Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton (bang Arkansas) hôm Chủ Nhật (3/1, giờ Mỹ) đã phát đi tuyên bố nói rằng ông sẽ không tham gia cùng các đồng nghiệp đang có kế hoạch thách thức phiếu Cử tri đoàn trong cuộc họp hỗn hợp của Quốc hội vào ngày 6/1.

Embed from Getty Images

Thượng nghị sĩ Tom Cotton, một chính trị gia thường lên tiếng ủng hộ Tổng thống Donald Trump, trong tuyên bố hôm 3/1 đã nói rằng mặc dù ông chia sẻ những quan ngại về các bất thường bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử 2020, nhưng ông tin rằng Quốc hội sẽ vượt quá quyền hạn nếu cơ quan lập pháp này cố gắng đảo ngược các kết quả Cử tri đoàn và điều đó đặt ra những tiền lệ “không khôn ngoan”.

Quốc hội sẽ lấy đi quyền lựa chọn tổng thống của người dân. Hành động đó về bản chất là chấm dứt các cuộc bầu cử tổng thống và đặt quyền chọn tổng thống vào tay của chính đảng nào kiểm soát Quốc hội”, ông Cotton nói trong tuyên bố.

Ông cũng cho biết Quốc hội làm vậy sẽ đe dọa đến toàn bộ hệ thống Cử tri đoàn và “thực thi một bước lớn khác hướng tới liên bang hóa luật bầu cử”.

Thượng nghị sĩ của bang Arkansas nói thêm rằng những nỗ lực thách thức các phiếu bầu đại cử tri sẽ gây nguy hiểm cho hệ thống Cử tri đoàn và trao cho Đảng Dân chủ thêm lý do để đạt mục tiêu của họ là xóa bỏ hệ thống bầu cử này. Hệ thống Cử tri đoàn đã giúp Đảng Cộng hòa chiến thắng ghế tổng thống trong các năm 2000 và 2016, dù ứng viên của họ thua phiếu phổ thông. 

Ông Cotton cũng lập luận rằng việc đảo ngược các kết quả Cử tri đoàn có thể cũng sẽ khiến Đảng Dân chủ thúc đẩy việc liên bang hóa luật bầu cử. 

Cũng trong tuyên bố hôm 3/1, ông Cotton nói ông thất vọng về các kết quả bầu cử và có quan ngại về “những bất thường”, đặc biệt là về những thay đổi luật bầu cử liên quan tới bỏ phiếu qua thư.

Theo đó, tôi ủng hộ thành lập ủy ban để nghiên cứu về cuộc bầu cử vừa qua và đề xuất những cải cách để bảo vệ tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử của chúng ta”, ông Cotton nói. 

Tuyên bố của Thượng nghị sĩ Tom Cotton đến vào thời điểm ngày càng có nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng hòa công khai lên tiếng sẽ phản đối phiếu Cử tri đoàn của một số bang tranh chấp trong phiên họp Quốc hội vào ngày 6/1.

Hơn 30 thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện xác nhận họ sẽ tham gia vào nỗ lực của Dân biểu Mo Brooks (bang Alabama), trong đó có Dân biểu nổi tiếng Jim Jordan (tiểu bang Ohio). Một nhóm 11 thượng nghị sĩ do Thượng nghị sĩ Ted Cruz (tiểu bang Texas) dẫn đầu cũng cho biết họ sẽ phản đối kết quả bỏ phiếu Đại cử tri đoàn tại các bang đang tranh chấp nếu một cuộc kiểm tra khẩn cấp không được thực hiện.

Dân biểu Adam Kinzinger (tiểu bang Illinois) thậm chí còn nhận định rằng có tới hơn 100 dân biểu Đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẽ tham gia vào nỗ lực này, trong khi một nguồn tin ẩn danh đưa ra con số đó là hơn 140.

Các nhà lập pháp ủng hộ thách thức phiếu Cử tri đoàn nói rằng hành động đó là trách nhiệm của Quốc hội nhằm khôi phục niềm tin của công chúng vào các tiến trình dân chủ.

Trước ông Cotton, một số thượng nghị sĩ Cộng hòa khác như Mitt Romney (bang Utah), Pat Toomey (bang Pennsylvania), và Lisa Murkowski (bang Maine) đã công khai lên tiếng nói rằng họ sẽ không thách thức các phiếu Cử tri đoàn đã bầu cho ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden.

Trong khi đó, hôm 2/1, một nhóm 7 dân biểu Cộng hòa cũng đã loan báo rằng họ sẽ không phản đối phiếu Cử tri đoàn trong phiên họp Quốc hội ngày 6/1.

Dân biểu Ken Buck (bang Colorado) nói rằng việc tham gia vào các nỗ lực thách thức phiếu Cử tri đoàn sẽ chẳng khác gì “đặt Quốc hội vào trung tâm của tiến trình bầu cử tổng thống một cách vi hiến” và đó là hành vi sẽ “đánh cắp” quyền của người dân và các tiểu bang. 

Vào phiên họp hỗn hợp của Quốc hội ngày 6/1, các phản đối sẽ có hiệu lực khi có ít nhất một dân biểu và một thượng nghị sĩ ký tên vào kiến nghị phản đối phiếu Cử tri đoàn bằng văn bản. Nếu điều kiện đó được đáp ứng, phiên họp hỗn hợp sẽ tạm dừng và mỗi viện sẽ tách ra họp riêng để thảo luận trong ít nhất hai giờ. Sau khi thảo luận, mỗi viện sẽ bỏ phiếu với quy tắc đa số tối thiểu để đồng ý hoặc bác bỏ kiến nghị phản đối phiếu Cử tri đoàn.

Đức Thiện

Xem thêm: