Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 7/11, thế giới ghi nhận thêm khoảng 329.000 ca mắc COVID-19 mới và 4.341 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 238.527.224 ca, trong đó có khoảng 4.765.809 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Studio Romantic/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Nga dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 39.165 ca; Anh đứng thứ hai với 30,305 ca; tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ (25,304). Nước Nga cũng tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.179 người chết trong ngày; tiếp theo là Ukraine (449 ca) và Mexico (261 ca tử vong).

Nước Mỹ chỉ ghi nhận 18.919 ca nhiễm và 109 ca tử vong mới tính đến 6h sáng 8/11, nhưng vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 47.331.774 người, trong đó có 775.190 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.366.614 ca nhiễm, bao gồm 461.043 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 21.880.439 ca bệnh và 609.447 ca tử vong.

Mỹ: Tòa án liên bang đình chỉ quy định bắt buộc người lao động tiêm vắc-xin 

“Lệnh yêu cầu (của Nhà Trắng) sẽ bị đình chỉ cho tới khi tòa án này có quyết định mới”, tòa kháng cáo liên bang đặt tại thành phố New Orleans, bang Louisiana tuyên bố ngày 6/11, theo AFP đưa tin. Tòa cũng yêu cầu chính quyền ông Biden có phản hồi trước 17h ngày 8/11 (giờ địa phương).

Tòa liên bang tại New Orleans có động thái trên sau khi cho rằng các bên khiếu kiện, gồm 5 tiểu bang nghiêng về đảng Cộng hòa là Texas, Louisiana, South Carolina, Utah và Mississippi, cùng một số tập đoàn tư nhân, tổ chức tôn giáo, “đưa ra được căn cứ cho thấy lệnh bắt buộc tiêm chủng có vấn đề với quy định pháp luật và hiến pháp”.

Trước đó, ngày 4/11, ông Biden đặt ra hạn chót tiêm vắc-xin đầy đủ vào ngày 4/1/2022 đối với nhân viên tại các công ty lớn.

Dịch bùng mạnh, Đức cân nhắc các biện pháp hạn chế

Số ca lây nhiễm mới ở Đức tiếp tục ở mức cao và chỉ số lây nhiễm hầu như đều tăng tại các bang trên cả nước. Tại bang Bayern trong 24 giờ qua ghi nhận có tới trên 9.400 ca nhiễm mới, chiếm gần 1/3 tổng số ca nhiễm mới trên cả nước trong ngày (30.972 ca nhiễm và 109 ca tử vong) và đây là mức cao nhất ở Bayern từ đầu đại dịch.

Số ca nhiễm mới tăng lên cũng kéo theo số ca nhập viện và tử vong tiếp tục gia tăng, trong đó phần lớn là người cao tuổi vốn có nguy cơ cao hơn và thường có bệnh nền. Một trong những lý do giải thích cho điều này là hiện vẫn còn khoảng 3,5 triệu người trên 60 tuổi chưa tiêm chủng, trong khi số trường hợp đã tiêm đủ song vẫn tái mắc cũng gia tăng.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh, 2 tổ chức công đoàn của cảnh sát Đức gồm GdP và DPolG đã đề nghị cấm đốt pháo hoa trong dịp đón năm mới sắp tới nhằm hạn chế số ca mắc mới trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay.

Việc mở các chợ Noel cũng đang là vấn đề gây tranh luận và được áp dụng không đồng nhất tại các địa phương ở Đức. Trước đại dịch COVID-19 thường có khoảng 160 triệu người đổ đến khoảng 3.000 khu chợ Giáng sinh ở Đức và chi tiêu trung bình 2,9 tỷ EUR, bên cạnh khoảng 1,4 tỷ EUR thu được từ các hoạt động kinh doanh liên quan. Tuy nhiên năm ngoái, đại dịch đã khiến hầu hết các khu chợ phải đóng cửa. Năm nay, nhiều địa phương đã thông báo sớm mở cửa các khu chợ Giáng sinh trong tuần thứ 3 của tháng 11 này và kéo dài muộn hơn phục vụ người dân.

Malaysia phát hiện các ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2

Theo trang tin The Star, Bộ Y tế Malaysia cho biết đã phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2, hay còn gọi là Delta Plus, của virus corona gây bệnh COVID-19. Đây là các du học sinh Malaysia trở về từ Anh.

Xét nghiệm RT-PCR lần đầu của 2 trường hợp trên cho kết quả âm tính, nhưng sau lần xét nghiệm thứ 2 khi đang trong quá trình cách ly thì có kết quả dương tính vào ngày 7/10. Viện Sinh học phân tử y tế thuộc trường đại học Universiti Kebangsaan Malaysia đã giải trình tự gene mẫu thử và phát hiện họ nhiễm biến thể AY.4.2.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi chặt chẽ biến thể AY.4.2 nhằm đánh giá liệu mức độ lây nhiễm của biến thể này có cao hơn so với chủng ban đầu hay không. Hiện biến thể phụ này đã được phát hiện ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh. Tính đến cuối tháng 10, biến thể này chiếm 10% số mẫu thử được giải trình tự gene tại Anh. So với biến thể Delta, biến thể phụ AY.4.2 có thêm 3 đột biến, trong đó có 2 đột biến ở protein gai, phần virus bám vào tế bào của người

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Bộ y tế Malaysia Khairy Jamuluddin ngày 7/11 cho biết, nước này chấp nhận du khách nhập cảnh tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 do Ấn Độ sản xuất.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Khairy chúc mừng vắc-xin Covaxin của hãng Bharat Biotech (Ấn Độ) sản xuất đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua sử dụng khẩn cấp. Bên cạnh đó, quan chức này cho biết Malaysia không sử dụng vắc-xin của Ấn Độ vì nguồn cung về các loại vắc-xin khác đã đủ.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: