Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 22/2, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,5 triệu ca mắc COVID-19 mới và 7.500 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 380.487.934 ca, trong đó có khoảng 5.453.421 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Ira Lichi/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 158.507 ca nhiễm mới; Nga đứng thứ 2 với 135.172 ca; tiếp theo là Brazil (100.736 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 796 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Mỹ (765 ca) và Brazil (725 ca).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 80.202.466 người, trong đó có 962.241 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.865.431 ca nhiễm, bao gồm 512.652 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 28.351.327 ca bệnh và 645.420 ca tử vong.

Ý mở cửa cho khách du lịch ngoài EU từ tháng 3

Ngày 22/2, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza đã ký sắc lệnh mở rộng các quy định nhập cảnh nước này đối với công dân các nước ngoài EU (Liên minh châu Âu).

Theo sắc lệnh mới, kể từ ngày 1/3, các quy định đã áp dụng với công dân thuộc các quốc gia châu Âu sẽ có hiệu lực với tất cả công dân ngoài châu Âu, theo đó để nhập cảnh Ý chỉ cần đáp ứng một trong các điều kiện của Thẻ xanh cơ bản như: chứng nhận tiêm chủng ngừa COVID-19, chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính. Với những du khách chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm các loại vắc-xin chưa được EU công nhận sẽ phải tiến hành xét nghiệm COVID-19.

Quyết định được đưa ra ngay sau khi 27 quốc gia thành viên EU đề xuất dỡ bỏ hạn chế tạm thời với việc đi lại không cần thiết tới EU đối với những trường hợp đã tiêm vắc-xin được EU hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, hay những trường hợp đã khỏi COVID-19 trong vòng 180 ngày trước chuyến đi.

Quyết định được xem là biện pháp nhằm thúc đẩy du lịch, một phần trong tiến trình mở của trở lại mà Thủ tướng Ý Mario Draghi  đưa ra. Theo lộ trình, tình trạng khẩn cấp COVID-19 tại Ý sẽ kết thúc vào ngày 31/3, đồng nghĩa các quy định hạn chế sẽ dần được nới lỏng.

Trước đó cùng ngày, ủy viên tình trạng khẩn cấp COVID-19 của Ý, Tướng Francesco Paolo Figliuolo đã ký thông tư mới liên quan đến việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 liều thứ 4 cho những trường hợp suy giảm miễn dịch. Theo thông tư mới, khoảng 889.999 trường hợp sẽ tiêm liều thứ 4 kể từ ngày 1/3.

Hàn Quốc phê chuẩn tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi

Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc ngày 23/2 cho biết Hàn Quốc đã phê duyệt sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Tuyên bố của bộ trên khuyến nghị liều dùng cho nhóm trẻ này bằng 1/3 liều thông thường, với khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là  3 tuần. Những trẻ bị suy giảm đáng kể khả năng miễn dịch có thể tiêm nhắc lại sau 4 tuần.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 tại Hàn Quốc đang phức tạp với số ca nhiễm mới tăng mạnh. Tuy nhiên, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum trấn an người dân rằng không có lý do gì đáng lo ngại về tình hình hiện nay.

Rất ít bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron bị triệu chứng hậu COVID-19

Theo nghiên cứu đăng trên trang newindianexpress.com, sự kết hợp giữa tiêm phòng COVID-19 và triệu chứng nhẹ ở những người nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã dẫn đến có rất ít bệnh nhân bị các triệu chứng hậu COVID-19 trong làn sóng dịch bệnh mới nhất tại Ấn Độ.

Kể cả những người có triệu chứng thì các biểu hiện này cũng ít nghiêm trọng hơn so với hai làn sóng đầu tiên của đại dịch. Các triệu chứng hậu COVID-19 được ghi nhận trong làn sóng dịch bệnh thứ ba tại Ấn Độ bao gồm ho, khó thở nhẹ, mệt mỏi, đau họng, đau cơ, đau đầu, rụng tóc…Kết luận này đã được các bác sĩ đưa ra sau thời gian dài theo dõi các bệnh nhân tại Ấn Độ.

Bác sĩ Brunda MS của Khoa nội thuộc Bệnh viện Aster CMI cho biết làn sóng thứ ba của COVID-19 chủ yếu ảnh hưởng đến hệ hô hấp trên, dẫn đến ho khan và đau họng, có thể kéo dài sau khi nhiễm virus. Tuy nhiên, các triệu chứng hậu COVID-19 do biến thể Omicron gây ra dường như không làm gia tăng hay khiến các dấu hiệu viêm nặng hơn trong quá trình mắc bệnh.

Tương tự, bác sĩ Ravindra Mehta của Bệnh viện Apollo Speciality cho hay biến thể Omicron chỉ xâm nhập vào họng và hô hấp trên, nên không di chuyển xuống dưới và gây viêm phổi. Biến thể này cũng không đi vào máu và gây ra những biến chứng phức tạp như những biến thể trước đó. Theo ông, có rất ít người báo với bệnh viện về các triệu chứng hậu COVID-19 nghiêm trọng. Triệu chứng ho dường như kéo dài lâu hơn một chút so với các triệu chứng khác. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân không phải nhập viện vì những triệu chứng này.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng kể cả những trường hợp mắc COVID-19 nhẹ cũng có thể dẫn đến các triệu chứng kéo dài và việc chăm sóc bệnh nhân sau khi phục hồi không nên bị coi nhẹ.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: