Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 10/1/2022, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1.801.014 ca mắc COVID-19 mới và 3.921 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 284.328.265 ca, trong đó có khoảng 5.139.947 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Myriam B/Shutterstock)

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 700.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 10/1, thế giới có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với 61.263.030 ca mắc và 859.356 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 35.708.442 ca mắc và 483.936 ca tử vong. Số liệu công bố ngày 10/1 cho thấy trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm gần 180.000 ca mới, tăng gần gấp 6 lần so với một tuần trước đó.

WHO dự báo thời điểm kết thúc đại dịch không còn xa

Đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) David Nabarro ngày 10/1 cho rằng thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới đã có thể bắt đầu dự báo được, song trong 3 tháng tới, tình hình y tế toàn cầu sẽ còn rất phức tạp.

Ông Nabarro nhận định: “Tôi e rằng chúng ta đang chạy marathon, nhưng chưa thể nói rằng chúng ta đã đi gần đến đích. Chúng tôi thấy rằng sự kết thúc [của đại dịch] không còn xa nữa. Trước khi đạt được kết quả đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số đợt gia tăng đột biến [về số ca mắc COVID-19 mới]”.

Theo chuyên gia của WHO, virus corona vẫn tiếp tục phát triển và những biến thể mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Các đợt bùng phát có thể xảy ra sau mỗi 3 – 4 tháng do sự xuất hiện của các biến thể mới. Đặc phái viên WHO nhấn mạnh cuộc chiến với COVID-19 hiện nay rất phức tạp do các nước đang phát triển không đủ khả năng thực hiện những biện pháp hạn chế cứng rắn bởi vì các biện pháp này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia.

Nhật Bản: Tình hình diễn biến phức tạp do ngày càng nhiều ca nhiễm Omicron

Nhiều khả năng chính phủ nước này sẽ tiếp tục thắt chặt quy định nhập cảnh đối với người nước ngoài do lo ngại bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 6.

Phát biểu ngày 9/1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh COVID-19 từ bên ngoài vẫn là một trong các biện pháp quan trọng trong bối cảnh tình hình biến thể Omicron trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá rõ ràng.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, ngày 9/1 nước này đã ghi nhận 8.249 ca mắc mới COVID-19. Thủ đô Tokyo ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trên 1.000 ca/ngày, cụ thể là 1.223 ca, trong đó hơn một nửa (617 ca) đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Đa số các chuyên gia y tế của Nhật Bản nhận định nước này đã bước vào giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm thứ 6 và tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp hơn do sự xuất hiện ngày càng nhiều ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng.

Đức ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao gấp 3 lần so với tuần trước

Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho biết đã ghi nhận 36.552 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, cao gấp 3 lần con số cách đây 1 tuần, với biến thể Omicron hiện gây ra khoảng 44% số ca mắc mới tại Đức. Lo ngại dịch bệnh lây lan, Đức đã bổ sung 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp.

Như vậy, cho tới nay, Đức đã đưa tổng cộng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách khu vực có nguy cơ cao. Theo quy định mới, kể từ nửa đêm 9/1, những người đã ở lại các khu vực có trong danh sách “nguy cơ cao” của Đức 10 ngày trước khi đến nước này phải thực hiện các quy định nhập cảnh khắt khe hơn, đó là những du khách chưa tiêm vắc-xin sẽ phải cách ly 10 ngày và làm xét nghiệm COVID-19 sau 5 ngày cách ly. Người có kết quả âm tính có thể kết thúc giai đoạn cách ly.

Đối với trẻ em dưới 12 tuổi, thời gian tự cách ly sẽ tự động kết thúc 5 ngày sau khi nhập cảnh mà không cần phải làm xét nghiệm. Ngoài ra, tất cả du khách đến từ các khu vực rủi ro cao hoặc khu vực có nhiều biến thể đáng lo ngại đều phải hoàn thành Đăng ký kỹ thuật số khi nhập cảnh.

Ý siết chặt quy định với người chưa tiêm vắc-xin COVID-19

Ngày 10/1, Ý bắt đầu áp dụng các quy định mới, cấm những người chưa tiêm phòng COVID-19 đến các nhà hàng hoặc thực hiện các chuyến bay nội địa. Quy định mới, nghiêm ngặt hơn, được áp dụng khi các trường học trên cả nước mở cửa trở lại dù số ca mắc mới tăng.

Cụ thể, từ ngày 10/1 – 31/3, người muốn đến nhà hàng, khách sạn và phòng tập thể hình, muốn lên xe buýt, tàu, máy bay và tàu thuyền phải có chứng nhận tiêm phòng hoặc chứng nhận mới khỏi bệnh. Khách đến các rạp hát, rạp chiếu phim, sân vận động và các phương tiên giao thông công cộng phải đeo khẩu trang FFP2. Những người chưa tiêm phòng từ các đảo nhỏ ở Ý được gia hạn thêm thời gian miễn áp dụng các quy định trên để đi tiêm phòng. Người dân các địa phương chỉ có 2 hình thức di chuyển là thuyền và các tuyến bay nội địa có thể tiếp tục đi lại phục vụ học tập và khám chữa bệnh mà không cần các giấy chứng nhận trên.

Ngày 10/1, hầu hết trường học tại Ý mở cửa trở lại để bắt đầu kỳ học mới nhưng vẫn còn khoảng 1.000 hội đồng giáo dục trên cả nước tiếp tục yêu cầu các trường học đóng cửa do lo ngại dịch bệnh. Ý là quốc gia châu Âu đầu tiên ghi nhận dịch bệnh xuất hiện vào đầu năm 2020 và là một trong những quốc gia có số ca tử vong cao nhất, gần 140.000 ca. Ngày 9/1, Ý ghi nhận hơn 155.000 ca mắc mới. Hơn 86% người dân trên 12 tuổi tại Ý đã tiêm phòng. Nước này cũng đã mở rộng độ tuổi đủ điều kiện tiêm phòng xuống nhóm trẻ nhỏ hơn, với khoảng 15% trẻ từ 5 – 11 tuổi đã tiêm mũi đầu tiên.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: