Theo các nhà quan sát, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trước cuộc đàm phán cấp cao hôm thứ Bảy tới đây về cuộc khủng hoảng hậu đảo chính ở Myanmar khi khối này mời Thống tướng Min Aung Hlaing tới cuộc họp. 

Embed from Getty Images

Tuần trước, tổ chức mới thành lập Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG) đã đề nghị quốc tế công nhận họ mới là đại diện chính phủ hợp pháp của Myanmar.

Trên mạng xã hội, những người biểu tình chống đảo chính đã kêu gọi khối này xem xét lại lời mời đối với Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing. Nhiều ý kiến cho rằng việc để ông ta ngồi cùng bàn với các nhà lãnh đạo khác của khối cũng giống như thừa nhận tính hợp pháp của cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2.

Maung Zarni, một nhà hoạt động nhân quyền người Myanmar đang ở London, cho biết việc ASEAN xử lý vấn đề Myanmar cho đến nay cho thấy tổ chức này sẽ không hoạt động hiệu quả với tư cách là “trọng tài hòa bình” giữa đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ bị lật đổ và chính quyền quân sự.

Maung Zarni cho biết: “Không chỉ đơn giản là đáng trách về mặt đạo đức, mà hoàn toàn ngu ngốc khi nói rằng họ [ASEAN] muốn một thỏa thuận thương lượng nhưng lại không hề có đối tác đàm phán”. “Min Aung Hlaing sẽ thương lượng với ai? ASEAN không phải là một bên trong cuộc xung đột”.

Trong khi chủ tịch ASEAN hiện tại là Brunei vẫn chưa chính thức thông báo về cuộc hội đàm vào thứ Bảy này tại Jakarta, cuộc họp dự kiến ​​sẽ vẫn diễn ra sau khi một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết vào cuối tuần rằng một số nhà lãnh đạo từ 10 quốc gia thành viên của khối, bao gồm cả tướng Min Aung Hlaing đã đồng ý đến tham dự.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đã xác nhận kế hoạch này.

Trong khi đó, đại diện của Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG) là Moe Zaw Oo nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng họ đã không được thông báo ​​về Hội nghị thượng đỉnh dự kiến.

“Nếu ASEAN muốn giúp giải quyết tình hình Myanmar, họ sẽ không đạt được bất cứ điều gì nếu không tham khảo ý kiến ​​và đàm phán với NUG, tổ chức được người dân ủng hộ và có đầy đủ tính hợp pháp”, Thứ trưởng Ngoại giao được bổ nhiệm vào tuần trước Moe Zaw Oo nói.

Các nhà phân tích cho biết họ hiểu tình thế tiến thoái lưỡng nan của ASEAN trước cuộc họp.

Khối này cần phải gặp Min Aung Hlaing để ngăn ông ta tiếp tục sử dụng bạo lực đối với những người biểu tình chống đảo chính khi số người chết tiếp tục tăng.

Với cuộc gặp sắp tới, ASEAN được coi là chủ yếu tìm cách giảm leo thang. Theo Reuters, ASEAN cũng hy vọng đưa ra được một sứ mệnh viện trợ nhân đạo trong cuộc họp.

Hunter Marston, học giả về Đông Nam Á ở Canberra nói với tờ SCMP rằng, nếu các thành viên của NUG được mời, có thể tướng Min Aung Hlaing sẽ “từ chối đến và cáo buộc ASEAN can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar”.

Đồng thời, khối này cũng bị áp lực không được cáo buộc Min Aung Hlaing và Hội đồng Hành chính nhà nước do quân đội thành lập (junta), là những kẻ phạm tội.

Những người phản đối chính quyền quân sự tại NUG nói rằng bất kỳ nỗ lực đàm phán hòa bình nào của ASEAN đều sẽ không đi đến đâu nếu không có một trong những đại diện của họ tại bàn đàm phán.

Kavi Chongkittavorn, một cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thư ký ASEAN và là người quan sát lâu năm về các vấn đề của khối, cho biết những lời chỉ trích mà khối này đang gặp phải đã đưa khối này vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”.

“Ưu tiên của ASEAN là ngăn chặn đổ máu ngay lập tức và đảm bảo rằng việc đối thoại với chế độ quân sự sẽ được tiếp tục,” ông cho biết.

Ông Kavi cũng đồng ý rằng sự tham gia với các đại diện chống chính quyền là quan trọng và dự đoán rằng các cuộc đàm phán của ASEAN với chính phủ của NUG sẽ được “tăng cường trong những tuần tới”.

Marston, tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Úc, đưa ra nhận định tương tự.

Ông cho biết trong khi ASEAN “hoàn toàn” đáng lẽ phải mời một đại diện của phe chống chính quyền tham gia các cuộc đàm phán vào thứ Bảy từ quan điểm đạo đức và pháp lý, nhưng có lẽ khối đang hy vọng sẽ thúc đẩy “lập luận chính trị” chống lại quân đội, và việc này đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có thời gian đối mặt với tướng Min Aung Hlaing.

Marston nói: “Sẽ có vấn đề nếu mời đại diện của cả quân đội và chính phủ được bầu hợp pháp của bà Aung San Suu Kyi.” Ông cũng nói ASEAN phải tận dụng cơ hội này để buộc quân đội Myanmar phải cam kết ngừng bạo lực và tiến tới đối thoại. 

Mặc dù có rất ít kỳ vọng rằng ASEAN sẽ đảo ngược quyết định và mời các đại diện của NUG đến cuộc họp vào thứ Bảy, nhưng các nhà quan sát đã đưa ra các khuyến nghị để có sự tham gia của chính phủ song song.

Ông Marston gợi ý sau cuộc họp hôm thứ Bảy, các cuộc gặp khác giữa “một số ngoại trưởng ASEAN” và đại diện của NUG nên được diễn ra để thúc đẩy hỏa bình. Nhà phân tích cũng đề cập đến khả năng bổ nhiệm một “chính khách cấp cao” như cựu thủ tướng Singapore Goh Chok Tong “đóng vai trò đặc phái viên để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán”.

Lê Xuân (theo SCMP)

Xem thêm: