Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 23/1/2022, thế giới ghi nhận thêm khoảng 2 triệu ca mắc COVID-19 mới và 4.200 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 317.135.530 ca, trong đó có khoảng 5.221.938 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: angellodeco/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (305.171 ca), Pháp (301.614 ca) và Mỹ (trên 169.000 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (679 ca), Ấn Độ (474 ca) và Mexico (364 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới với trên 71,8 triệu ca, trong đó khoảng 889.000 ca tử vong.

WHO dự đoán Omicron có thể kết thúc đại dịch ở châu Âu

Trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng, ngày 23/1, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge dự đoán biến thể Omicron có thể lây nhiễm cho 60% người dân châu Âu từ nay tới tháng 3. Như vậy, đã bắt đầu một giai đoạn mới của đại dịch COVID-19 trong khu vực và có thể khiến đại dịch gần kết thúc.

Tuy nhiên, quan chức WHO cho hay: “Chúng ta không ở trong ‘giai đoạn đặc hữu’ để có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra vì virus này đã nhiều lần khiến chúng ta ngạc nhiên”.

Theo số liệu của WHO, trong khu vực bao gồm 53 quốc gia, trong đó một số nằm ở Trung Á (theo phân chia khu vực của WHO), biến thể Omicron chiếm 15% số ca mắc COVID-19 mới tính đến ngày 18/1, cao hơn một nửa so với tuần trước đó. Tại Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), biến thể này xuất hiện vào cuối tháng 11/2021, dễ lây lan hơn so với biến thể Delta và hiện đang chiếm đa số ca mắc COVID-19.

Ông Hans Kluge cho rằng khi số ca bệnh bùng nổ, vấn đề hiện nay là giảm thiểu sự xáo trộn và bảo vệ những người dễ bị nhiễm bệnh, cũng như không còn chỉ tập trung vào việc giảm lây truyền.

Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong ngày thứ 3 liên tiếp

Ngày 23/1, số ca mắc COVID-19 của Nga tiếp tục ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay trong 3 ngày liên tiếp, lên tới 63.205 ca nhiễm mới trong 24 giờ, tăng mạnh so với mức 57.212 ca ngày 22/1 và 49.513 ca ngày 21/1. Riêng thủ đô Moskva, tâm dịch của Nga, đã ghi nhận 17.528 ca nhiễm, là mức cao nhất trong ngày thứ 4 liên tiếp.

Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo Nga có 2 tuần để chuẩn bị đối phó với việc số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh, đồng thời kêu gọi người dân tăng cường đi xét nghiệm và tiêm phòng.

Dù Nga đã phê chuẩn 4 loại vắc-xin, nhưng người dân vẫn do dự đi tiêm. Chưa đầy 1/2 dân số nước này đã tiêm đầy đủ các mũi cơ bản.

Các nhà sản xuất vắc-xin Sputnik V ngày 20/1 cho biết vắc-xin này bảo vệ mạnh mẽ trước biến thể Omicron, trong khi Tổng thống Putin khẳng định Sputnik V “hiệu quả hơn” các loại vắc-xin của phương Tây.

Nga đã ghi nhận tổng cộng 326.112 ca tử vong do COVID-19 kể từ khi bùng phát dịch.

Ấn Độ đến giai đoạn “lây nhiễm cộng đồng” biến thể Omicron 

Biến thể Omicron hiện đã đến giai đoạn lây nhiễm trong cộng đồng ở Ấn Độ và là biến thể chính ở nhiều thành phố lớn, nơi có số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giai đoạn lây nhiễm cộng đồng là khi các ca nhiễm COVID-19 trong 14 ngày gần nhất không có liên quan đến một ổ dịch hay cụm lây nhiễm cụ thể nào và khi có nhiều cụm lây nhiễm không liên quan đến nhau.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 305.171 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 39,5 triệu ca nhiễm. Với thêm 474 ca tử vong, tổng số người không qua khỏi do COVID-19 là trên 489.000 người tính từ khi dịch bùng phát tháng 1/2020 đến nay.

Úc: Hai bang đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn trường học

Trong bối cảnh các trường học sẽ mở cửa trở lại vào tuần tới, hai bang đông dân nhất của Úc là New South Wales (NSW) và Victoria cho biết sẽ xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho học sinh mỗi tuần 2 lần nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại trường học.

Theo Thống đốc bang NSW Dominic Perrottet, nhà chức trách bang đề nghị các bậc phụ huynh sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh để sàng lọc COVID-19 cho con em mỗi tuần 2 lần. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, phụ huynh cần thông báo cho trường và chính quyền. Trong tuần này, hàng triệu sinh phẩm xét nghiệm được phân phát tới 3.000 trường học và học sinh sẽ phải làm xét nghiệm trước khi tham gia buổi học đầu tiên. Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh các trường phổ thông bắt buộc phải đeo khẩu trang, trong khi học sinh tiểu học được khuyến khích đeo khẩu trang.

Các trường cũng sẽ hạn chế tối đa tiếp xúc giữa các nhóm lớp cũng như hạn chế khách tới trường. Bên cạnh đó, các trường cũng đưa ra dự phòng nhân sự, trong đó có việc sử dụng giáo viên đã nghỉ hưu hoặc đang đi học, tham gia giảng dạy khi thiếu giáo viên.

Bang Victoria cũng khuyến nghị làm xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho học sinh mỗi tuần 2 lần.

Nhân viên trường học tại NSW và Victoria đều phải tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Hiện bang NSW đã bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Thống kê cho thấy hiện có 26,5% số học sinh đủ điều kiện tại NSW đã tiêm mũi vắc-xin đầu tiên. Riêng các giáo viên tham gia giảng dạy tại bang Victoria phải tiêm mũi bổ sung trước hạn chót là cuối tháng 2 tới.

Nhật Bản: Tokyo mở cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng

Nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan trong gia đình, từ ngày 25/1, thủ đô Tokyo của Nhật Bản sẽ vận hành một cơ sở điều trị dành riêng cho bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng.

Cơ sở điều trị có quy mô ban đầu 350 giường được thiết lập tại Quảng trường thể thao Tokyo, thuộc phường Chiyoda, nơi từng được sử dụng cho việc quảng bá Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Đối tượng hướng tới là các bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng nhưng có nguy cơ làm lây lan virus corona cho người thân khi sống chung trong một nhà.

Mỗi người điều trị tại đây sẽ có một phòng điều trị, ngoài ra còn được bố trí không gian hoạt động riêng có kích thước tương đương một bốt điện thoại công cộng, được bố trí các thiết bị thuận lợi cho người dùng sử dụng máy tính cá nhân hoặc máy tính bảng phục vụ cho làm việc từ xa.

Phát biểu tại buổi thị sát công tác chuẩn bị của cơ sở này chiều ngày 23/1, Thống đốc Tokyo Koike Yuriko cho biết chính quyền thành phố đang nỗ lực để tạo một không gian riêng cho những người mắc COVID-19 không có triệu chứng, có nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình, nhất là người già và trẻ em.

Theo kế hoạch, cơ sở điều trị này sẽ bắt đầu được vận hành từ ngày 25/1 và dự kiến sẽ mở rộng thêm quy mô, nâng tổng số giường bệnh tại đây lên 1.000 nếu nhu cầu sử dụng loại hình này gia tăng trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê, trong ngày 23/1, thủ đô Tokyo tiếp tục ghi nhận 9.468 ca, giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục là 11.227 trước đó một ngày nhưng gấp đôi so với chủ nhật tuần trước. Số ca COVID-19 nặng tính đến hết ngày 23/1 là 13, tăng 1 ca so với ngày 22/1, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nói chung là 35,3% và cho bệnh nhân nặng là 2,5%.

Thủ tướng Malaysia khẳng định không áp đặt phong tỏa một lần nữa

Trong bối cảnh có đồn đoán rằng chính phủ sẽ phong tỏa toàn quốc do diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 23/1 khẳng định chính phủ sẽ không áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) một lần nữa trong dịp Tết của người Hồi giáo năm nay.

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Ismail cho biết hiện tại các lĩnh vực kinh tế và xã hội, cũng như việc đi lại giữa các bang đã trở lại bình thường. Trong trường hợp gia tăng đột biến số ca nhiễm, chính phủ sẽ sử dụng phương pháp áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển tăng cường (EMCO), tập trung vào các khu vực được xác định có nhiều ca nhiễm.

Ông kêu gọi mọi người không nên tự mãn và chủ quan, thay vào đó cần tiếp tục kiềm chế sự lây lan COVID-19, ngay cả khi đã xác định phải sống chung với COVID-19 trong tương lai. Ông cũng bày tỏ hy vọng số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 1.000 để Malaysia có thể tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, tính đến ngày 22/1, tổng cộng 10.561.588 người, tương đương với 45,1% người trưởng thành tại nước này, đã tiêm mũi bổ sung. Trong khi đó, 97,9% dân số trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng các mũi cơ bản. Ở lứa tuổi từ 12-17, đã có 88,3% người hoàn thành tiêm chủng.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: