Thượng nghị sĩ Rick Scott đã lên án các vụ bắt giữ người dân một cách “thô bạo” của Bắc Kinh trước Thế vận hội Mùa đông 2022 nhằm vào những người lên tiếng phản đối chính quyền. Ông cho rằng động thái này của chính quyền Trung Quốc “đáng bị mọi quốc gia yêu tự do khinh miệt”.

Embed from Getty Images

Thượng nghị sĩ Scott nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm 7/2: “Những vụ bắt giữ gần đây nhất này là ví dụ mới nhất về việc Bắc Kinh sẵn sàng im lặng và bỏ tù những người thiểu số tôn giáo và những người bất đồng chính kiến.”

Nhận xét của ông Scott được đưa ra sau khi cảnh sát bắt giữ một học viên Pháp Luân Công ba ngày trước khi Thế vận hội bắt đầu, và một nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu của Hồng Kông chỉ vài giờ trước lễ khai mạc Olympic vào ngày 4/2.

Nghị sĩ Đảng Cộng hòa cáo buộc Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã luôn giữ im lặng, điều này “khiến IOC đồng lõa với những vi phạm nhân quyền mà người dân Trung Quốc đang phải chịu đựng hàng ngày dưới chế độ cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ].”

Ông Scott kêu gọi: “Mọi quốc gia yêu tự do phải lên tiếng rõ ràng và làm những gì mà IOC sẽ không làm: trừng phạt Tổng Bí thư Tập Cận Bình vì tội diệt chủng và đàn áp dân chủ của ông ta.”

Chế độ này đã tiến hành đàn áp Pháp Luân Công suốt hơn 2 thập kỷ, và những năm gần đây nhiều nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông cũng liên tục bị bỏ tù. Ông Scott nhìn nhận, “Trung Quốc cộng sản cố ý để cho cảnh sát và quân đội đối phó với những ai mà chính quyền lo sợ”.

Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ ông Koo Sze-yiu vào ngày 4/2, vài ngày sau khi nhà hoạt động kỳ cựu ở địa phương công bố kế hoạch biểu tình bên ngoài các văn phòng chính phủ yêu cầu trả tự do cho nhiều công dân ủng hộ dân chủ bị bỏ tù. Ông Koo hiện đã 75 tuổi, đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Khi Olympic Mùa đông Bắc Kinh đang diễn ra, bà Ji Yunzhi, một bà mẹ 65 tuổi, đã tuyệt thực tại một trại giam địa phương ở Nội Mông, Trung Quốc, sau vụ bắt giữ mới nhất vào ngày 1/2, tức ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Trại giam đã không cho phép gia đình thăm bà, chỉ vì bà là một học viên Pháp Luân Công kiên định với đức tin của mình suốt hơn 20 năm. 

Các nhà chức trách ở Trung Quốc Đại Lục đã theo dõi bà Ji kể từ năm 1999, thời điểm mà ĐCSTQ phát động cuộc bức hại trên toàn quốc đối với môn tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Ji đã bị cưỡng bức lao động hai lần, vào năm 2001 và 2008, mỗi lần đều bị tra tấn gần như đến chết sau khi liên tục bị sốc điện, bức thực và đánh đập. Các nhà chức trách sau đó còn liên tục sách nhiễu bà Ji, cho dù bà đã bị tàn tật sau khi được thả ra ngoài, theo báo cáo của Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Ba tuần trước Thế vận hội, Bắc Kinh đã kết án 11 học viên Pháp Luân Công, với mức án nặng nhất lên tới 8 năm tù. Washington sau đó đã lên án động thái này của chính quyền Trung Quốc.

Trước đó, ngày 21/1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã kêu gọi Bắc Kinh “ngay lập tức chấm dứt việc lạm dụng và ngược đãi các học viên Pháp Luân Công một cách tàn bạo”.

Vào thời điểm ngay trước cuộc đàn áp của chế độ vào năm 1999, ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người Trung Quốc đang theo học Pháp Luân Công, mà ĐCSTQ lại coi sự phổ biến của môn tu luyện này là một mối đe dọa. Kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động cùng các cơ sở khác, và hàng trăm nghìn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ, Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.

“Thật không may khi thế giới phải tham gia vào một Thế vận hội bị vấy bẩn bởi sự tàn ác và hiếu chiến của Trung Quốc,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker cũng nhận định trong một tuyên bố ngày 4/2.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: