Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 1/3, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,14 triệu ca mắc COVID-19 mới và 5.502 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 389.980.248 ca, trong đó có khoảng 5.497.821 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Rapture700/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 150.565 ca; Hàn Quốc đứng thứ 2 với 138.993 ca; tiếp theo là Nga (97.333 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 786 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Mỹ (765 ca) và Indonesia (325 ca).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 80.667.381 người, trong đó có 976.204 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.938.164 ca nhiễm, bao gồm 514.109 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 28.811.165 ca bệnh và 649.630 ca tử vong.

CDC: Khoảng 140 triệu người Mỹ đã mắc COVID-19

Ngày 1/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố nghiên cứu cho biết, ước tính có khoảng 140 triệu người dân nước này đã bị nhiễm virus corona tính đến cuối tháng 1/2022, cao hơn rất nhiều so với dữ liệu của Worldometer là trên 80 triệu.

Nghiên cứu của CDC cho thấy tỷ lệ cá nhân có kháng thể với COVID-19, được gọi là tỷ lệ huyết thanh, là 43,3% đối với tổng dân số Mỹ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhiễm bệnh được báo cáo thường xuyên. Dữ liệu cho nghiên cứu được thu thập từ cuối tháng 12/2021 đến cuối tháng 1/2022 và dựa trên các thử nghiệm của gần 72.000 mẫu.

Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ những người có kháng thể với virus thấp hơn ở các nhóm tuổi lớn hơn, với trẻ em có tỷ lệ tương đồng huyết thanh khoảng 58% so với 23% ở những người trên 65 tuổi.

Nghiên cứu của CDC được tiến hành kể từ tháng 8/2020, với 28 vòng dữ liệu khác đã được công bố cho đến nay. Theo dữ liệu gần đây nhất, khoảng 21 tiểu bang có tỷ lệ huyết thanh mắc bệnh ước tính vào khoảng 50%, trong đó bao gồm Georgia, Michigan, New Jersey, Oklahoma và Tennessee.

Nữ hoàng Anh bình phục sau khi mắc COVID-19

Ngày 1/3, Cung điện Hoàng gia Anh thông báo Nữ hoàng Elizabeth II, 95 tuổi, đang trong tình trạng sức khỏe tốt và có thể tổ chức 2 buổi tiếp đón khách trực tuyến, sau hơn một tuần có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona gây bệnh COVID-19.

Theo đó, Nữ hoàng Anh đã tổ chức buổi tiếp đón các đại sứ đến từ Andorra, quốc gia Tây Âu nằm giữa Pháp và Tây Ban Nha, và CH Chad ở Trung Phi. Tuần trước, bà đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Ngày 20/2 vừa qua, Cung điện Hoàng gia Anh cho biết Nữ hoàng Elizabeth II có kết quả xét nghiệm dương tính và có những triệu chứng nhẹ. Nữ hoàng Elizabeth II đã tiêm 3 mũi vắc-xin phòng COVID-19 trước đó. Ngày 10/2, Thái tử Charles, là con trai cả và cũng là người thừa kế của Nữ hoàng Anh, cũng đã được xác nhận mắc COVID-19. Ông nhận kết quả dương tính chỉ 2 ngày sau khi tới thăm Nữ hoàng tại lâu đài Windsor.

Thủ tướng Úc mắc COVID-19 

Cùng ngày 1/3, Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo ông đã có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với COVID-19 và có các triệu chứng giống như cảm cúm. Ông cho biết đang thực hiện cách ly tại nhà riêng ở Sydney và sẽ tiếp tục đảm nhiệm tất cả các công việc trên cương vị Thủ tướng.

Phu nhân và các con của Thủ tướng Morrison có kết quả xét nghiệm âm tính và sẽ tự cách ly tại nhà trong 7 ngày.

Israel dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch COVID-19

Kể từ ngày 1/3, Israel đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp xã hội trong phòng chống dịch COVID-19, bao gồm việc nới lỏng quy định đối với du khách nhập cảnh và quy định xét nghiệm đối với học sinh.

Du khách nước ngoài khi nhập cảnh sẽ chỉ cần thực hiện hai xét nghiệm PCR, trước khi lên máy bay và sau khi xuống sân bay tại Israel. Với công dân Israel sẽ chỉ cần làm một xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh, còn người xuất cảnh và quay lại sẽ không cần làm xét nghiệm kháng nguyên như trước. Ngoài ra, chính phủ cũng bãi bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với những người chưa tiêm phòng trở về từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, kể từ ngày 10/3, học sinh tiểu học trở xuống sẽ không phải làm xét nghiệm thường xuyên 2 lần/tuần như hiện nay. Trước đó, từ ngày 24/2 quy định này đã được bãi bỏ đối với học sinh trung học.

Hồi tháng trước, Israel đã bãi bỏ nhiều quy định khác về giãn cách xã hội, bao gồm Thẻ Xanh (giấy chứng nhận miễn dịch) và quy định về số lượng người tối đa trong các tụ điểm công cộng, trừ một số tụ điểm có nguy cơ cao.

Quy định phổ biến nhất vẫn được duy trì là việc đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín.

Hàn Quốc: Số ca mắc mới lại lập kỷ lục

Ngày 1/3, số ca mắc COVID-19 mới theo ngày của Hàn Quốc đã lên mức cao nhất từ trước đến nay là trên 176.000 ca trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan nhanh trên cả nước.

Theo số liệu của giới chức y tế Hàn Quốc và chính quyền địa phương, tính đến 18h ngày 1/3, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm tổng cộng 176.786 ca nhiễm so với một ngày trước, và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, Hàn Quốc đã ghi nhận mức cao nhất theo  ngày là 171.442 ca vào ngày 23/2 vừa qua. Số ca nhiễm trong ngày 1/3 dự kiến sẽ còn tăng tiếp, do Hàn Quốc sẽ tiếp tục thống kê đến đêm cùng ngày và công bố vào sáng hôm sau.

Chính phủ Hàn Quốc dự báo làn sóng dịch bệnh hiện nay sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 3 với khoảng 250.000 ca nhiễm/ngày khi biến thể Omicron tiếp tục lây lan trên cả nước.

Nhật Bản nới lỏng kiểm soát nhập cảnh với người nước ngoài 

Ngày 1/3, Nhật Bản đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới phòng chống dịch COVID-19 với việc tăng số lượng người nhập cảnh từ 3.500 lên 5.000 người mỗi ngày, bao gồm cả công dân nước ngoài đến Nhật Bản không vì mục đích du lịch.

Ngoài ra, các biện pháp cách ly cũng được nới lỏng với những người nhập cảnh, kể cả công dân Nhật Bản và người nước ngoài. Thậm chí trong một số trường hợp, có thể được miễn quy định này. Cụ thể, những người nhập cảnh vào Nhật Bản giờ đây sẽ được yêu cầu cách ly 3 ngày và xét nghiệm âm tính với COVID-19 vào ngày cách ly cuối cùng. Du khách nước ngoài đã tiêm 3 liều vắc-xin và đến từ những nước dịch bệnh được kiểm soát sẽ được miễn cách ly.

Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết sinh viên nước ngoài và thực tập sinh kĩ thuật theo các chương trình đào tạo đã phải chờ đợi rất lâu để nhập cảnh vào Nhật Bản. Ông cũng cho biết tùy vào tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản và các nước cũng như nhu cầu của công dân Nhật Bản ở nước ngoài muốn về nước, chính phủ sẽ xem xét tăng số lượng người được nhập cảnh mỗi ngày.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: