Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn (tiểu bang Tennessee) đã kêu gọi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa thêm một số công ty Trung Quốc được cho là hỗ trợ Bắc Kinh giám sát và trấn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vào danh sách đen.

Embed from Getty Images

Trong một bức thư gửi cho Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo ngày 15/12, TNS Blackburn kêu gọi bổ sung các công ty ở Trung Quốc có liên quan đến Viện Tự động hóa thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc vào danh sách đen. Danh sách này bao gồm các công ty có hoạt động không phù hợp với lập trường ủng hộ dân chủ, ủng hộ nhân quyền hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Tham gia cùng Thượng nghị sĩ Blackburn gửi thư đến Bộ Thương mại còn có TNS Cộng hòa Mike Braun (tiểu bang Indiana), TNS Cộng hòa Tom Cotton (tiểu bang Arkansas), TNS Cộng hòa John Cornyn (tiểu bang Texas), TNS Cộng hòa Ted Cruz (tiểu bang Texas), TNS Cộng hòa Bill Hagerty (tiểu bang Tennessee), TNS Cộng hòa Marco Rubio (tiểu bang Florida), TNS Cộng hòa Rick Scott (tiểu bang Florida), TNS Cộng hòa Tom Tillis (tiểu bang North Carolina), TNS Cộng hòa Roger Wicker (tiểu bang Mississippi) và TNS Cộng hòa Todd Young (tiểu bang Indiana).

Theo những nhà lập pháp này, các công ty liên kết với Học viện Khoa học Trung Quốc đang tích cực hỗ trợ Bắc Kinh trong việc phát triển công nghệ và thiết bị giám sát nhằm tăng cường khả năng đàn áp các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở khu vực Tân Cương.

Bức thư nêu rõ: “Bộ Thương mại đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị của Hoa Kỳ và thúc đẩy an ninh quốc gia, đặc biệt là bảo vệ Hoa Kỳ khỏi sự can thiệp ác ý của ĐCSTQ. ĐCSTQ được biết là đã giấu giếm hoạt động thật sự trong các cơ quan nghiên cứu do nhà nước kiểm soát, thúc đẩy chuyển giao không chính thức tài sản trí tuệ và tham gia vào các hoạt động làm tổn hại đến khuôn khổ đạo đức liên quan đến nhân quyền và nghiên cứu khoa học.”

Bức thư cũng đặc biệt chỉ trích tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra ở Tân Cương. Chính phủ Hoa Kỳ, một số quốc hội phương Tây và một Tòa án Độc lập tại London đã gọi hành động của Bắc Kinh là tội diệt chủng. Các nhà lập pháp đã trích dẫn hồ sơ tiền tội phạm, thủ đoạn cưỡng chế chọn lọc dữ liệu di truyền học, cưỡng hiếp và cưỡng bức triệt sản, và giam giữ hàng loạt người vào các trại tập trung mà không tuân theo thủ tục thích hợp, cùng nhiều hành vi lạm dụng khác. Bức thư còn lưu ý, hệ thống vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh hầu như không giới hạn ở Tân Cương.

“Các yếu tố của chiến thuật giám sát và kiểm soát được sử dụng ở Tân Cương cũng thể hiện rõ ở các khu vực Tây Tạng và Nội Mông, thậm chí đối với những người bất đồng chính kiến ​​ở các thành phố đô thị lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải,” bức thư viết.

Trước thực tế giám sát và việc chính quyền ngày càng gia tăng sử dụng hệ thống này như một công cụ đàn áp chính trị, các nhà lập pháp đã thúc giục Bộ Thương mại hạn chế giao thương với các công ty ở Trung Quốc nào từng hỗ trợ công nghệ và khả năng giám sát cho chính quyền Bắc Kinh.

“Trong khi chính phủ Hoa Kỳ đã có những bước tiến trong việc hạn chế kinh doanh với một số thực thể của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], những nỗ lực này vẫn chưa bao quát đầy đủ đối với các tổ chức nghiên cứu của CHND Trung Hoa và các chi nhánh của họ, khi xét đến những đóng góp của họ trong việc vũ khí hóa hàng loạt các chức năng giám sát,” bức thư nhấn mạnh. “Các đối tác tiềm năng phải được thẩm tra kỹ lưỡng để duy trì an ninh quốc gia của chúng ta và ít nhất từ bề ngoài có thể thấy rằng chúng ta không dung túng cho hành vi trái đạo đức của ĐCSTQ.”

Tuần trước, chính quyền Biden đã áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại và đầu tư đối với hàng chục thực thể Trung Quốc, vì vai trò của những công ty này trong việc hỗ trợ quân đội ĐCSTQ hoặc gia tăng các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: