Trong 2.800 hồ sơ vụ án Kennedy được Cục Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ đăng tải hôm thứ Sáu (26/10), có chi tiết đáng chú ý rằng một tờ báo địa phương của Anh Quốc đã nhận được một cuộc gọi nặc danh thông báo “sắp có tin lớn” từ Hoa Kỳ. Cuộc gọi bí ẩn này được thực hiện chỉ khoảng 25 phút trước khi Tổng thống John F Kennedy bị ám sát tại Dallas, Texas.

Embed from Getty Images

Tổng thống John F Kennedy và phu nhân ngồi trên xe Ford mui trần diễn hành ở đường phố Dallas Texas ngày 22/11/1963.

Thông tin về cuộc gọi nặc danh này có trong một bản ghi do điệp viên CIA James Angleton gửi cho giám đốc FBI J. Edgar Hoover vào ngày 26/11/1963, tức chỉ 4 ngày sau khi Tổng thống Kennedy bị bắn chết.

Theo bản ghi này, một người nặc danh đã gọi điện cho một phóng viên của tờ báo địa phương Cambridge News – phát hành chủ yếu ở Đông Anglia, miền đông nước Anh – vào khoảng 6h05 chiều ngày 22/11/1963 (giờ Anh Quốc), tức khoảng 12h05 (giờ Texas). Sau đó, Tổng thống Kennedy đã bị bắn chết vào khoảng 12h30 khi đang ngồi trên ôtô mui trần diễn hành trên đường phố Dallas, Texas.

Điệp viên James Angleton nói trong bản ghi rằng: “Người gọi điện chỉ nói với phóng viên tờ Cambridge News nên gọi tới Đại sứ quán Mỹ tại London vì sẽ có một tin tức lớn và sau đó cúp máy”.

Cũng trong bản ghi này có đoạn viết: “Sau khi cái chết của Tổng thống [Kennedy] được thông báo, người phóng viên [của tờ Cambridge News] đã thông tin cho cảnh sát Cambridge về cuộc gọi nặc danh, và cảnh sát đã thông báo điều này tới MI5 – Cục An ninh Nội địa Anh Quốc. Điều quan trọng là cuộc gọi nặc danh đã được thực hiện khoảng 25 phút trước khi Tổng thống [Kennedy] bị bắn, theo tính toán của MI5. Phóng viên của Cambridge News chưa bao giờ nhận một cuộc gọi dạng như vậy trước đây, và MI5 nói rằng vị phóng viên [nhận cuộc gọi] là một người trung thành và không có tiền án”.

Tên của vị phóng viên nhận cuộc gọi bí mật không được nêu rõ trong bản ghi. Bản ghi này còn nói thêm chi tiết rằng MI5 đã từng nhận được “nhiều cuộc gọi nặc danh tương tự với một sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ”.

Tờ Cambridge News hôm thứ Sáu (27/10) cũng đã đăng tải thông tin về sự việc này nhưng lưu ý rằng họ cũng không biết tên của người phóng viên năm xưa đã nhận cuộc gọi nặc danh. Tuy nhiên, tờ Cambridge News tiết lộ rằng họ đã biết đến sự tồn tại của bản ghi của điệp viên James Angleton gửi giám đốc FBI J. Edgar Hoover nêu trên từ trước, nhờ thông tin từ cố luật sư Michael Eddowes – một người gần như đã cống hiến cả cuộc đời cho việc điều tra những bí mật xung quanh cái chết của ông Kennedy.

Luật sư Michael Eddowes, qua đời năm 1992, đã từng nói với Cambridge News vào năm 1981 rằng ông ta tin người gọi điện nặc danh là một điệp viên Liên Xô gốc Anh Quốc có tên là Albert Osborne.

Bài báo của Cambridge News viết rằng ông  Eddowes cho biết hai tháng trước khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống Kennedy, tên Albert Osborne hay còn có bí danh là John Howard Bowen đã kết bạn với Lee Harvey Oswald – người sau đó được cho là thủ phạm bắn chết ông Kennedy.

Giả thuyết của ông Eddowes về người gọi điện nặc danh là điệp viên Liên Xô được tờ Cambridge News cho rằng đó là vì vị luật sư đánh giá khi đó “Liên Xô rất muốn vụ ám sát [Kennedy] được nhìn nhận là một âm mưu”. Tuy nhiên, cho đến nay cũng chưa có chuyên gia nào đưa ra được lời giải thích thỏa đáng cho việc tại sao tờ Cambridge News lại được chọn, hoặc tại sao lại chỉ gọi đến tờ báo địa phương mà không phải là một tờ báo quốc gia với sức lan tỏa thông tin lớn hơn.

Xuân Thành

Xem thêm: