Trong tuyên bố qua email gửi tờ The Epoch Times mới đây, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio (bang Florida) nói rằng các công ty Trung Quốc không nên tiếp tục được phép niêm yết trên các thị trường chứng khoán Mỹ và lợi dụng các nhà đầu tư Mỹ. Tuyên bố của ông Rubio đến sau khi công ty hàng đầu trong lĩnh vực cho thuê xe qua ứng dụng công nghệ của Trung Quốc là Didi Chuxing bị chính quyền cộng sản trấn áp ngay sau khi vừa niêm yết tại Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE).

Embed from Getty Images

Rắc rối đến với Didi bắt đầu từ ngày 2/7, chỉ hai ngày sau khi công ty này lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) tại sàn NYSE. Giới chức Trung Quốc đã ra lệnh Didi phải dừng chấp nhận người dùng mới để thực hiện đánh giá về anh ninh mạng. Các nhà chức trách sau đó đã ra lệnh loại bỏ ứng dụng Didi khỏi tất cả các kho ứng dụng điện thoại tại Trung Quốc với lý do quan ngại về an ninh quốc gia liên quan đến thu thập dữ liệu. Tiếp đó, 25 ứng dụng điện thoại khác của công ty Didi Chuxing cũng đã bị ra lệnh loại bỏ khỏi các kho ứng dụng điện thoại tại Trung Quốc.

Hành động trấn áp này của chính quyền Bắc Kinh đã làm giá trị cổ phiếu của Didi giảm mạnh. Giá cổ phiếu Didi trước đó đã tăng lên 16 USD, nhanh chóng bị rớt xuống mức ban đầu 14 USD khi IPO tại NYSE, và cho đến thứ Hai (12/7), đã xuống dưới 12 USD.

TNS Rubio là người ngay từ đầu đã cố gắng ngăn chặn công ty Didi niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Ông nói với The Epoch Times rằng: “Quyết định cho phép một công ty Trung Quốc hoàn toàn không thể chịu trách nhiệm về hành động của mình như Didi Chuxing niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ là tai họa ngay từ đầu”.

Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Florida đã gọi sự trấn áp của Bắc Kinh là quyết định “mờ ám có chủ ý”. Ông nhấn mạnh rằng quyết định đó cung cấp thêm một lý do nữa để Mỹ không nên cho phép các công ty Trung Quốc vốn không được độc lập trước những ý thích chính trị bất chợt của chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ và qua đó lợi dụng các nhà đầu tư Mỹ.

TNS Rubio và những nhà phê bình khác từ lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro do các công ty Trung Quốc đã niêm yết tại thị trương chứng khoán Mỹ đặt ra. Ông Rubio cho rằng những công ty Trung Quốc này gây ra mối đe dọa “to lớn” đối với các nhà đầu tư Mỹ bởi vì họ thường bị ĐCSTQ kiểm soát và được che giấu khỏi sự giám sát từ phía Mỹ.

Các nhà quản lý Mỹ từ hơn thập kỷ qua đã không thể kiểm toán các công ty đặt trụ sở tại Trung Quốc vì chế độ Bắc Kinh lấy lý do an ninh quốc gia và quyền riêng tư để ngăn chặn việc này.

TNS Rubio nói: “Sự sụp đổ về giá trị bất ngờ của Didi đã làm nổi bật việc tất cả các công ty Trung Quốc này đang là ‘hộp đen’, và ngay cả khi cổ phiếu của Didi đã có lúc tăng cao, thì các nhà đầu tư Mỹ cũng không có cách nào để đánh giá sức mạnh tài chính thực sự của nó”.

Theo trang SCMP, các nhà quản lý Trung Quốc vào thời điểm nhiều tuần trước lịch IPO của Didi tại sàn NYSE đã đề nghị công ty này nên hoãn IPO và thực hiện tự kiểm tra về an ninh mạng. Tuy nhiên, Didi và các nhà đầu tư của họ gồm Apple, Uber, Soft Bank và Tencent đều đã lựa chọn tiếp tục xúc tiếm IPO theo kế hoạch.

Tuy nhiên, Didi không phải là công ty tư nhân Trung Quốc đầu tiên phải hứng chịu cơn thịnh nộ của ĐCSTQ.

Cuối năm ngoái, chế độ Trung Quốc đã hủy bỏ kế hoạch IPO của Ant Group, công ty công nghệ tài chính (fintech) thuộc Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Các nhà quản lý đã loan báo một cuộc điều tra lĩnh vực cho vay tài chính của Ant Group chỉ vài ngày trước khi công ty này niêm yết tại các sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông. Các công ty của Jack Ma bắt đầu trở thành tầm ngắm của chính quyền sau khi tỷ phú này công khai chỉ trích các nhà quản lý tài chính Trung Quốc trong một bài phát biểu vào tháng 10/2020 tại Thượng Hải.

Cũng từ tháng 10/2020, giá cổ phiếu của Alibaba tại sàn NYSE đã giảm từ 310 USD xuống 210 USD. Các nhà quản lý Trung Quốc vào tháng Tư năm nay đã phạt Alibaba 2,8 tỷ USD vì những vi phạm luật chống độc quyền.

Mỹ gần đây cũng đã thắt chặt giám sát các công ty Trung Quốc đã niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Vào tháng Ba, cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ đã bắt đầu giới thiệu các quy định để loại bỏ các công ty nước ngoài khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ. Động thái này sẽ loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Mỹ nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ trong 3 năm liên tiếp.

Tổng thống Donald Trump năm 2020 cũng đã cấm đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách bị quân đội Trung Quốc kiểm soát. Chính quyền Biden sau đó đã tiếp tục và mở rộng lệnh cấm này.

TNS Rubio nói rằng Quốc hội Mỹ cần phải hành động thêm nữa để bảo vệ người Mỹ khỏi những rủi ro do các công ty Trung Quốc đặt ra, đặc biệt khi mà “Wall Street dường như hoàn toàn không quan tâm đến việc tự giải quyết vấn đề này”.

Ông Rubio nhấn mạnh rằng nhiều người Mỹ đã vô tình bị dính vào các rủi ro như vậy thông qua đầu tư thụ động theo các chỉ số toàn cầu chuẩn mực mà trong đó có bao gồm cả các cổ phiếu Trung Quốc.

Các nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu như MSCI và FTSE đã thêm các cổ phiếu Trung Quốc vào các chỉ số toàn cầu và chỉ số các thị trường mới nổi của họ, từ đó cho phép hàng tỷ USD tiền đầu tư Mỹ chảy vào các cổ phiếu Trung Quốc.

TNS Rubio hồi tháng Năm đã giới thiệu ra Thượng viện Mỹ “Đạo luật Minh bạch và Trách nhiệm đối với Nhà cung cấp Chỉ số”. Ông cho biết dự luật này sẽ “đưa ra nhiều cải cách cần thiết để trao quyền cho các nhà đầu tư phổ thông vốn là những người sử dụng tiền tiết kiệm hưu trí để đầu tư và đang bị thao túng bởi những nhà cung cấp chỉ số không bị kiểm soát và không chịu trách nhiệm”.

Ông Rubio đã thúc giục các nhà hoạch địch chính sách Mỹ phải “nhận thấy được việc mở cửa thị trường tài chính của chúng ta cho các công ty Trung Quốc ‘săn mồi’ vốn phụ thuộc vào chế độ độc tài Bắc Kinh sẽ tạo ra sự dễ tổn thương cực lớn [cho các nhà đầu tư Mỹ]”.

Đức Thiện (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: