng như đã từng xảy ra tại nước láng giềng Úc do quá nhiều người phải cách ly bắt buộc.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: